"TQ phải xử sự đúng tư cách nước lớn"

    [Tintuc-hoangsatruongsa]


    Thứ Tư, 11/06/2014 - 16:14
    "TQ phải xử sự đúng tư cách nước lớn"

    Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) khẳng định khu vực hạ đặt giàn khoan của TQ là "nằm hoàn toàn trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN". Ông Jitendra Sharma, ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch IADL nói.

    Chủ tịch danh dự IADL Jitendra Sharma.

    Tại cuộc họp báo sáng nay ở Hà Nội, ông Jitendra Sharma đọc tuyên bố khẳng định vị trí (đầu tiên) TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại toạ độ 15029’58” vĩ Bắc – 111012’06” kinh Đông ngày 2/5 là "nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN".
    "IADL hiểu rằng sau khi phía VN lên tiếng phản đối, TQ đã điều hơn 80 tàu và máy bay, bao gồm cả tàu quân sự tới khu vực trên. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi tàu TQ đâm và sử dụng vòi rồng bắn vào một số tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của VN gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người. IADL cũng được thông báo về một số vụ đâm vào các tàu đánh cá của VN".

    Đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý việc đưa giàn khoan

    IADL đã quyết định gửi thư tới chính quyền TQ với 4 nội dung. Theo đó, nhắc nhở tất cả các bên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuyệt đối tuân thủ UNCLOS 1982, Công ước mà cả TQ và VN đều là quốc gia thành viên.

    IADL đề nghị phía TQ làm rõ cơ sở pháp lý của các hành động gồm đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, đưa tàu, máy bay và tàu quân sự tới hoạt động gần khu vực giàn khoan; tiến hành những hành vi khiêu khích như đâm, bắn vòi rồng vào các tàu chấp pháp của VN...

    IADL kêu gọi TQ, với tư cách là một quốc gia thành viên của LHQ và là một trong 5 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an phải tôn trọng, tuân thủ và giữ gìn tuyệt đối Hiến chương LHQ, xử sự đúng tư cách của một nước lớn cũng như đúng tư cách của 1 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an trong việc giữ gìn và bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới.

    Yêu cầu chính quyền TQ đưa ra những phản hồi với IADL bày tỏ quan điểm về các vấn đề này.

    Với tư cách là một tổ chức có mục tiêu hướng tới giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, IADL đề nghị TQ tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng và kiềm chế các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

    Tuy nhiên, theo ông Jitendra Sharma, cho đến nay, TQ vẫn im lặng trước các đề nghị của IADL.

    Hành động không thể chấp nhận

    Trước tuyên bố của IADL, báo chí đã đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan cho ông Jitendra Sharma.

    Đời sống và Pháp luật: Sau tuyên bố về Biển Đông, IADL có hành động cụ thể gì giúp VN? Nếu VN khởi kiện thì nên chọn cơ quan tài phán nào? VN sẽ được Hội ủng hộ và trợ giúp pháp lý như thế nào nếu VN tham gia vụ kiện tranh chấp pháp lý?

    Ông Jitendra Sharma: VN là dân tộc yêu chuộng hòa bình nên tôi tin tưởng VN sẽ cố gắng tìm mọi cách giải quyết tranh chấp, căng thẳng dựa trên các biện pháp hòa bình. Tôi tin Chính phủ VN, đất nước VN nói chung sẽ tham khảo các khả năng có thể để vận dụng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ để giải quyết vấn đề hòa bình. Sẽ là vội vàng nếu Hội luật gia dân chủ quốc tế dự đoán trước hành động tiếp theo của VN là gì. Nhưng có một điều có thể khẳng định chắc chắn đó là Hội luôn sát cánh và ủng hộ VN để sớm giải quyết vấn đề đang diễn ra ở Biển Đông.

    Tàu TQ đâm vào tàu cá ngư dân VN. Ảnh: VOV
    Việc TQ hạ đặt giàn khoan thuộc vùng biển chủ quyền của VN là một sự vi phạm chủ quyền trắng trợn. Dù VN lựa chọn kiện ở tòa trọng tài quốc tế, ở HĐBA, hay bất cứ cơ chế nào, Hội đều ủng hộ VN. Như nội dung Tuyên bố của Hội, chúng tôi luôn ủng hộ hành động của VN, chúng tôi có kêu gọi trực tiếp TQ phải tôn trọng chủ quyền hợp pháp của VN.
    Biên phòng: Vừa qua tại Diễn đàn Shangri-la ở Singapore, một tướng của TQ tuyên bố rằng Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS) 1982 không áp dụng đối với khu vực Biển Đông. Ông bình luận thế nào về phát biểu của vị tướng TQ?

    Phải nói thẳng luôn quan điểm của ông tướng TQ là một tuyên bố sai lầm. Trong UNCLOS 1982, toàn bộ điều khoản đều không có khoản loại trừ điều chỉnh hành vi trên một vùng biển nào. Tất cả xung đột lãnh hải đều sử dụng Luật Biển của LHQ để giải quyết tranh chấp. Những gì liên quan hòn đảo, vùng biển xung quanh đều rơi vào phạm trù điều chỉnh của Công ước Luật biển của LHQ , không thể có trường hợp như TQ nói là loại trừ vùng Biển Đông.

