Đại biểu Quốc hội đề nghị có kịch bản ứng phó Trung Quốc

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ hai, 2/6/2014 | 09:45 GMT+7
    Đại biểu Quốc hội đề nghị có kịch bản ứng phó Trung Quốc

    Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình kế hoạch đầu tư tiềm lực quốc phòng như đóng tàu, xây dựng công trình để bảo vệ chủ quyền biển đảo và yêu cầu Chính phủ có kịch bản ứng phó với Trung Quốc rõ nét hơn.
    Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về biển Đông / Quốc hội ra thông điệp về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
    Tại buổi thảo luận tình hình kinh tế xã hội sáng 2/6, đại biểu Vũ Chí Thực nhận định, vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam làm dấy lên sự phẫn nộ trong nhân dân. Nhiều phần tử xấu lợi dụng việc này gây rối, song chúng ta đã xử lý tốt và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, vạch trần thủ đoạn của các thế lực thù địch và cả những thế lực đằng sau vụ giàn khoan.

    Đại biểu Thực khẳng định, chúng ta cần kiên quyết bảo vệ chủ quyền, buộc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam và chủ động đối phó mọi tình huống, kể cả kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

    "Kẻ địch có sức mạnh đến đâu mà nội bộ đoàn kết, nhân dân tin tưởng thì chúng ta sẽ thắng lợi", đại biểu Thực phát biểu.

    Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Viết Ngoạn cho biết, cá nhân ông và đoàn đại biểu Khánh Hòa ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp của Đảng và Nhà nước xử lý vấn đề Biển Đông, các vụ gây rối ở các địa phương. Các nhà đầu tư vẫn có lòng tin với Việt Nam.

    "Trong kế hoạch kinh tế xã hội năm 2014 chưa xuất hiện các vụ xung đột trên biển nên đề nghị Chính phủ có các kịch bản ứng phó để bảm bảo thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội đã đề ra", đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm.

    Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Chính phủ có kịch bản ứng phó vấn đề biển Đông. Ảnh: NA.
    Dưới góc nhìn doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định, tác động của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép sẽ ảnh hưởng tới thương mại song phương và cho rằng, cần phải thận trọng và cứng rắn khi đàm phán thương mại để không ảnh hưởng đến nông dân, người lao động.

    Ông Lộc cho biết, kinh tế Việt Nam hiện lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, như đầu vào ngành dệt may nhập 50% từ Trung Quốc do giá nguyên liệu của họ rẻ. Thời gian tới chúng ta cần ký các hiệp định thương mại có điều kiện nhập khẩu từ Mỹ, Ukraine... để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Ngoài ra, Trung Quốc chiếm 10% lượng hàng xuất khẩu, tiêu thụ hoa quả, gạo từ Việt Nam, nếu Trung Quốc dừng nhập khẩu sẽ ảnh hưởng lớn đến người nông dân trong khi hàng rào nhập khẩu Âu, Mỹ còn cao, chúng ta chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của khách hàng giàu có, khó tính.

    "Hàng hóa Việt Nam cần đa dạng hóa, đây là khâu chúng ta làm chưa tốt, cần tìm mối ra cho nền kinh tế, để tránh bỏ trứng vào một giỏ", ông Lộc nhấn mạnh.

    Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa bày tỏ sự đồng tình với các chỉ đạo của Chính phủ về đầu tư tiềm lực quốc phòng như đóng tàu, xây dựng công trình để bảo vệ vững chắc biển đảo với phương châm "Vững toàn diện, mạnh trọng điểm", ông cũng yêu cầu tăng cường đầu tư cho các lực lượng chấp pháp trên biển, hệ thống phòng thủ biển đảo và đầu tư tàu cá cho ngư dân.

    Đại biểu Nghĩa cho rằng, hiện ngư dân đóng tàu cá lớn được hưởng lãi suất 3% năm song Chính phủ cần cho vay không lãi để khuyến khích người dân vừa đánh cá vừa bảo vệ biển đảo. Có thể áp dụng trước tại các tỉnh trọng điểm và kiện toàn tổ chức các nghiệp đoàn lớn trên biển để tăng cường quốc phòng toàn dân trên biển.

    Trước ý kiến của đại biểu Nghĩa, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết, Chính phủ đã dự kiến dành 16.000 tỷ đồng đầu tư cho cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con nông dân đánh bắt xa bờ. Đại biểu cần cho ý kiến để Chính phủ quyết định trong kỳ họp này, đáp ứng tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo.

    Đoàn Loan


    Posted by http://vnexpress.net/ on June 02, 2014 at 08:49:29:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]