[Tintuc-hoangsatruongsa]
'Việt Nam và cơ hội thoát Trung lần 4'
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
Tiến sỹ sử học
Cập nhật: 13:46 GMT - thứ sáu, 6 tháng 6, 2014
Trung Quốc đang tăng cường phát triển hải quân
Ngày 1/5 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách đảo Tri Tôn 17 hải lý với sự hỗ trợ lực lượng trên trăm tàu đủ loại và cả không quân.
Thời gian này Trung Quốc cho là thời cơ tốt thực thi chủ quyền tại “Đường chín đoạn Lưỡi Bò” chiếm 80% Biển Đông, trước hết có thể lôi kéo Nga đang bị Mỹ các nước Phương Tây gây áp lực sau khủng hoảng ở Ukraine.
Còn với Việt Nam thì Trung Quốc nắm rất kỹ nội tình, đang thu tóm kinh tế Việt Nam và nghĩ có thể xử ép, có khả năng xúi bẩy các cấp và cả người dân sau Hội nghị Thành Đô 1990.
Vì sao lúc này?
Thời điểm sau ngày 30/4 và trước ngày 7/5, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày thất bại của Pháp và Mỹ ở Việt Nam, như nhắc nhở đến những khó khăn, khó chịu của các nước Phương Tây với Việt Nam.
Đồng thời họ cũng nhắc nhở Việt Nam những hệ lụy của ngày 30/4, Việt Nam thống nhất không theo ý của Trung Quốc, đã bị Trung Quốc dạy cho bài học mà cao nhất là cuộc chiến Tây Nam và Biên Giới Việt Trung năm 1979.
Trên đây có thể đúng hẳn hay chỉ một phần đúng theo cách suy nghĩ của Trung Quốc cho là thời cơ để thách thức Việt Nam với những gì mà Giàn khoan 981 đang và sẽ làm.
Thực tế đã diễn ra rất khác xa, có thể nói: lại trở thành thời cơ cho Việt Nam thoát khỏi vòng tay của Trung Quốc.
Đây là khởi đầu một cuộc chiến không bằng súng như một luật sư đã phát biểu trong Buổi tập huấn về Luật biển của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam ở Hà Nội hay các doanh nhân trẻ Việt Nam cho họ đang là các chiến sĩ trẻ trong cuộc trường kỳ kháng chiến thoát khỏi Bắc thuộc lần thứ tư trong lịch sử Việt Nam.
Những âm mưu biến Việt Nam trở thành thuộc quốc đã từ lâu nhất là từ khi có hội nghị Thành Đô năm 1990, ai cũng đã biết.
"Thời nào cũng có Trần Ích Tắc, Trần Di Ái, Lê Chiếu Thống, song những người ấy chỉ vì tư lợi sẽ thất bại và không còn ở lại trái tim người Việt"
Ông Nguyễn Cơ Thạch cũng từng cho rằng việc Việt Nam thoát khỏi khỏi vòng tay Trung Quốc không dễ dàng chút nào. Bởi có cả một thời gian dài khi đánh đuổi thực dân đế quốc Phương Tây, các nhà cách mạng Việt Nam kể cả quốc gia lẫn cộng sản đều đã nhờ đất và người Trung Quốc trợ giúp.
Song phải nói , nhất là năm 1972 Trung Quốc cùng Mỹ đưa ra Thông cáo chung Thượng Hải, nên đã quyết định dứt khoát với Trung Quốc.
Cụ thể là ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước không theo ý Trung Quốc, đã bị Trung Quốc đáp trả, ngừng chi viện, cho Pol Pot đánh chiếm Thổ Chu và gây ra Mặt trận Tây Nam và Cuộc chiến 1979 sau đó.
Việt Nam càng ngày lại thấy vì lợi ích của Trung Quốc nên họ đã lôi kéo Việt Nam đối trọng với Liên Xô hay với Mỹ, và đã khiến Việt Nam khốn khổ.
Ví dụ như sau chiến thắng Điện Biện Phủ, đáng lẽ để Việt Nam toàn thắng họ lại dùng Hiệp định Geneva để chia cắt Việt Nam.
Mao biến chủ nghĩa Marx thành chủ nghĩa Mao cực quyền Đại Hán, khiến nhân dân Trung Quốc cơ cực
Hay sau 1972 Trung Quốc lại chiếm Hoàng Sa năm 1974, lợi dụng sự ủng hộ vô điều kiện của VNDCCH cho 'phe đồng chí' như Công Hàm Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuy chẳng có gía trị pháp lý về từ bỏ chủ quyền vì Hiệp Định Geneva Điều 1 đã qui định rất rõ thuộc chính quyền Phía Nam quản lý.
Song ngay khi hạ đặt giàn khoan HD-981 Đài Tiếng Nói Nhân dân Trung Hoa lại nhắc đến Công Hàm Phạm Văn Đồng, cho là bằng chứng về lịch sử, pháp lý mạnh mẽ nhất, không thể chối cãi.
Tuy thế, Việt Nam đã rất khôn ngoan, ngay sau ngày 30/4/1975 đã tổ chức hiệp thương hai chính quyền Nam Bắc, bầu cử quốc hội và chính quyền Việt Nam thống nhất có giá trị pháp lý quốc tế rất cao.
