Tọa đàm về tình hình Biển Đông tại Hà Nội

    [Tintuc-hoangsatruongsa]


    Tọa đàm về tình hình Biển Đông tại Hà Nội
    Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
    2014-06-14
    Phần âm thanh Tải xuống âm
    Cuộc tọa đàm liên quan tình hình Biển Đông do Trung Tâm Minh Triết Việt Nam tổ chức vào chiều thứ bảy 14 tháng 6 năm 2014.
    Courtesy TT Minh Triết Việt

    Trung Tâm Minh Triết Việt Nam vào chiều thứ bảy 14 tháng 6 tiến hành tổ chức cuộc tọa đàm liên quan tình hình Biển Đông. Những điểm đáng chú ý của cuộc tọa đàm này là gì?

    Nhấn mạnh đến vấn đề Gạc Ma

    Dư luận trong nước suốt hơn một tháng qua chú trọng phần lớn đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khủng Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi đó thông tin được nói là đáng tin cậy từ phía Philippines cho biết Trung Quốc cũng đang triển khai cải tạo đất và tiến hành công tác xây dựng tại các bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Ga Ven, Én Đất thuộc quần đảo Trường Sa.

    Điểm nhấn của cuộc tọa đàm lần này là trình bày vấn đề bãi đá Gạc Ma nơi mà Trung Quốc tấn công giết chết 64 binh sĩ của Việt Nam vào năm 1988. Giám đốc Trung Tâm Minh Triết Việt, ông Nguyễn Khắc Mai, nói về điều này:

    “Thật ra cái đinh của vấn đề là Gạc Ma, vị trí Gạc Ma hiện nay. Thứ hai hành động sai trái của Trung Quốc là đánh chiếm Gạc Ma năm 88 như thế nào, và nói rõ họ vi phạm luật pháp quốc tế như thế nào. Thứ ba những hoạt động của Trung Quốc hiện nay ở Gạc Ma, thứ tư là tình hình nguy hiểm khi Trung Quốc làm một chốt quân sự tại đó. Một sân bay, căn cứ quân sự ở đó sẽ nguy hiểm cho Việt Nam, đối với an ninh hàng hải… Chủ quyền của Việt Nam và khu vực thế nào. Thành thử ở đây vấn đề Gạc Ma là một vấn đề rất lớn.

    Đúng là có lệnh ở trên là không được chủ động nổ súng trước, thế nhưng không có nghĩa là khi mà đồng đội của mình bị Trung Quốc giết, đâm mà không có hành động đáp trả.
    -Thiếu tướng Lê Mã Lương
    Cái yếu của Trung Quốc năm 88 là sau khi họ đã ký kết Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 82, trong đó có điều 2 khoản 4 cấm dùng vũ lực quân sự để giải quyết những tranh chấp. Họ đã vi phạm điều này. Mình nói rõ họ là một thành viên Liên Hiệp Quốc, là một nước lớn, lại là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà lại trắng trợn chà đạp lên công ước mà họ ký. Đó là điều cần phải nói rõ.”

    Thiếu tướng Lê Mã Lương, anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tại cuộc tọa đàm cũng nói lại cho rõ thông tin cho rằng các chiến sĩ Việt Nam tại Gạc Ma vào thời điểm năm 1988 khi bị tấn công đã không dũng cảm chiến đấu chống lại Trung Quốc. Ông trình bày:

    Tàu HQ-604 của Việt Nam bị TQ bắn đang chìm tại phía Tây Nam bãi Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. RFA screen capture
    “Tôi muốn làm rõ hơn trận chiến Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988 vì có những thông tin bị nhiễu. Đúng là có lệnh ở trên là không được chủ động nổ súng trước, thế nhưng không có nghĩa là khi mà đồng đội của mình bị Trung Quốc giết, đâm mà không có hành động đáp trả dù loại vũ khí trong tay ‘nhẹ’ hơn, không hiện đại bằng Trung Quốc và đó là cuộc chiến không cân sức.”