    Năng lượng: Hội có trợ giúp pháp lý nào giúp VN trong đấu tranh để buộc TQ rút giàn khoan? Ông nghĩ thế nào về khả năng VN tiến hành vụ kiện TQ ở tòa quốc tế, liệu có khó khăn, trở ngại nào nếu VN tiến hành kiện, liệu công lý có đứng về VN không?

    Bất cứ khi nào Chính phủ VN đưa ra yêu cầu cụ thể trợ giúp pháp lý, chuyên môn thì Hội chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ. Chúng ta có thể kiện ra tòa tư pháp quốc tế dựa vào việc TQ vi phạm các quy định Hiến chương LHQ, vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là quyết định quan trọng và tôi tin Chính phủ, người dân sẽ đưa ra quyết định cho mình.

    Phán quyết của tòa tư pháp quốc tế có chịu ảnh hưởng chính trị nhất định từ nhóm người là thành viên của tòa đó. VN có yếu tố pháp lý mạnh chứng minh những quan ngại về hoạt động sai trái của TQ trong vùng biển chủ quyền của mình. Một khi VN đã cân nhắc chín để kiện thì VN phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thành công trong vụ kiện. Những luật sư của chúng tôi có kinh nghiệm ở các tòa tư pháp quốc tế sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp VN quyết định đưa

    Người đưa tin:VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. TQ chưa có bằng chứng pháp lý nào về đường 9 đoạn. Bình luận của ông? Vụ kiện của Philippines, vai trò của Hội trong vụ kiện của quốc gia này như thế nào?

    Tôi đồng ý các bằng chứng lịch sử thuận lợi cho VN. VN có các bằng chứng lịch sử mạnh mẽ ủng hộ cho những tuyên bố khẳng định chủ quyền của VN đối với các quần đảo thuộc chủ quyền ở Biển Đông. Trong quá khứ, có thời điểm khiến việc duy trì hiện diện thường xuyên không được liên tục ở các hòn đảo đó, nhưng những bằng chứng lịch sử đều khẳng định chủ quyền không chối cãi của VN. Không có lý lẽ nào biện hộ cho TQ đặt một vật thể như giàn khoan tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN.

    Tại hội nghị hòa bình San Francisco diễn ra tháng 9/1951, Liên Xô đưa ra gợi ý xoay chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sang TQ, nhưng đại đa số các nước ở hội nghị đã không ủng hộ. Dù có xảy ra sự kiện gì cũng không đủ hiệu lực bác bỏ được các bằng chứng nói lên chủ quyền của VN đối với quần đảo này. VN kiện tòa quốc tế, hay kiện ra LHQ, thì những bằng chứng lịch sử của VN có cơ sở mạnh mẽ hơn so với vị thế của Philippines trong vụ kiện đường 9 đoạn.

    VOVTV: Có ý kiến cho rằng kết quả một vụ kiện ra tòa quốc tế của VN dù có lợi thì tính ràng buộc thực thi yếu. Liệu VN có thể làm gì để tăng cường tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo có chủ quyền, hay có biện pháp hòa bình nào có thể triển khai trong trường hợp chế tài, hay phán quyết của tòa án không đủ mạnh để TQ rút lui?

    Bạn nêu một khía cạnh quan trọng của vấn đề. Đã có những vụ kiện mà những phán quyết của tòa quốc tế không được thực thi bởi tòa chỉ đưa ra phán quyết chứ không có chức năng đảm bảo cưỡng chế thực thi phán quyết. Phán quyết chỉ trở thành hiện thực nếu trong LHQ có cơ chế quy định, nếu anh không tuân thủ phán quyết của tòa án thì anh bị tẩy chay hay khai trừ khỏi LHQ thì hy vọng mới có kết quả. Đã có 3 trường hợp kiện thành công nhưng không thể thực thi. Nếu phán quyết của tòa án không thực thi nó vẫn có tác dụng làm mạnh hơn hành động bảo vệ chủ quyền, phô trương thanh thế dư luận quốc tế rất tốt, và điều đó có lợi cho quốc gia có chủ quyền có niềm tin đi tới tiếp tục đấu tranh.

    Những clip ghi lại những hình ảnh cho thấy thái độ hung hăng, cậy sức lớn của TQ dùng tàu lớn tấn công tàu nhỏ của VN, nhất là trên vùng lãnh hải chủ quyền của VN. Không có lý do gì biện hộ cho sự hung hãn, gây hấn như vậy của TQ như vậy. Luật pháp quốc tế về hàng hải không cho phép các hành động tấn công tàu bè như vậy trên vùng biển, nhất đấy là vùng biển chủ quyền của VN. Hành động của TQ đưa 80 tàu vòng trong vòng ngoài, không cho tiếp cận khu vực và dùng vũ lực để ngăn cản là hành động không thể chấp nhận. Chiểu theo UNCLOS đó là hành động sai trái khi tiến hành hành động như vậy.

    Nhược điểm vụ kiện tôi đã nói đó là tính thực thi yếu của các phán quyết nên không trông mong lắm. Vì họ không có bộ máy cưỡng chế thực thi. Nhưng mặt khác vẫn phô trương thanh thế qua dư luận quốc tế, dư luận chung ủng hộ cho sự chính đáng của mình. Đó là điều có lợi.

    Theo Linh Thư
    Vietnamnet




    Posted by http://dantri.com.vn/ on June 11, 2014 at 11:34:36:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]