Trí thức Việt Nam kêu gọi dân chủ hóa để bảo vệ đất nước HÀ NỘI (NV) - 115 nhân sĩ, trí thức vừa ký tên vào một thư ngỏ gửi mọi người Việt và toàn thể đảng viên Ðảng CSVN, kêu gọi cải cách chính trị, dân chủ hóa để bảo vệ và phát triển đất nước. Nhiều người trong nhóm soạn thảo và công bố thư ngỏ này là đảng viên Ðảng CSVN, từng giữ nhiều vai trò, ở nhiều vị trí khác nhau trong chính quyền CSVN. Một trong những hình ảnh liên quan tới việc đàn áp cuộc biểu tình ngày 18 tháng 5 ở Sài Gòn, nhằm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Ðông. (Hình: Internet)
Thư ngỏ lên án, trong tình thế hiểm nghèo như vậy lẽ ra phải “phân tích, dự báo diễn biến và có đối sách” để “chủ động ứng phó” nhưng giới lãnh đạo Ðảng CSVN, tổ chức chính trị đang cầm quyền đã không đáp ứng được yêu cầu này. Thông báo của Hội Nghị Lần Thứ 9 Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa 11 của Ðảng CSVN (diễn ra trong một tuần, từ 8 tháng 5 đến 14 tháng 5) đã không lên án, phân tích và đề ra đối sách chống lại mưu đồ và hành động xâm lược mới của Trung Quốc. Phát biểu khai mạc và bế mạc tại hội nghị vừa kể của tổng bí thư Ðảng CSVN cũng tương tư như vậy. Nhóm soạn thảo và công bố thư ngỏ nhận định, trong vài năm qua, các cuộc biểu tình ôn hòa nhằm cảnh báo dã tâm của Trung Quốc, bày tỏ ý chí chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền quốc gia đều bị trấn áp. Sau sự kiện giàn khoan 981, các cuộc biểu tình như thế vẫn không được ủng hộ mà còn dùng nhiều hình thức ngăn cản. Theo nhóm soạn thảo và công bố thư ngỏ, nghiêm trọng nhất là vì “mất cảnh giác và tình trạng đột ngột tê liệt đến khó hiểu” của chính quyền, những phần tử xấu đã kích động bạo động, gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp nước ngoài, cho nền kinh tế và cho uy tín quốc gia. Tuy chưa biết chính xác là ai đứng sau những vụ kích động có chủ đích này, song Trung Quốc đã lập tức thổi phồng những cuộc bạo động đó để làm mờ hành vi xâm lược ở biển Ðông và bôi xấu hình ảnh Việt Nam. Trong khi trợ giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại, trấn an giới đầu tư nước ngoài, chính quyền Việt Nam lại lấy các vụ bạo động làm cớ để ngăn chặn dân chúng tiếp tục biểu tình phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc. Nhóm soạn thảo và công bố thư ngỏ nhận định, Việt Nam đang trong “tình thế hiểm nghèo.” Tình thế này vừa là “thách thức nghiêm trọng,” vừa “tạo cơ hội lớn cho Việt Nam chấn hưng đất nước theo con đường dân tộc và dân chủ,” giải tỏa nhận thức mơ hồ về thế lực bành trướng Trung Quốc. Nhóm soạn thảo và công bố thư ngỏ “ghi nhận và ủng hộ những quan điểm, hành động tích cực trong thời gian gần đây của không ít người có trách nhiệm trong bộ máy cầm quyền ở các ngành, các cấp trước mưu đồ bành trướng của Trung Quốc.” Trong đó có tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam nhất định không chịu đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.” Thư ngỏ kêu gọi “những cán bộ, đảng viên trung thành với tâm nguyện vì dân vì nước cùng với nhân dân vạch rõ và đấu tranh không khoan nhượng chống lại những quan điểm và thái độ nhu nhược đối với kẻ xâm lược, dùng bạo lực, lừa mị đối với dân, lo mất chức quyền hơn mất nước của một số người lãnh đạo ở cơ quan trung ương và các cấp, đặc biệt là những kẻ có quan hệ mờ ám với nhà cầm quyền Trung Quốc.” Theo đó, họ cần “thoát khỏi sự khống chế và kìm hãm lâu nay, gắn bó mật thiết với dân để cùng nhân dân thúc đẩy cải cách chính trị, chuyển đổi thể chế từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa, gắn với cải cách kinh tế, văn hóa, giáo dục, đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc, mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc.” Vì “chỉ có như vậy chúng ta mới tập hợp, đoàn kết được toàn dân tộc và thu hút được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ để có đủ sức mạnh bảo vệ và phát triển đất nước.” Thư ngỏ nhấn mạnh, “những đảng viên vì nước vì dân của Ðảng CSVN sẽ được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, góp sức.” Thư ngỏ khẳng định “không một thủ đoạn lừa bịp, hăm dọa hay bạo lực nào từ bên ngoài có thể khuất phục được ý chí bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta. Không một sự lừa mị, một hành động trấn áp nào có thể lung lạc được tinh thần yêu nước của nhân dân.” (G.Ð)
|