Biển Đông trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Biển Đông trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ
    Việt Hà, phóng viên RFA
    2014-10-22


    Tàu Fregate Satpura F48 của Hải quân Ấn Độ tại cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng ngày 04 tháng 6 năm 2013.
    AFP PHOTO

    Ấn Độ gần đây gia tăng các hoạt động về kinh tế và hợp tác quân sự với các nước khu vực Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, nước đang có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông. Đây là những hoạt động phục vụ chính sách hướng Đông của chính phủ Ấn Độ vốn đã bắt đầu từ 3 thập kỷ qua nhưng bây giờ đang được gia tăng hơn tại vùng Đông Nam Á. Biển Đông đóng vai trò ra sao trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ? Đâu là những hạn chế trong việc tham gia quân sự của Ấn Độ vào khu vực này?

    Can dự một cách hạn chế?

    Việt Hà phỏng vấn giáo sư Harsh Pant, chuyên gia về quân sự và quan hệ đối ngoại, thuộc trường đại học King’s College London, Anh Quốc. Trước hết nói về vai trò của biển Đông trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ hiện nay, giáo sư Harsh Pant cho biết:

    GS Harsh Pant: Khu vực này đang trở nên quan trọng hơn với Ấn Độ vì trước đó việc tiếp cận của Ấn Độ với vùng Đông Á khá là hạn chế và nó bị hạn chế bởi Ấn Độ muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc cho nên Ấn Độ hơi e ngại trong việc tiếp cận với các nước láng giềng ở vùng Đông Á. Nhưng điều đang xảy ra là quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang xấu đi. Và có suy nghĩ ở New Delhi là Ấn Độ đang không có sức nặng mặc cả với Trung Quốc trong khi Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, và phô diễn sức mạnh tại Ấn Độ Dương…

    Có suy nghĩ ở New Delhi là Ấn Độ đang không có sức nặng mặc cả với TQ trong khi TQ ngày càng hung hăng hơn trong các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, và phô diễn sức mạnh tại Ấn Độ Dương…
    -GS Harsh Pant
    Cho nên đang có một lập luận ngay tại chính Ấn Độ là Ấn Độ cần phải vươn bước chân của mình đến khu vực của Trung Quốc và vì vậy biển Đông là khu vực cho phép làm việc này. Ấn Độ bây giờ đang vươn tới vùng ngoại biên của Trung Quốc và Ấn Độ có thể nói là Ấn Độ đang làm điều này không phải vì Ấn Độ tự mình muốn thế mà vì Việt Nam đã mời Ấn Độ vào khai thác dầu và khí đốt tại biển Đông. Vì vậy việc Ấn Độ vào biển Đông là do được yêu cầu vào. Vì vậy trên thực tế đang có một sự thay đổi về nhận thức ở Ấn Độ là nếu Trung Quốc có thể vào Ấn Độ Dương thì không có lý do gì mà Ấn Độ không vào biển Đông. Đó là logic mà tôi nghĩ là các nhà chính trị gia ở Ấn Độ đang hướng tới.

    Việt Hà: Một vị cựu Phó Đô đốc Hải quân Ấn Độ trong một lần phỏng vấn với đài RFA có nói rằng Ấn Độ không có quyền lợi trực tiếp tại biển Đông nên các hoạt động của Ấn Độ tại biển Đông sẽ hạn chế. Theo ông thì đâu là những hoạt động mà Ấn Độ sẽ có hạn chế và đâu là những hoạt động mà Ấn Độ có thể thực sự có tại khu vực biển Đông?

    GS Harsh Pant: Tôi nghĩ vị Phó Đô đốc đó nói đúng về việc Ấn Độ can dự vào khu vực này sẽ có hạn chế. Tôi nghĩ hải quân Ấn Độ vào lúc này không có khả năng bảo vệ quyền lợi của Ấn Độ tại khu vực này. Có một sự chênh lệch trong suy nghĩ và nhìn nhận của những nhà làm luật dân sự ở Ấn Độ và những nhà quân sự Ấn vì hải quân Ấn cần các nhà đưa ra chính sách Ấn cho họ thêm các nguồn lực để củng cố khả năng và phô diễn sức mạnh của họ ở biển Đông. Tôi nghĩ vào lúc này Ấn Độ chỉ có thể có các hoạt động kinh tế tại khu vực này và đó là sự hợp tác giữa Ấn và Việt Nam trong việc khai thác dầu và khí đốt ở biển Đông. Đó là điều đang xảy ra và Ấn Độ khó có thể cho thấy các hành động mạnh mẽ rõ ràng vì Ấn Độ chưa có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình tại đây.

