Việt Nam giữa liên minh Nga-Trung

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Việt Nam giữa liên minh Nga-Trung

    LS Vũ Đức Khanh & Lê Quốc Tuấn
    viết cho BBC từ Canada
    Cập nhật: 02:59 GMT - thứ hai, 15 tháng 9, 2014


    Nga và Trung Quốc vừa ký thỏa thuận khí đốt khổng lồ
    Chưa kịp vuốt giận Bắc Kinh sau khi toan 'tư tình' với Mỹ, Việt Nam giờ đã phải đứng trước tình huống mới khi Nga và Trung Quốc đưa nhau đi 'hưởng tuần trăng mật'.
    Trục liên minh Trung-Nga

    Để chữa cháy cuộc bao vây của Tây Phương sau hành động ngang ngược của mình ở Ukraine, Nga quay sang dựa vào mối quan hệ với Trung Quốc.
    Thế giới hiện đang chứng kiến hai nước một thời là cộng sản anh em, đang dồn dập gia tăng các liên kết kỷ lục. Tháng Năm vừa qua là một mùa trăng mật của cặp tái hôn Trung-Nga.
    Về kinh tế: hai nước vừa ký với nhau một thoả thuận được xem là lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp khí đốt thiên nhiên trị giá 400 tỉ, kéo dài trong 30 năm; về quân sự: lực lượng hải quân hai nước phối hợp tổ chứccác cuộc tập trận trên diện rộng ở biển Hoa Đông, gửi một thông điệp trực tiếp, mang tính đe dọa đến Nhật, đồng minh khu vực của Mỹ.
    Và, cũng không thể không kể đến những nỗ lực hợp tác trên không, trên biển và trên mặt trận chiến tranh không gian mạng giữa Nga và Trung Quốc trong thời gian qua trong mục tiêu “thu hẹp khoảng cách công nghệ” với Mỹ như nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi ông nói về liên minh Nga Trung trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO cuối tuần trước.
    Rõ ràng, liên minh Nga-Trung đã bắt đầu chuyển dịch rõ nét sau sự kiện ở Ukraine cùng với thái độ căng thẳng bất ngờ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với Trung Quốc trong chuyến đi châu Á vào tháng Tư vừa qua.
    "Nga và Trung Quốc luôn cần đến nhau để được vững mạnh và ổn định hầu đạt được mục tiêu lâu dài của toàn cầu đa cực."
    Tất cả đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga dù không tin, thậm chí không ưa nhau trong lịch sử phải bắt đầu cùng oán ghét Mỹ hơn bao giờ. Lý do của Nga là hiển nhiên ở Ukraine. Còn Trung Quốc, tình cảm lạnh nhạt đã bùng nổ thành cơn giận tràn ly khi Washington thổi bùng các vụ tình báo mạng và tranh chấp lãnh thổ trên biển.
    Kết quả là Bắc Kinh và Moscow chưa bao giờ gần nhau hơn như bây giờ trong nửa thế kỷ qua, và 'cuộc trăng mật ấy' đang gây đau đầu cho cả Mỹ và Việt Nam.
    Việt Nam: Khiêu vũ giữa bầy sói
    Mối căng thẳng ở khu vực Đông Nam Á trong các tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc về lãnh thổ, lãnh hải, với các nước láng giềng đặc biệt với Việt Nam hiện là cơ hội để Nga chứng minh với Trung Quốc về khả năng hoà giải, vai trò trung gian cân bằng chiến lược nhằm tiến đến một quan hệ đối tác lớn hơn.
    Và chính cuộc khủng hoảng hiện nay của Nga ở Ukraine và của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn đồng thời sẽ khiến các nước láng giềng của họ ở châu Âu và châu Á phải tăng cường khả năng quân sự của mình và tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Đáng tiếc thay, trong cuộc chạy đua để mưu tìm an toàn ấy, Hà Nội lại ở vào hoàn cảnh éo le nhất so với các nước Đông Nam Á khác đã từng hoặc đang là đồng minh của Hoa Kỳ.
    Với Việt Nam, thật là mỉa mai khi mối quan hệ Nga-Việt, được xây dựng trong thời chiến tranh lạnh để đối trọng với Trung Quốc, giờ đây lại được sử dụng để giúp Bắc Kinh trong một quan hệ phức tạp.


