Ấn Độ vẫn tiếp tục hợp tác dầu khí với Việt Nam
NEW DELHI (NV) .- Chính phủ Ấn Độ vừa khẳng định vẫn tiếp tục hợp tác dầu khí với Việt Nam trong khi tiếp ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc đến thăm quốc gia này. Một giàn khoan dầu của Tập đoàn ONGC Ấn Độ (Hình: Wikipedia) Chính phủ Ấn nói thêm rằng, việc hợp tác thăm dò – khai thác dầu khí với Việt Nam, khởi đầu từ năm 1998, hoàn toàn vì lý do thương mại. Bảy lô mà Ấn đã nhận từ Việt Nam để khai thác – thăm dò dầu khí hoàn toàn nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ trưởng Dầu khí của Ấn tuyên bố một số lô dầu khí có tiềm năng khai thác. Những tuyên bố vừa kể được đưa ra ngay sau khi ông Hồng Lỗi, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố sẽ xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận hợp tác dầu khí giữa Việt Nam với Ấn. Nếu hai lô dầu khí mà Việt Nam giao cho Ấn thăm dò – khai thác nằm trong vùng biển mà Trung Quốc từng xác lập chủ quyền thì Trung Quốc sẽ phản đối. Tuyên bố vừa kể của ông Hồng Lỗi được đưa ra ngay sau khi ông Pranab Mukherjee, Tổng thống Ấn, kết thúc chuyến thăm Việt Nam trong ba ngày, từ 14 đến 16 tháng 9-2014. Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Ấn khẳng định, Việt Nam là một phần quan trọng của chính sách hướng về phía Đông của Ấn. Theo báo giới tại Việt Nam và Ấn, Tổng thống Ấn và Chủ tịch Nhà nước CSVN đã thỏa thuận sẽ tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược, với trọng tâm là hợp tác an ninh quốc phòng. Ấn sẽ cấp cho Việt Nam một gói tín dụng trị giá 100 triệu Mỹ kim để Việt Nam sắm bốn hoặc năm chiến hạm, nhằm gia tăng tuần tra, bảo vệ biển Đông. Phía việt Nam thì giao thêm cho Ấn hai lô trong vùng biển của Việt Nam để các doanh nghiệp của Ấn thăm dò – khai thác dầu khí. Trước sự kiện Việt Nam giao thêm cho Ấn hai lô dầu khí để các doanh nghiệp của Ấn thăm dò - khai thác, tờ New Indian Express cho biết, bất chấp răn đe của Trung Cộng, các doanh nghiệp Ấn vẫn cương quyết thực hiện những hợp đồng thăm dò - khai thác dầu khí đã ký với Việt Nam. Trung Quốc đã vài lần tỏ ra giận dữ trước quan hệ hợp tác thăm dò – khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn. Hồi 2011, Trung Quốc đã từng gọi các dự án hợp tác thăm dò – khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn là “phi pháp” vì “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông”. Giới quan sát thời sự nhận định, chính Trung Quốc thức đẩy Ấn và Việt Nam xích lại gần nhau. Cũng do tranh chấp chủ quyền, quan hệ Trung - Ấn vốn không hữu hảo. Gần đây, Trung Quốc đột nhiên gửi nhiều tín hiệu muốn xích lại gần Ấn. Tuy nhiên Ấn vẫn tỏ ra không mặn mà. Vừa qua Ấn liên tục giới thiệu chính sách “hướng về phía Đông”. Ông Bharat Karnad, một chuyên gia về quân sự và an ninh quốc gia, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách của Ấn, giải thích, trọng tâm của chính sách “hướng về phía Đông” là nhằm giúp các quốc gia quanh Trung Quốc xích lại với nhau, hợp tác với nhau trong lĩnh vực an ninh. Một trong những trọng tâm của chính sách “hướng về phía Đông” là “xây dựng năng lực” cho các quốc gia thuộc nhóm vừa kể, đặc biệt là “xây dựng năng lực” cho Việt Nam và Philippines. Ngoài việc giúp đào tạo sĩ quan hải quân và phi công, Ấn còn cấp tín dụng để Việt Nam sắm thêm chiến hạm và hứa bán hỏa tiễn BrahMos cho Việt Nam. Theo ông Karnad, Ấn mong Việt Nam trở thành “hùng mạnh” và đó là cách mà Ấn tin rằng sẽ khiến Trung Quốc bớt “những hành động hung hăng”. (G.Đ)
|