Các hãng dầu khí quốc tế ngại bất ổn trên Biển Đông Tầu cảnh sát biển của Việt Nam đối đầu với tàu hải giám Trung Quốc hồi đầu Tháng Sáu 2014 ở khu vực giàn khoan HD981. (Hình: STR/AFP/Getty Images) Theo một bài viết của hãng truyền hình CNBC, chuyên viên phân tích về năng lượng đã khuyến cáo các công ty đầu tư khai thác dầu khí quốc tế nên thận trọng hay tránh xa các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông như khu vực liên quan đến tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Phi Luật Tân. Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền hình “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% cả khu vực Biển Đông, trong đó phần lớn không được quốc tế nhìn nhận. Để đe dọa các nước láng giềng, Bắc Kinh thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quy mô, cấm đánh cá để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình bất chấp sự chống đối của các nước láng giềng. “Ít nhất tại Trung Đông, anh biết anh đang bước vào cái gì. Nhưng tại Biển Đông, anh không biết ai là chủ của cái khu vực anh đang khoan tìm dầu khí.” Chris Vevin, giám đốc nghiên cứu của tổ chức tư vấn thông tin Energy Insights phát biểu với CNBC. “Tôi đã khuyến cáo các công ty không nên chuốc lấy nguy hiểm.” Ông Nevin nói. “Có câu hỏi nên hỏi: Có nơi nào tốt hơn để khoan tìm dầu khí không? Ít nhất khu vực Trung Đông thì anh biết khu vực anh bước vào, còn khu vực Biển Đông thì anh không biết ai là chủ”. Ước tính cả khu vực Biển Đông có trữ lượng giữa khoảng 5 tỉ thùng đến 22 tỉ thùng dầu và giữa khoảng 70 ngàn tỉ đến 290 ngàn tỉ mét khối khí đốt, theo cơ quan thông tin năng lượng của chính phủ Hoa Kỳ. Các cuộc khảo cứu của tổ chức IHS thấy rằng những ước lượng vừa kể thấp hơn trữ lượng của khu vực Nam Cực. Dù vậy, nhiều công ty vẫn không có những quyết định dứt khoát về việc có nên chen vào khai thác dầu khí ở Biển Đông hay không. Chẳng hạn, công ty Chevron, công ty năng lượng lớn thứ nhì của Mỹ, vẫn đang có những cuộc thương thảo với Việt Nam về bán lại việc khai thác dầu khí ngoài khơi ở miền Nam Việt Nam. Công ty dầu khí Philex của Phi Luật Tân muốn hợp tác với công ty dầu khí Trung Quốc CNOOC để khai thác khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) nhưng chủ tịch của Philex nói với hãng tin AP hồi tháng trước rằng CNOOC nín lặng. Ông ta cho biết thêm là kế hoạch dò tìm và khai thác không lôi kéo được sự quan tâm của công ty dầu khí quốc tế nào khác. Những công ty dầu khí lớn nhất thế giới, chẳng hạn như Exxon của Mỹ hay những công ty quốc tế có mối quan hệ chính trị với Trung Quốc như công ty quốc doanh của Nga là Gazprom, có thể hóa giải phần nào được các nguy hiểm ở khu vực. “Điều này tùy thuộc vào khả năng hóa giải của công ty”. Lilac Nachum, giáo sư về kinh doanh quốc tế của đại học Baruch phát biểu. Một số công ty nhỏ hơn thì tìm cách hợp tác với các công ty nhỏ ở các địa phương khai thác các khu vực đang tranh chấp. Tuy nhiên, những công ty quốc tế lớn, theo tổ chức tư vấn IHS, thì vẫn không muốn liều lĩnh ở phần lớn những chỗ có tranh chấp. Tháng Năm 2014, Trung Quốc cho giàn khoan khổng lồ HD981 tới dò tìm dầu khí ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động ngang ngược này đã dẫn đến cuộc đối đầu giữa hai nước suốt 75 ngày trên biển cho tới khi giàn khoan rút đi. Các cuộc biểu tình bạo động ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh đã làm cho hàng trăm cơ sở của các nhà đầu tư ngoại quốc, phần lớn là Trung Quốc và Đài Loan bị đập phá hoặc đốt cháy. (NT)
|