    Cho nên hoạt động của Ấn Độ tại khu vực này chỉ giới hạn trong các hoạt động dân sự và kinh tế vì có lo ngại rằng nếu có nhu cầu cho việc bảo vệ các quyền lợi kinh tế của Ấn Độ tại đây Ấn Độ có thể là sẽ không có đủ khả năng làm điều này vào lúc này. Cho nên nếu nói về các hoạt động quân sự của Ấn Độ tại đây thì các hoạt động này sẽ rất hạn chế. Mặt khác hải quân Ấn Độ cũng đã nói với các nhà lập chính sách ở New Delhi rằng họ chưa có đủ khả năng bảo vệ quyền lợi kinh tế của Ấn tại đây. Tất nhiên trong thời gian tương lai, chúng ta sẽ thấy Ấn Độ sẽ gia tăng khả năng của mình nhưng vào lúc này Ấn Độ chỉ muốn đưa ra tín hiệu với Trung Quốc rằng Ấn Độ có những sự lựa chọn ở ngay trong khu vực của Trung Quốc.

    Hải quân chưa mạnh?

    Tàu SAMRAT thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Ấn Độ tại Bà Rịa Vũng Tàu hôm 04/12/2012.
    Việt Hà: Mới đây tàu cảnh sát biển của Ấn Độ đã đến thăm Việt Nam và có các hoạt động phối hợp với lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên tàu hải quân Ấn Độ ghé cảng của Việt nam. Theo ông những diễn biến này có ý nghĩa thế nào trong quan hệ quân sự giữa hai nước?

    GS Harsh Pant: Theo tôi mối quan hệ này đang trở nên có ý nghĩa hơn. Tôi nghĩ đây là những cố gắng của Ấn Độ để cân bằng với Trung Quốc. Và đó là những hành động cho thấy Ấn Độ đang có quan hệ với những nước có cùng những lo ngại như Ấn Độ về Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nước này. Nhật Bản hay Nam Hàn hay Indonesia… cũng đều có những lo ngại nhất định với Trung Quốc và những gì mà Trung Quốc đang làm liên quan đến các biên giới trên biển. cho nên thành tố biển đang trở nên vô cùng quan trọng trong các mối quan hệ này vì Trung Quốc đang thanh thức các quy tắc về biên giới trên biển đã tồn tại hàng thập kỷ. Các vấn đề trên biển mà tôi nói tới đang trở thành vấn đề của cả Ấn Độ lẫn Việt Nam. Và nó đang ngày càng được quan tâm ở Ấn Độ vì có lập luận cho rằng Ấn Độ có thể tiến ra xa hơn vùng Nam Á. Dựa trên những gì mà Ấn Độ đã đầu tư vào khả năng quốc phòng và hải quân, Ấn Độ có thể cung cấp ở mức độ nào đó cho các nước trong khu vực, những nước đang lo ngại về các hành động của Trung Quốc.

    Cái mà Ấn Độ bị tụt hậu lại là khả năng vươn sức mạnh của mình ra qua bờ biển của mình, trong khi Trung Quốc đang đạt được khả năng này.
    -GS Harsh Pant
    Cho nên những gì mà Ấn Độ đang làm về mặt quân sự không chỉ là đưa tín hiệu cho Trung Quốc mà còn là đưa tín hiệu cho các nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia rằng Ấn Độ đang vươn ra Thái Bình Dương, rằng Ấn Độ là một người chơi quan trọng, khả năng quân sự và hải quân của Ấn Độ đang được cải thiện và trên nhiều mặt Ấn Độ có khả năng làm việc với các nước có đồng suy nghĩ như Việt Nam đối với các vấn đề trên biển. Theo tôi có nhiều điều đang diễn ra trong quan hệ hai nước và thực sự Việt Nam cũng đang trở nên hòa nhập hơn với các nước phương tây, với thế giới và Ấn Độ thì muốn tận dụng cơ hội này để xây dựng cây cầu nối với các nước có những lo lắng tương đồng về Trung Quốc. Ấn Độ muốn làm việc với các nước cùng chia sẻ suy nghĩ về vấn đề biển để thiết lập trật tự trên biển.

