Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng xây cất trái phép ở Trường Sa Trung Quốc đang tiến hành xây cất rầm rộ ở đảo nhân tạo mới hình thành tại Gạc Ma chiếm của Việt Nam năm 1988 - Ảnh chụp màn hình BBC Đài VOA đã nêu câu hỏi về việc Trung Quốc ồ ạt đổ đất cát xây cất trên các bãi đá chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa (trong đó có bãi Gạc Ma của Việt Nam bị chiếm trái phép năm 1988), Ngoại trưởng Kerry nói các bên liên quan tranh chấp ở Trường Sa nên tránh những bước đi đơn phương. Ông cho biết Mỹ đã đối thoại lâu dài với Trung Quốc về việc này, và hy vọng các bên tranh chấp sẽ không tự ý đơn phương giải quyết vấn đề mà nên thông qua các tiến trình pháp lý, trọng tài để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Ông cũng nói thêm rằng Mỹ đã trao đổi với Trung Quốc về cách tiếp cận vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và phía đông biển Nhật Bản, và Mỹ cần tiếp tục thúc đẩy biện pháp pháp lý phù hợp cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển. Các nước liên quan không nên có các hành động khiêu khích. Ông cũng bình luận rằng những lời nói, quyết định ở các thời điểm khác nhau nhằm phô diễn cơ bắp đều chẳng có ích lợi gì. Rõ ràng đó là chỉ trích nhắm vào Trung Quốc. Vụ Trung Quốc mở rộng và xây cất trái phép trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa đã gây những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận thế giới gần đây. Hãng tin BBC vừa có phóng sự về việc này cùng hình ảnh, video quay cảnh xây cất rầm rộ ở các đảo đá tại Trường Sa. Lập tức ngày 10.9, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói bừa rằng “của mình, mình xây” và nói các công trình đó nhằm phục vụ công nhân, không phải là công trình quân sự (?). Trang The Australian (Úc) ngày 12.9 dẫn bài báo từ tạp chí Times (Mỹ) trích ý kiến các chuyên gia Lầu Năm Góc cho rằng khả năng của Trung Quốc xây dựng bất kỳ cơ sở quân sự trên một hòn đảo mới tạo nên là mỏng, vì đó sẽ là mục tiêu quá rõ ràng và có thể bị tên lửa của Việt Nam phá hủy. Tuy nhiên ngay cả việc xây cảng hoặc thậm chí đường băng sân bay ở đây chính là một phần trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm thiết lập và kiểm soát một vùng phòng không ở Trường Sa và trên Biển Đông. Hiện trạng đá Gạc Ma trước tháng 3.2012 và đến tháng 5.2014 - Nguồn: Chính phủ Philippines Tạp chí Times cũng cho biết Trung Quốc đã đưa tàu hút cát lớn nhất, chiếc Tian Jing Hao đến hút và phun cát lên các bãi đá để xây cất thành đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Con tàu khủng này có công suất hút 4.500 m3/giờ, và chỉ trong vòng 3 tháng nó đã đổ đất đá lên hình thành ít nhất 2 đảo mới để Trung Quốc tiến hành xây cất công trình mà BBC vừa ghi nhận. Việc cải tạo hiện trạng đất đai ở Trường Sa là nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với toàn bộ quần đảo này của Việt Nam cũng như muốn chiếm trọn Biển Đông. Và sự kiện này cũng có thể là một quyết định của Trung Quốc nhằm thử thách phản ứng của Mỹ khi Washington vẫn đang dồn sự chú ý của họ cố định tại khu vực Trung Đông và Ukraine, theo nhận định của các nhà ngoại giao quốc tế tại Bắc Kinh. Tàu hút cát khủng Tian Jing Hao của Trung Quốc phun cát lên đá Gạc Ma chiếm của Việt Nam, biến bãi đá ngầm này thành đảo nhân tạo - Nguồn: Chính phủ Philippines Philippines triển lãm các bản đồ cổ tại Manila ngày 11.9, chứng minh biên giới Trung Quốc trước đây chỉ đến đảo Hải Nam, trái với luận điệu của họ là có chủ quyền trên Biển Đông từ thời cổ xưa - Ảnh: Reuters Anh Sơn
|