    Theo thiếu tướng Lê Mã Lương thì lúc đó Việt Nam không bất ngờ về cuộc tấn công của phía Trung Quốc. Ông nêu ra lý do:

    “Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương suốt từ cuối năm 87 đến đầu năm 88 đã ra Trường Sa rất nhiều lần và có những chỉ đạo rất kịp thời như cắm cờ trên các bãi đá của Việt Nam và đưa các lực lượng công binh hải quân ra xây dựng một số đảo mà trong đó có ba đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Bộ đội Việt Nam đã có kế hoạch đề xuất rất sớm. Thế nhưng do chênh lệch lực lượng nên bộ đội Việt Nam chịu một tổn thất rất lớn, đây cũng là một bài học. Và nhìn từ góc độ nào đó thì đây cũng là một nỗi đau cho hải quân nói riêng và quân đội Việt Nam nói chung.”

    Nêu rõ bản chất của Trung Quốc

    Cuộc tọa đàm trình bày lại cuộc chiến ngắn ngủi Gạc Ma với sự tổn thất 64 nhân mạng bộ đội công binh hải quân và ba tàu chiến hồi năm 1988 và thực tế hiện nay Trung Quốc đang cải tạo đất xây dựng nơi chiếm đóng hồi năm 1988 thành một căn cứ quân sự. Đây là điều cần được lên tiếng đánh động cho mọi người thấy như lời của ông Nguyễn Khắc Mai:

    “Nếu liên kết sự kiện giàn khoan và Gạc Ma lại thì thấy âm mưu và hành động rất thâm hiểu của Trung Quốc rất nguy hiểm với an ninh khu vực và của Việt Nam; cho nên phải đánh động dư luận này.”

    Thiếu tướng Lê Mã Lương sau khi trình bày lại cho rõ cuộc chiến Gạc Ma đã đưa ra 5 kết luận. Theo ông này chủ trương độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là nhất quán từ trước đến nay. Khi chưa đủ mạnh thì Bắc Kinh chưa ra tay, còn nay khi họ thấy lực có thể tiến hành đến đâu thì họ xuất chiêu đến đó. Ông nhấn mạnh:

    Nếu liên kết sự kiện giàn khoan và Gạc Ma lại thì thấy âm mưu và hành động rất thâm hiểu của Trung Quốc rất nguy hiểm với an ninh khu vực và của Việt Nam.
    -Ô. Nguyễn Khắc Mai
    “Những người Việt Nam yêu nước hiểu rõ vấn đề với Trung Quốc phải thể hiện quan điểm không còn là bạn bè, không còn là đồng chí cho nên ’16 chữ vàng, 4 tốt’ đối với những người Việt Nam yêu nước không còn có ý nghĩa gì hết. Với Trung Quốc chỉ là một nước láng giềng, chỉ là một đối tác. Và làm rõ chuyện đó thì tình hình Việt Nam sẽ khác đi vì bây giờ là cơ hội để Việt Nam có thể nhận ra giá trị lịch sử, nhìn lại những quan hệ, kể cả những bang giao với Trung Quốc. Đây là cơ hội rất tốt.”

    Hành động

    Ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, cựu thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên thủ tướng Phan Văn Khải, cũng là một diễn giả của cuộc tọa đàm cho biết thêm về mục đích của hoạt động mà ông tham gia như sau:

    “Chủ yếu để ủng hộ cuộc đấu tranh của chính phủ Việt Nam hiện nay yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan của họ về nước. Chủ yếu là điều đó và chúng tôi cũng chuẩn bị một tuyên bố nhằm thứ nhất lên án hành động của Trung Quốc và những sai trái của họ. Thứ hai biểu thị sự ủng hộ của cả nước đối với cuộc đấu tranh của chính phủ hiện thời trong việc bảo vệ chủ quyền, kể cả phải dùng biện pháp pháp lý quốc tế. Nhưng điểm cuối cùng là kêu gọi dư luận thế giới ủng hộ của đấu tranh của Việt Nam.”

    Theo ông Nguyễn Khắc Mai cuộc tọa đàm cũng nhằm mục tiêu thông tin đầy đủ tất cả mọi khía cạnh liên quan.

    Đối với nhiều người dân Việt Nam, các vấn đề lịch sử như cuộc chiến Gạc Ma đến nay họ mới được biết rõ vì cơ quan chức năng không thông tin đầy đủ cho dân chúng biết. Nay những tổ chức như Trung Tâm Minh Triết đang nỗ lực góp phần bạch hóa những phần tối của lịch sử bị cố tình làm khuất đi.




    Posted by rfa on June 15, 2014 at 09:54:26:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]