    Việt Hà: Nếu so với hải quân Trung Quốc, hải quân Ấn Độ còn những hạn chế gì và những gì là ưu thế của hải quân Ấn Độ mà Trung Quốc không có?

    GS Harsh Pant: Theo tôi cái mà Ấn Độ bị tụt hậu lại là khả năng vươn sức mạnh của mình ra qua bờ biển của mình, trong khi Trung Quốc đang đạt được khả năng này. Trung Quốc có thể phô trương sức mạnh của mình ra xa vào tận Ấn Độ Dương ví dụ như đã bảo vệ các cơ sở trên Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã tạo quan hệ với các nước Srilanka, Pakistan và Bangladesh nơi mà Trung Quốc có các cơ sở để tàu của họ có thể cập bến. Đó là các cơ sở mà hải quân Trung Quốc có thể sử dụng khi cần. Đây là điều mà Ấn Độ còn thiếu. Ấn Độ còn thiếu khả năng vươn ra xa ngoài bờ biển của mình… Nếu có một khủng hoảng nào đó xảy ra ở biển Đông, Ấn Độ chưa có khả năng thể hiện sức mạnh của mình ở đó. Hải quân Ấn Độ có thể ra đó bây giờ, tới đó một thời gian ngắn nhưng không thể ở đó một thời gian dài. Đó là hạn chế của Ấn Độ, và đó điều mà Ấn Độ đang tập trung xây dựng bây giờ. Họ đang tập trung vào xây dựng tàu ngầm, tàu đổ bộ nhưng điều này sẽ phải mất một thời gian vì Ấn Độ đang chậm sau Trung Quốc cả một thập kỷ nếu nói về hiện đại hóa quân sự.

    Cho nên nếu nói về cách nhìn nhận của hải quân Ấn Độ, có những sự chần chừ trong việc thực hiện các hành động có tính nguy hiểm ví dụ một ngày kia các chính trị gia Ấn Độ muốn hải quân Ấn Độ thực hiện việc bảo vệ quyền lợi của Ấn Độ ở biển Đông thì hải quân của Ấn Độ cũng khó có thể làm được điều này trong thời gian dài.

    Việt Hà: Vậy theo ông liệu Ấn Độ có thể cân nhắc khả năng hợp tác với các nước như Nhật Bản, Mỹ trong các hoạt động quân sự phối hợp trên biển Đông ví dụ như tập trận chẳng hạn trong thời gian sắp tới hay không?

    GS Harsh Pant: Tôi nghĩ Ấn Độ sẽ khó có thể lựa chọn hợp tác đa phương trong vấn đề này vốn có thể đưa ra tín hiệu với Trung Quốc là sẽ chặn sự phát triển của Trung Quốc. Ấn Độ sẽ không muốn đặt mình hoàn toàn vào một nhóm các nước chống Trung Quốc như khối Ấn Độ Mỹ Nhật Bản chẳng hạn. Tôi không nghĩ đó là điều họ không thực sự muốn. Nhưng điều đáng chú ý là Ấn Độ bây giờ có một chính phủ mới và chính phủ mới đã cởi mở hơn trong vấn đề biển Đông. Lần đầu tiên Thủ tướng Ấn Độ Modi khi đến Mỹ đã có một thông cáo chung tại Washington và trong thông cáo chung này, hai nước đã đề cập đến vấn đề biển Đông. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra và đã khiến Trung Quốc chú ý. Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Ấn Độ và Mỹ. Họ nói rằng các nước thứ ba không nên can dự vào vấn đề của Trung Quốc và các nước khác. Nhưng dẫu sao đây cũng là lần đầu tiên Ấn Độ nói về biển Đông với bên thứ ba và điều này cho thấy Ấn Độ sẵn sàng làm việc với các nước có chung suy nghĩ một cách có ý nghĩa hơn. Nhưng trong thời gian ngắn sắp tới thì tôi không nghĩ là họ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đa phương tại biển Đông vì điều này sẽ đưa ra một tín hiệu với Trung Quốc. Ấn Độ vào lúc này vẫn muốn cho Trung Quốc thấy là họ không cần phải là phe đối kháng. Nếu Ấn Độ thực sự tham gia khối này thì điều này sẽ cho Trung Quốc thấy là Trung Quốc thực sự đang làm việc với các nước chống lại Trung Quốc.

    Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.


    Posted by rfa on October 23, 2014 at 12:02:29:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]