    Chính phủ Việt Nam đang đứng trước lựa chọn không dễ̉ dàng
    Tuy nhiên, nhìn trên bình diện rộng, Nga và Trung Quốc luôn cần đến nhau để được vững mạnh và ổn định hầu đạt được mục tiêu lâu dài của toàn cầu đa cực. Dù Moscow và Bắc Kinh vẫn có bất hoà vì lợi ích của Nga ở Biển Đông, nhưng chắc chắn hai chính phủ này sẽ có cách giải quyết sự khác biệt của họ vì quyền lợi chung trong việc phản đối Mỹ tiến vào sân sau của mình.
    Trong hoàn cảnh đó, mối liên minh Nga-Trung sẽ là trở ngại cho nhu cầu củng cố an ninh quốc phòng của Việt Nam.
    Trong suốt cuộc đối đầu với hiếp đáp từ Bắc Kinh, bị ngăn trở bởi lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ, Hà Nội đã củng cố khả năng phòng thủ bằng vũ khí của Nga. Chỉ riêng trong năm qua, Việt Nam đã chi 714 triệu Mỹ kim trang bị quân sự từ Nga. Dù là cuộc chạy đua trang bị có giá trị về chính trị nhiều hơn, giúp mang lại an tâm phần nào trong so sánh lực lượng với Trung Quốc và xoa dịu những nghi ngại có thể bùng nổ bất cứ lúc nào của tình ái quốc từ người dân đối với Hà Nội, ý nghĩa ấy cũng đang kém đi rất nhiều.
    Có lẽ ngay trong tình hình này, Mỹ là lối thoát cho Việt Nam với Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp giải quyết bế tắc về kinh tế và việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương giúp củng cố an ninh quốc phòng chống lại Trung Quốc. Nhưng chính ở đây mà ta sẽ nhìn thấy: Hà Nội sẽ tiếp tục phải 'khiêu vũ giữa bầy sói' để bảo vệ quyền lực của mình.
    Trừ khi, thực tế chính trị có thể khác nếu Mỹ thấy mình không còn nhiều lựa chọn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi nhu cầu phát triển Việt Nam thành một đối tác chiến lược để thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong khu vực có thể lớn hơn nhu cầu cải thiện nhân quyền (đừng quên rằng nước Mỹ từng ủng hộ một số chế độ độc tài tai tiếng nhất trong quá khứ).
    Chỉ hy vọng rằng lựa chọn bi thảm ấy sẽ không xảy ra.
    Tổ quốc hay quyền lực?
    Nền móng cho quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Việt chắc chắn đã hiện hữu. Hai nước đã ký kết hợp tác toàn diện, chi tiết đến từng lãnh vực mà Mỹ và Việt Nam cùng hợp tác, bao gồm các lĩnh vực như xây dựng năng lực hàng hải, tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại, và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và những thách thức về môi trường, cũng như giáo dục và thúc đẩy nhân quyền. Một số nỗ lực còn được Mỹ thực hiện để giúp Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.
    "Vẫn còn quá nhiều khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để hai nước có thể trở thành đồng minh trong ý nghĩa xác thực nhất. "
    Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để hai nước có thể trở thành đồng minh trong ý nghĩa xác thực nhất.
    Lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam vẫn còn không thể tháo gỡ vì thành tích nhân quyền quá kém của Hà Nội. Từng là một người ủng hộ cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, Thượng nghị sĩ McCaincũng như ứng cử viên chức vụ Đại sứ tại Việt NamTed Osius từng tuyên bố rằng việc tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí có thể được thực hiện nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào các cải thiện nhân quyền và đối xử với tù chính trị từ phía Hà Nội.
    Về kinh tế, Việt Nam đang cần cánh cửa TPP hơn bao giờ để giải quyết thị trường. Về an ninh lãnh thổ và tính chính danh của chế độ, vụ giàn khoan là bằng chứng rõ ràng nhất về mối quan hệ lén lút, thua thiệt của Hà Nội với Bắc Kinh. Giờ đây, trong cuộc chuyển dịch mới của liên minh Nga Trung, Hà Nội lại tiếp tục xoay sở trên sợi dây xiếc căng thẳng giữa các quyền lực lớn đan chéo. Chọn lựa nào của Hà Nội cũng sẽ phải trả lời câu hỏi cơ bản: Tổ quốc hay quyền lực cai trị ?
    Có một nỗi oán hận không nguôi, tình ái quốc đặc thù có tính lịch sử của người Việt đối với người Trung Quốc phương Bắc. Đó là tình cảm có thật đã khắc chạm bằng xương máu của người Việt qua hàng nghìn năm lịch sử và đó là quả bom nổ chậm cảnh báo chính quyền Hà Nội trong mỗi quyết định chọn lựa giữa Tổ quốc và quyền lực.
    Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của các tác giả, ý kiến đóng góp xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk.



    Posted by bbc on September 15, 2014 at 04:53:18:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]