Học giả Mỹ nói Philippines chiếm trái phép 2 đảo của Việt Nam

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Học giả Mỹ nói Philippines chiếm trái phép 2 đảo của Việt Nam
    12/11/2014 19:26

    (Tin Nóng) Tổ chức nghiên cứu phi chính phủ CNA Corporation tại Virginia, Mỹ vừa công bố tài liệu nghiên cứu về Biển Đông, trong đó có cho rằng Philippines đã chiếm hữu trái phép 2 đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa là Thị Tứ và Loại Ta, theo Philippine Star ngày 12.11.

    Đảo Thị Tứ nhìn từ trên máy bay, ngày 20.7.2011 - Ảnh: AFP

    Tài liệu này vừa công bố trên website của CNA Corporation ngày 4.11, có tên Biển Đông: Đánh giá chính sách của Mỹ và các lựa chọn cho tương lai, trong đó có phân tích yêu sách chủ quyền của các nước đối với Biển Đông, những nhận định của các học giả, tổ chức nghiên cứu... về chủ quyền của mỗi nước. Tài liệu nghiên cứu này được cho là có tài trợ từ Washington, để đưa ra các nhận xét tư vấn cho chính sách của Mỹ đối với các tranh chấp trên Biển Đông.

    Trong phần nói về Philippines, các tác giả của tài liệu nói rằng Philippines đã chiếm đóng trái phép 2 đảo của Việt Nam là Thị Tứ (Philippines gọi là Pagasa) và Loại Ta (Kota) ở quần đảo Trường Sa. Các tác giả cũng cho rằng Philippines không thể có chủ quyền pháp lý đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa.

    Tài liệu của CNA cho biết Thị Tứ và Loại Ta, hiện Việt Nam tuyên bố là của mình, là căn cứ từ một tài liệu sáp nhập hợp pháp do Pháp công bố vào năm 1933, kể cả đảo Ba Bình và Song Tử Đông (Northeast Cay).

    "Các sáp nhập pháp lý của Pháp vào thời điểm đó là một phương pháp hợp pháp trong việc thu hồi lãnh thổ và quyền lợi chuyển giao cho Việt Nam", tài liệu viết.

    Việc sáp nhập được hỗ trợ bởi các hoạt động hàng hải của Pháp trước khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ II cũng như bằng chứng những tuyên bố chủ quyền này không bị bỏ rơi sau chiến tranh thế giới thứ II, tài liệu cho biết.

    "Philippines đang chiếm đóng bất hợp pháp hai đảo nhỏ này ở Trường Sa và đó là tài sản hợp pháp của Việt Nam", tài liệu kết luận.

    Tháp điều khiển không lưu phục vụ đường băng trên đảo Thị Tứ (do Philippines chiếm của VN) ở quần đảo Trường Sa, ảnhchụp tháng 6.2014 - Ảnh: AFP

    Đảo Loại Ta, ảnh Google Map 2014

    Thậm chí tài liệu còn cho rằng việc ra yêu sách chủ quyền Trường Sa của Philippines có trọng lượng pháp lý rất ít, tương tự đường lưỡi bò của Trung Quốc, và tuyên bố chủ quyền còn muộn hơn Việt Nam, Trung Quốc...

    Philippines đã đưa quân ra chiếm đóng đảo Thị Tứ và Loại Ta cùng vài đảo đá khác từ 1968 đến 1971, và tuyên bố chủ quyền với Trường Sa từ năm 1978.

    Đảo Thị Tứ lớn thứ 2 trong quần đảo Trường Sa, sau đảo Ba Bình của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm đóng trái phép. Philippines đang có 200 lính và dân ở đây, có trụ sở làm việc, bệnh viện và 1 đường băng cho máy bay lên xuống.

    Còn đảo Loại Ta nhỏ hơn (6,45 hecta) chỉ có vài ngôi nhà cho lính trú ngụ.

    Trong phần khuyến nghị chính sách của Mỹ ở Biển Đông, tài liệu đưa ra 4 lựa chọn thực hiện chính sách, từ tích cực tham gia vào vấn đề chủ quyền, gây sức ép với Trung Quốc đến tiếp cận chính sách hiện hành. Trong phần lựa chọn 4, tài liệu đề cập đến tình trạng chồng lấn của các vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ), như nêu ví dụ giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong EEZ của Việt Nam, nhưng Trung Quốc nói là nằm trong EEZ của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm trái phép của Việt Nam.

    Theo tài liệu, chỉ có cách duy nhất giải quyết vấn đề là Trung Quốc từ bỏ quần đảo Hoàng Sa trao lại cho Việt Nam, nhưng điều này sẽ không xảy ra.

    Tài liệu của CNA còn phân tích các trường hợp Mỹ phải đối mặt với các tranh chấp chủ quyền tại Trường Sa, khuyến cáo Mỹ không đối đầu căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông mà nên hỗ trợ các nước khu vực làm đối trọng với Trung Quốc, trong đó có việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực giám sát kiểm soát hàng hải, duy trì thường xuyên sự hiện diện rõ ràng của lực lượng hải quân và không quân Mỹ hàng ngày ở Biển Đông, tăng cường tập trận với các nước ở Biển Đông có sự tham gia của các cường quốc châu Á khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc; thúc giục các nước tuân thủ các luật lệ quốc tế, cho ra bộ quy tắc ứng xử trên biển (CoC)...

    Tài liệu cũng trích nhận xét của luật sư về an ninh quốc gia, cựu đại tá hải quân Mỹ Mark Rosen về tranh chấp ở Biển Đông: “Xác định được yêu sách chủ quyền của ai cao nhất là quá trình không thể đoán trước được”.

    Anh Sơn


    Posted by tinnong.vn on November 12, 2014 at 19:40:17:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]