CSVN thả trước hạn tù blogger Điếu Cày; sang thẳng Hoa Kỳ Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức Blogger Điếu Cày được thả thẳng từ nhà tù CSVN sang Mỹ như một cách trục xuất. (Hình: Internet) Qua một cuộc gọi điện thoại từ Hongkong, nơi quá cảnh của máy bay từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, gọi điện thoại về cho con trai biết là ông đang trên đường sang Mỹ. Nơi đầu tiên ông đặt chân đến nước Mỹ là phi trường quốc tế Los Angeles. Ông Nguyễn Văn Hải, 62 tuổi, nổi tiếng với blog có tên là “Điếu Cày” nhiều năm trước khi bị nhà cầm quyền CSVN bắt tù. Sau các vụ biểu tình trên đường phố Sài Gòn chống Trung Quốc bá quyền bành trướng, ông đã bị bắt bỏ tù 30 tháng lấy cớ “trốn thuế” hồi năm 2008 mà ông phủ nhận hoàn toàn. Hết bản án này, ông không được trả tự do mà bị tròng tiếp lên cổ bản án khác vì bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước...” cùng một vụ với hai bloggers khác, Tạ Phong Tần và Anhbasaigon tức Phan Thanh Hải. Trong vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” này, ông Nguyễn Văn Hải bị kết án 12 năm tù, bà Tạ Phong Tần bị áp đặt 10 năm tù còn ông Phan Thanh Hải bị 4 năm tù. Bản cáo trạng cột cho họ tội góp tay thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và một website thông tin điện tử, phổ biến hàng trăm bài viết và tin tức cổ võ tự do dân chủ đa nguyên, trái với chủ trương độc tài đảng trị của CSVN. Việc CSVN trả tự do bất ngờ cho blogger Điếu Cày là “một sự trao đổi.” Tiến sĩ Lê Minh Nguyên, một nhân vật đấu tranh nhân quyền cho Việt Nam và cũng là một nhà bình luận thời sự trên một đài truyền hình địa phương tại quận Cam California nói với báo Người Việt qua điện thoại. “Việt Nam chỉ thả tù chính trị khi họ thấy được lợi gì. Còn Mỹ bán máy bay tuần tra biển, tàu tuần tra thì cũng muốn thấy phía bên kia có nghĩa cử đáp lại.” Ông Lê Minh Nguyên nói. “Nhà cầm quyền CSVN là một tổ chức buôn người. Bởi vì tù chính trị chỉ là một món hàng để mặc cả đổi chác.” Nói về việc ông Nguyễn Văn Hải bất ngờ được thả và đưa luôn ra nước ngoài, bà Dương Thị Tân, vợ cũ của ông, nói với đài RFA trong cuộc phỏng vấn rằng nhà cầm quyền CSVN “trục xuất ông Hải để sống lưu vong, không phải họ thả theo những lời lẽ tốt đẹp của họ." Trả lời phỏng vấn trên đài VOA, bà Tân cũng nói là “ông Hải bị ép ra đi trong một bối cảnh rất bí mật, vội vàng, và gia đình không hề được biết, không được thông báo trước, cũng không được những người đại diện của Đại sứ quán Mỹ hay nhà cầm quyền Việt Nam thông báo.” Trong bản tin hôm Thứ Ba, hãng thông tấn AP thuật lời bà Marie Harf, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cho biết “Chúng tôi hoan nghênh quyết định của nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho tù nhân lương tâm này.” Bà nói ông Nguyễn Văn Hải “tự quyết định đi đến Hoa Kỳ sau khi được nhà cầm quyền CSVN trả tự do.” Dịp này, theo AP, bà Harf kêu gọi nhà cầm quyền CSVN thả tất cả các tù chính trị hiện còn đang giam giữ trong các nhà tù trên cả nước. Đây là điều mà Hoa Thịnh Đốn đã lập đi lập lại rất nhiều lần trong các bản tuyên bố chính thức, để có thể nâng mối quan hệ giữa hai nước trở nên chặt chẽ hơn về mọi mặt. