Bắc Kinh có 6 tháng để trả lời vụ kiện về 'đường lưỡi bò'
* Trung Quốc cho xây phi đạo ở Gạc Ma
Bản đồ hai vùng tranh chấp nóng trên Biển Đông giữa Việt Nam, Phi Luật Tân với Trung quốc. (Hình: CSIS) Hôm Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014, Tòa án trọng tài quốc tế đòi hỏi Trung Quốc phải trả lời cho các cáo buộc của Philippines là Bắc Kinh đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của họ theo như Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên. Tòa án The Hague cho rằng cần phải cho các nước liên quan tranh chấp “cơ hội đầy đủ để nghe ý kiến và trình bày quan điểm về vụ việc”. Tòa án cho Trung Quốc 6 tháng tức tới ngày 15 tháng 12, 2014 để trả lời. Hồi Tháng Ba vừa qua, Philippines nộp một hồ sơ dầy tới 4,000 trang tại Tòa Trọng Tài Quốc Tế (Permanent Court of Arbitration) ở The Hague, Hòa Lan, yêu cầu tòa bác bỏ tuyên bố đường “Lưỡi Bò” 9 đoạn của Trung Quốc ngang ngược chiếm gần hết Biển Đông, dù Trung Quốc chỉ nằm ở mặt bắc. Nhiều đoạn vạch “Lưỡi Bò” lấn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Càng ngày người ta càng thấy tình hình khu vực Biển Đông thêm căng thẳng vì các hành động lấn tới của Bắc Kinh để lộ rõ chủ trương muốn chiếm trọn khu vực. Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi lập lại lời tuyên bố trước đây rằng nước họ sẽ không chấp nhận (phán quyết) hay tham dự tiến trình xét xử của tòa án The Hague. Bắc Kinh cho rằng các sự tranh chấp chủ quyền biển đảo với nước họ được miễn trừ vì họ đã nộp hồ sơ hồi năm 2006 tại UNCLOS tuyên bố chủ quyền (Lưỡi Bò). Thời gian đó, Việt Nam, Philippines đã phản bác. Hồi tuần trước, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời báo chí cũng cho hay Việt Nam đã sẵn sàng hồ sơ để kiện Trung Quốc, tương tự như việc làm của Philippines. Tuy nhiên, không thấy ông ta nêu thời điểm là khi nào nên chỉ hiểu là một lời đe dọa giữa những căng thẳng trên biển đang diễn ra ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Philippines cho rằng hành động của Bắc Kinh lấn chiếm một số khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền như vậy vi phạm vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở đất liền, theo công ước UNCLOS quy định. Tàu Trung quốc đuổi ngư dân Philippines đi khỏi khu vực Scarborouh Shoal hồi Tháng Giêng. Hồi Tháng Ba, tàu tuần Trung quốc cũng đuổi tài tiếp liệu cho một căn cứ của họ tại bãi đá ngầm Second Thomas Shoal. Tàu Trung Quốc hút cát và đổ lên đảo Gạc Ma (cướp của Việt Nam năm 1988) thuộc quần đảo Trường Sa, biến đảo này thành 1 phi đạo cho máy bay. (Hình: AP/Photo) Mới đây, Philipines tố cáo Bắc Kinh đưa tàu hút cát để lập một căn cứ lớn rộng đến 30 hecta tại Johnson South Reef (Việt Nam gọi là đá Gạc Ma). Có tin tức nghi ngờ là ngoài một căn cứ lớn Trung Quốc còn muốn biến bãi đá ngầm này thành một phi trường nổi trên biển. Hơn một thập niên qua, Trung Quốc dựa vào sức mạnh kinh tế đã tăng tốc xây dựng và tối tân hóa một lực lượng quân sự ăn trùm khu vực cả về số lượng cũng như phẩm chất kỹ thuật. Ngày nay, trong tay chủ tịch Tập Cận Bình, Trung quốc càng ngày càng dùng sức mạnh quân sự hậu thuẫn cho các tuyên bố chủ quyền. Cuối tuần trước, tại Diễn đàn An ninh Khu vực Shangri-La (Singapore), cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều đả kích mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là khiêu khích, làm mất ổn định khu vực. “Hoa Kỳ sẽ không quay mặt đi hướng khác khi các nguyên tắc căn bản của trật tự quốc tế bị thách đố”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu như thế tại Diễn đàn vừa kể hôm 31 tháng 5, 2014. Cho tới nay, nhiều nhà bình luận thời sự quốc tế đều cho rằng người ta mới chỉ thấy Hoa Kỳ nói mà chẳng có hành động gì cụ thể. Cả Việt Nam cũng như Philippines đều khá cô đơn khi phải bảo vệ chủ quyền lành thổ trước một kẻ thù không cân sức. (TN) Posted by nguoi-viet.com on June 04, 2014 at 21:13:38:
|