Báo Nhật: Trung Quốc sợ bị Việt Nam kiện ra tòa án quốc tế (TNO) Trung Quốc ngày 9.6 đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) một văn bản liên quan đến giàn khoan Hải Dương-981 vu khống Việt Nam một cách trắng trợn. Tờ The Diplomat (Nhật Bản) cho rằng sở dĩ Bắc Kinh có động thái này là vì lo ngại Việt Nam và các nước trong khu vực làm đơn kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam - Ảnh: Reuters Mặc dù là nước cố tình xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wang Min ngày 9.6 đã gửi một “bản tuyên cáo lập trường” lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon về giàn khoan Hải Dương-981, ngang ngược nói Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Việc Trung Quốc quyết định đệ trình “bản tuyên cáo lập trường” ra LHQ cho thấy Bắc Kinh ngày càng quan ngại bị Việt Nam và các quốc gia láng giềng trong khu vực kiện ra tòa án quốc tế, dùng luật pháp quốc tế để phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nuốt trọng gần cả biển Đông, theo The Diplomat. The Diplomat nhận định động thái trên của Trung Quốc là nhằm “quốc tế hóa” vấn đề chủ quyền lãnh thổ để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Với chiến lược này, Bắc Kinh định khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa với LHQ để ngăn cản Việt Nam và các nước láng giềng kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế, theo The Diplomat. Tuy nhiên, Trung Quốc đang chơi một ván bài nguy hiểm bởi vì không có luật pháp quốc tế nào công nhận “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, cũng theo The Diplomat. Philippines đã làm đơn kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ra tòa án quốc tế và Việt Nam cũng đang cân nhắc biện pháp tương tự sau khi tàu Trung Quốc ngang ngược bắn vòi ròng, đâm húc các tàu chấp pháp Việt Nam và đâm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực giàn khoan. The Diplomat cho rằng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ Nhật Bản, Úc, Mỹ và các nước khác. Phúc Duy
|