Chính quyền thống nhất này đã thừa kế chính quyền ở Miền Nam về chủ quyền.
Tính chất pháp lý quốc tế của chính quyền Việt Nam thống nhất lại khác hẳn tính chất của chính quyền VNDCCH, mặc dù có rất nhiều nhân vật lãnh đạo của chính quyền VNDCCH.
Ngay khi Thống nhất chính quyền Thống Nhất đã đặt ngay vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa với lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và năm 1979, Việt Nam thống nhất đã công bố Sách trắng phản bác Trung Quốc về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền của mình vừa liên tục vừa hòa bình phù hợp với pháp lý quốc tế.
Chủ nghĩa Marx đã có vai trò lịch sử, có mặt tích cực giúp cho chủ nghĩa tư bản thay đổi ngày càng tốt hơn, như đời sống công nhân ngày càng cao và có thể tham gia cổ đông và chính trị dễ dàng, trong khi Mao biến chủ nghĩa Marx thành chủ nghĩa Mao cực quyền Đại Hán.
Những chuyện thâm cung bí sử sát hại lẫn nhau thời phong kiến xưa được Mao biến thành đại trà đem đến tận người dân bình thường, cụ thể là cảnh đấu tố trong cải cách ruộng đất, con đấu tố cha, giết cha; trò đấu tố thầy giết thầy; các đồng chí chung quanh Mao hầu hết đều bị giết hại thẳng tay.
Nhân dân Trung Quốc khi đó có đời sống cực khổ, một hình thức nô lệ, phong kiến kiểu mới cực quyền.
Cũng may Việt Nam đã nhanh chóng sửa sai, và khi Cách mạng Văn Hóa ở Trung Quốc giết hại các đồng chí thì Việt Nam không theo, chỉ có Pol Pot nhắm mắt theo, đã xảy ra đại họa diệt chủng.
Thoát vòng tay Trung Quốc
Thực tâm Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam mạnh cả mà chỉ là thuộc quốc, bảo sao nghe vậy.
Giới trẻ Trung Quốc được giáo dục rất kỹ như học giả trẻ Trung Quốc Vương Hàn Lĩnh tuyên bố trên Tuần Việt Nam năm 2011 rằng trước năm 1885 Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc và do Đế quốc Phương Tây làm gián đoạn mà thôi.
Chỉ có ông Lê Duẩn là hiểu được suy nghĩ thực của Mao Trạch Đông
Cũng như viên tướng Phó Tổng tham mưu Trung Quốc tuyên bố trong hội nghị tại Singapore vừa qua rằng từ thời Hán, 2000 năm trước, các đảo ở Nam Hải đều thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Như thế hẳn nhiên các nước Hy Lạp, La Mã, Thổ Nhĩ Kỳ chắc kiểu như thế sẽ tuyên bố cả châu Âu và Địa Trung Hải hiện cũng là thuộc nước họ từ lâu.
Trung Quốc không ngờ chính thời điểm đặt Giàn Khoan sau 30/4 lại khơi dậy tinh thần yêu nước vốn có của người Việt Nam lên cao chưa từng thấy, tạo thời cơ cho Việt Nam khẳng định Việt Nam không là sân sau của Trung Quốc, khiến Việt Nam dễ dàng vào khối Kinh tế TTP, thoát khỏi Trung Quốc thao túng về kinh tế, chính trị văn hóa.
Đây hẳn nhiên còn là thời cơ khiến Việt Nam có triển vọng trở thành cường quốc trong một tương lai không xa, nếu Việt Nam muốn xây dựng nội lực hùng cường, nếu trong và ngoài hiệp lực cùng nhau.
Cũng là thời cơ người Việt Nam bừng tỉnh thế kỷ qua Việt Nam là nạn nhân của thời cuộc quốc tế, bỏ qua thù hận, khời đầu kỳ nguyên Đại hòa cùng nhau cứu nước thoát Bắc thuộc lần thứ 4.
Việc Thủ tướng Việt Nam Bấm tuyên bố cứng rắn ở Philippines rằng không đổi chủ quyền thiêng liêng lấy hữu nghị viển vông và lệ thuộc nào đó, đã được đánh giá như khởi đầu giai đoạn lịch sử mới, mở đầu cuộc chiến không bằng súng mà toàn diện từ văn hóa tư tưởng, chính trị, kinh tế để Việt Nam thoát khỏi vòng tay của Trung Quốc.
Thời nào cũng có Trần Ích Tắc, Trần Di Ái, Lê Chiếu Thống, song những người ấy chỉ vì tư lợi sẽ thất bại và không còn ở lại trái tim người Việt.
Lịch sử đã khẳng định cho ta biết như thế.
Bất cứ ai làm cho đất nước suy hèn đều có tội với Tổ tông và Dân tộc.
Và đây là điều luôn luôn đúng.
Bài viết thể hiện quan điềm riêng của tác giả Nguyễn Nhã, hiện sống tại TP HCM. BBC luôn mong nhận được các ý kiến khác nhau về cùng một chủ đề, kể cả ý kiến phản biện lại bài viết này.
Posted by bbc
on June 08, 2014 at 09:05:29:
[Tintuc-hoangsatruongsa]