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) khi hay tin ông Hải được thả, nhấn mạnh rằng “Còn 26 bloggers và nhà báo công dân khác vẫn còn bị nhà cầm quyền (CSVN) cầm tù dù họ chỉ thực thi quyền tự do thông tin của họ cho người khác biết cũng như toàn thế giới biết về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam thế nào. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi nhà cầm quyền trả tự do hết cho họ.” Blogger Điếu Cày đã tuyệt thực nhiều lần trong tù phản đối sự đối xử trái luật lệ và ác độc của cai tù CSVN. Giữa năm ngoái, blogger Điếu Cày đã tuyệt thực tới 35 ngày vì nhà tù CSVN tại huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An không chịu chuyển đơn khiếu nại của ông. Chuyện ông tuyệt thực dài ngày có thể nguy đến tính mạng chỉ được bên ngoài biết đến khi ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một bạn tù chính trị khác, tiết lộ với thân nhân và người này thông báo lại. Cũng vì lời tiết lộ đó mà ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị cai tù trả thù. Chính phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ cũng như Liên Âu đã kêu gọi trả tự do vô điều liện cho ông cũng như những người khác đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam suốt nhiều năm qua. Nhân ngày tự do báo chí quốc tế, ngày 3/5/2012, tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng từ Tòa Bạch Ốc nói rằng thế giới đừng quên những người dũng cảm dùng ngòi bút đấu tranh cho quyền con người khắp nơi, trong đó có blogger Điếu Cày. Việc trả tự do cho blogger nổi tiếng Điếu Cày diễn ra trong bối cảnh CSVN đang điều đình với Hoa Thịnh Đốn để mua một số máy bay tuần tra chống tàu ngầm Orion P-3 và các bộ phận rời để sửa chữa cho đám máy bay, xe tăng, đại bác cũ kỹ thu lại từ quân đội VNCH hồi năm 1975. Chính phủ Mỹ từng lập lại nhiều lần là việc nới lỏng lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam tùy thuộc vào sự cải thiện tình trạng nhân quyền của chế độ Hà Nội. Tháng Tư vừa qua, CSVN thả trước hạn tù tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Ông Vũ, 56 tuổi, bị kết án 7 năm tù sau khi bị bắt hồi năm 2010 cũng với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước...” vì đã viết các bài phân tích, tham luận chính trị đi ngược đường lối độc tài đảng trị của CSVN cũng như đã nộp đơn kiện ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai lần, tố cáo ông này phạm luật. Ông Cù Huy Hà vũ cũng bị tống xuất thẳng từ nhà tù ra phi trường sang Hoa Kỳ cùng với bà vợ ngày 6 tháng Tư, 2014. Tháng Sáu, chế độ Hà Nội thả trước hạn tù 3 năm cho cô Đỗ Thị Minh Hạnh, một người đấu tranh cho quyền lợi của công nhân. Cô bị kết án 7 năm tù hồi năm 2010 cùng một vụ với Đoàn Huy Chương (7 năm tù) và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị 9 măm tù. Trong tháng Chín gần đây, Hà Nội thả sớm cho một số tù nhân phần lớn già yếu hoặc có bệnh, như các ông Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Tuấn Nam, Trần Tư, Trần Hoàng Giang, Nguyễn Long Hội, Đậu Văn Dương. Ông Nguyễn Văn Tính, cựu dân biểu VNCH, bị kết án 20 năm tù trong vụ án sau, nhưng đã ở tổng cộng trong nhà tù tới 28 năm, ra khỏi trại giam trước hạn kỳ 2 năm 2 tháng. Năm nay ông Tính đã 75 tuổi. Ông Nguyễn Tuấn Nam, nay đã 76 tuổi, bị kết án 19 năm tù trong một vụ án “kháng chiến” hồi năm 1996, được thả sớm trước hạn tù 14 tháng trong tình trạng liệt nửa người. (TN) Posted by nguoi-viet.com on October 22, 2014 at 05:45:14:
|