Ông Nguyễn Tấn Dũng quan ngại hoạt động “bồi đắp” ở Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ông Nguyễn Tấn Dũng quan ngại hoạt động “bồi đắp” ở Biển Đông
    Wednesday, November 12, 2014 4:17:42 PM


    NAY PYI DAW (NV) .- Đại diện nhà cầm quyền Việt Nam tham dự cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN và các đối tác, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bầy tỏ quan ngại về tình trạng “bồi đắp quy mô lớn” ở Biển Đông.

    Thành viên các nước ASEAN chụp hình lưu niệm nhân buổi khai mạc kỳ họp thượng đỉnh thứ 25 tại thủ đô Myanmar ngày 12/11/2014. (Hình: AP Photo/Gemunu Amarasinghe)

    "Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC", thông cáo của Bộ Ngoại giao CSVN dẫn lời ông Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 tại Nay Pyi Daw, thủ đô Myanmar, ngày 12/11/2014.

    Lời kêu ca này của ông Nguyễn Tấn Dũng không nói tên nước nào là thủ phạm thay đổi hiện trạng các khu vực tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng mọi người đều hiểu sự tố cáo này nhắm vào Trung Quốc.

    Các hình ảnh do vệ tinh chụp được do tổ chức thông tin an ninh quốc phòng quốc tế Jane's Defense đưa ra những tháng gần đây cho thấy Trung Quốc đưa tàu hút cát đá lòng biển mở rộng diện tích đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời Bắc Kinh cũng hút cát đá lòng biển biến 5 tới 6 bãi đá ngầm mà Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1988 thành những đảo nhân tạo.

    Tin tức từ các trang mạng không chính thức của Trung Quốc đưa ra mô hình của những bãi đá ngầm đang trở thành đảo nhân tạo ở Trường Sa gồm cả doanh trại, cầu cảng và phi trường. Nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ chủ đích quân sự của Bắc Kinh sau này gồm cả tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” bao trùm phần lớn Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền khi các tranh chấp chủ quyền biển đảo trở nên căng thẳng hơn.

    Tại phiên họp ASEAN ở Nay Pyi Daw, ông Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các bên tranh chấp “kềm chế” và thúc giục các nước liên quan “không làm phức tạp thêm tình hình”. Đây là lời kêu gọi vẫn thường được Bộ Ngoại Giao CSVN đưa ra mỗi khi có các tin tức liên quan đến tình hình tranh chấp Biển Đông.

    Một mặt vẫn tiến hành các chương trình kế hoạch xây dựng, bành trướng của mình ở cả Hoàng Sa và Trường Sa mặc cho các nước khác như Việt Nam và Philippines kêu gọi suông hay thậm chí lên án, mặt khác Bắc Kinh vẫn làm ra vẻ như kẻ đi đầu trong việc “giữ gìn hòa bình ổn định” ở khu vực.

    “Trung Quốc và các nước ASEAN láng giềng chia xẻ biên giới cả trên đất liền và trên biển. Chúng ta có đường biên giới chung hơn 4,000 km trên bộ. Hàng trăm năm qua, tiếp xúc văn hóa và quan hệ chặt chẽ giữa chúng ta đã chứng tỏ một mẫu mực tốt đẹp để trao đổi, học tập lẫn nhau và cùng phát triển từ các sắc tộc, tôn giáo và văn hóa khác nhau trong lịch sử của vùng Đông Á”. Ông Lý Khắc Cường, một ngày trước khi tới dự phiên họp ở Nay Pyi Daw, phổ biến một bài viết rất tình nghĩa như thế trên tờ Jakarta Post.

    “Trung Quốc là một lực lượng kiên quyết cho hòa bình ở Đông Á Châu và Trung Quốc hậu thuẫn ASEAN đóng một vai trò tích cực cho ổn định ở khu vực”. Ông viết.

    Dịp này, ông Lý Khắc Cường lập lại chủ trương “tiếp cận hai đường” của Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp Biển Đông là “đàm phán và tiếp xúc trực tiếp giữa các nước tranh chấp”.

    Ông Lý Khắc Cường nói đến hợp tác kinh tế to lớn của Trung Quốc với khu vực ASEAN và dĩ nhiên không đả động gì đến các hành động “bồi đắp” các bãi đá ngầm ở Trường Sa và đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa.

    Hãng thông tấn Reuters ngày 4/8/2014 dẫn lời Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới và các sự vụ biển đảo thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược tuyên bố rằng nước này có thể xây dựng bất cứ thứ gì họ muốn trên các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông và từ chối đề nghị mới nhất của Philippines về 3 giải pháp hạ nhiệt căng thẳng.

    Chưa thấy có phản ứng gì từ Trung Quốc về lời phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng. Mới chỉ thấy Tân Hoa Xã, khi tường thuật phiên họp đầu của ASEAN, tảng lờ lời cáo buộc của ông thủ tướng CSVN mà chỉ thuật lời tổng thư ký của tổ chức ASEAN là Lê Lương Minh ca ngợi “Trách vụ chủ tịch (ASEAN) của Myanmar đặt nền móng cho tầm nhìn cộng đồng ASEAN hậu 2015 cũng như các hoạt động duyệt xét lại và tăng cường các định chế ASEAN”.

    Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN hai ngày ở thủ đô Miến Điện gồm cả cuộc họp thượng đỉnh với các đối tác khu vực gồm cả Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tân Tây Lan, Úc và Nga.

    Tin tức nói rằng có thể có cả cuộc tiếp xúc riêng giữa tổng thống Mỹ Barack Obama với thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. (TN)



    Posted by nguoi-viet.com on November 13, 2014 at 11:18:17:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]