Hội đàm Việt – Trung về vụ giàn khoan không kết quả

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Hội đàm Việt – Trung về vụ giàn khoan không kết quả
    Wednesday, June 18, 2014 5:10:29 PM


    HÀ NỘI 18-6 (NV) - Việt Nam và Trung Quốc họp kín ở Hà Nội về vụ dàn khoan mà Bắc Kinh ngang nhiên đưa tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không đạt kết quả vì không bên nào nhượng bộ.

    Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao CSVN Phạm Bình Minh bắt tay đón tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Hà Nội. Không có vẻ gì niềm nở khi “đồng chí anh em” gặp nhau (Hình: AP)

    Dương Khiết Trì, thành viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc, là viên chức cao cấp nhất Trung Quốc đến Việt Nam kể từ khi vụ căng thẳng giữa hai nước đột ngột lên cao từ đầu Tháng 5-2014 khi Bắc Kinh đưa dàn khoan HD981 tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhìn tấm hình công bố hai ông Phạm Bình Minh và Dương Khiết Trì bắt tay nhau, mặt người nào cũng lộ nét căng thẳng, không có gì giống như đồng chí anh em gặp nhau “tay bắt mặt mừng.”

    Tin tức xì ra từ phiên họp giữa ông Dương Khiết Trì và phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh cho hay hai bên vẫn giữ nguyên lập trường mà người ta thấy nó chỉ phản ảnh quan điểm trái ngược suốt 6 tuần lễ vừa qua. Phía Việt Nam kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đàm phán tiếp. Phía Trung Quốc thì cả quyết giàn khoan đặt ở khu vực rất gần với quần đảo Hoàng Sa của họ mà họ cướp của Việt Nam năm 1974.

    Không có dấu hiệu nào cho thấy sự căng thẳng trong mối quan hệ hai nước giảm bớt nhờ chuyến thăm viếng và đàm luận của ông Dương Khiết Trì. Trước phiên họp, Dương Khiết Trì nói với báo chí rằng đây là giai đoạn khó khăn trong mối bang giao giữa hai nước Cộng Sản "anh em."

    “Phát triển mối bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam là ước vọng chung của hai đảng, hai chính phủ, hai quốc gia và hai dân tộc.” Dương Khiết Trì nói. “Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đang trải qua những khó khăn và tôi đến Việt Nam lần này theo chỉ thị của Đảng (Cộng Sản Trung Quốc) để thảo luận thẳng thắn, sâu rộng với đồng chí Phạm Bình Minh.”

    Trong khi đó, ông Phạm Bình Minh thì nói rằng cuộc họp trực tiếp cao cấp nhất kể từ khi có vụ kình chống vì giàn khoan chứng tỏ phía Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp. Việt Nam muốn có mối bang giao lành mạnh với Trung Quốc.

    Để bảo vệ giàn khoan, Trung Quốc đưa một đoàn đông đảo hơn một trăm chiếc tàu đủ loại chia làm mấy lớp bao bọc vòng trong vòng ngoài, từ quân sự đến hải chính, hải cảnh, tàu cá. Lại thêm một số máy bay bay lượn trên đầu. Muốn xua đuổi dàn khoan bất hợp pháp nhưng phía Việt Nam chỉ có một số lượng tàu cảnh sát biển, kiểm ngư và tàu cá chỉ bằng một phần ba của Trung Quốc, lại nhỏ bé hơn.

    Vì vậy, nhiều tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm thủng, một tàu cá bị đâm chìm khi cố xuyên thủng vòng vây. Nhưng Trung Quốc vẫn la làng nói ngược là lực lượng của họ bị lực lượng của Việt Nam đâm hơn 1,500 lần. Không có một hình ảnh nào chứng tỏ tàu của Trung Quốc bị hư hại. Hai bên tố cáo và phản bác lẫn nhau bằng những lời lẽ nghiêm khắc từ đầu Tháng Năm đến nay.

    Một giải pháp cho cuộc khủng hoảng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ có thể thành hình nếu Việt Nam chấp thuận điều kiện của Trung Quốc, một điều tới nay Việt Nam vẫn không nhượng bộ, theo ý kiến của ông Alexander Vuving, một phân tích gia an ninh quốc phòng tại Trung tâm Nghiên Cứu An Ninh Á Châu Thái Bình Dương ở Hawaii. Theo ông, nền kinh tế 8.2 ngàn tỉ đô la của Trung Quốc lớn gấp 50 lần nền kinh tế Việt Nam.

    “Trung Quốc chỉ chịu xuống thang nếu Việt Nam chịu nhượng bộ đáng kể.” Ông Vuving nói qua một điện thư. “Tôi dự đoán rằng các cuộc đàm phán sẽ không giải quyết được vụ căng thẳng giàn khoan, dù cả hai bên đều không muốn biến cố trên biển ảnh hưởng tới tổng thể của mối quan hệ giữa hai nước.”

    Việt Nam có thể đe dọa xích gần hơn về phía Mỹ hầu áp lực Bắc Kinh chấp nhận một thỏa hiệp nào đó, theo ý kiến của thạc sĩ Lê Hồng Hiệp, giảng viên khoa Quan Hệ Quốc Tế ở Đại Học Quốc Gia tại Sài Gòn. Tuy nhiên, dư luận từng nhiều lần cho rằng Bắc Kinh không muốn Hà Nội tìm kiếm sự hậu thuẫn của quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong cuộc tranh chấp giữa hai nước.

    Trong khi ông Dương Khiết Trì tới Hà Nội thảo luận thì tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho hay, ông Trì được lệnh nói rằng phía Việt Nam đừng có “thổi phồng” vụ giàn khoan, đổ vạ cho Việt Nam là “quấy rối phi pháp” trong khi khuyến cáo Hà Nội có cái nhìn “đại cục” về quan hệ hai nước.

    Sau khi họp không có kết quả với ông Phạm Bình Minh, Dương Khiết Trì thăm xã giao cả thủ tướng và tổng bí thư của Việt Nam. TTXVN nói rằng ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với ông ta rằng Trung Quốc “vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, làm nhân dân Việt Nam phẫn nộ và làm tổn hại đến quan hệ hai nước.”

    Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AFP, cựu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cũng từng là đại sứ CSVN tại Bắc Kinh thời thập niên 80, cho rằng “Trung Quốc không thành thật muốn giải quyết tranh chấp.” Theo ông, Bắc Kinh chỉ muốn xoa dịu dư luận quốc tế. “Họ muốn giảm bớt áp lực quốc tế và ngăn chặn tin tức xấu trên mặt báo trong khi họ không dừng chủ trương xâm phạm (chủ quyền Việt Nam) trên biển Đông.”

    Cuối tháng trước, Việt Nam từng bắn tiếng chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhưng đến nay vẫn không có dấu hiệu gì rõ rệt. (TN)



    Posted by nguoi-viet.com on June 19, 2014 at 06:01:40:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]