Bà Clinton làm tổng thống sẽ quan tâm vấn đề Biển Đông hơn Obama

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Bà Clinton làm tổng thống sẽ quan tâm vấn đề Biển Đông hơn Obama
    21/12/2014 12:45

    (Tin Nóng) Nếu bà Hillary Clinton đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ đẩy mạnh chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á tốt hơn tổng thống Barack Obama, nhất là thúc đẩy sự tham gia của Mỹ với các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, theo Trung tâm tư vấn CSIS (Mỹ).

    Bà Hillary Clinton phát biểu tại Đại học Georgetown ở thủ đô Washington ngày 3.12.2014. Dự kiến sau tháng 3.2015, bà Clinton sẽ công bố chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, rất có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ - Ảnh: Reuters

    Năm 2015, bà Clinton chính thức khởi động cuộc đua tranh cử tổng thống, điều này có ý nghĩa gì với khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi bà Clinton quan tâm nhất thời còn làm Ngoại trưởng Mỹ?

    Chuyên gia Ernest Bower của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS, tại Washington, Mỹ) nói với tạp chí Rappler (Philippines) gần đây rằng bà Clinton sẽ thúc đẩy chiến lược xoay trục của Mỹ về châu Á tốt hơn những gì Tổng thống Barack Obama đang làm một cách yếu ớt trong nhiệm kỳ 2 của ông. Ông Bower cũng cho rằng nữ tổng thống Clinton có khả năng sẽ tăng cường sự tham gia của Mỹ trong các vấn đề ở khu vực châu Á như tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

    “Tôi nghĩ rằng bà Clinton sẽ sẵn sàng giải thích lý do tại sao châu Á lại quan trọng với người Mỹ”, ông Bower nói với Rappler trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Washington.

    Báo chí Mỹ mới đây cho biết bà Clinton sẽ hoãn việc tuyên bố tranh cử tổng thống từ tháng 1 đến tháng 3.2015 như dự kiến. Bà được xem là sẽ giành được sự đề cử của đảng Dân chủ để ra tranh cử tổng thống năm 2016.

    Chuyên gia Bower nói rằng nếu đắc cử, bà Clinton sẽ làm những gì mà tổng thống Obama đã không dành nhiều thời gian để thực hiện, như thuyết phục công chúng Mỹ ủng hộ đầu tư của Mỹ vào châu Á trong thời điểm thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, kể cả tình hình khủng bố mới ở Trung Đông.

    Vị chủ tịch Uỷ ban Nghiên cứu Đông Nam Á của CSIS còn nói thêm, trong khi tổng thống Obama nói về tầm quan trọng của châu Á trong các chuyến đi của ông tới thủ đô các nước châu Á, "ông ta lại không nói điều đó ở Ohio hoặc Dallas, Texas, hay Sacramento, California".

    "Đó là vấn đề. Có một cam kết ở cấp lãnh đạo cao nhất về chiến lược châu Á mà bà Hillary Clinton sẽ tiếp tục. Nhưng thời gian qua người ta đã không quảng bá hoặc giải thích lý do tại sao người Mỹ cần những hiệp định thương mại, tại sao chúng ta cần phải đầu tư vào an ninh ở châu Á", ông Bower nói.

    Khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton dành nhiều thời gian cho các vấn đề ở châu Á, đặc biệt là vấn đề tranh chấp ở Biển Đông - Ảnh: AFP

    Bà Hillary Clinton là một trong những kiến trúc sư của chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á, chính sách mà bà trình bày trong một bài viết năm 2011 trên tạp chí Foreign Policy, khi đang là Bộ trưởng Ngoại giao.

    Nhấn mạnh Mỹ là "cường quốc Thái Bình Dương", bà Clinton giải thích qua bài viết này rằng việc xoay trục làm gia tăng đầu tư về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và quân sự của Mỹ ở châu Á sau khi các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan giảm nhiệt.

    Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc thực hiện chính sách xoay trục này của tổng thống Obama sau khi tái đắc cử năm 2012 là mơ hồ. Washington bị phân tâm với các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại khác như Nga, Syria và Iraq. Tổng thống Obama cũng đã hủy bỏ chuyến đi đến châu Á cuối năm 2013 khi chính quyền Mỹ bị “đóng cửa” do thiếu tiền hoạt động.

    Trái lại, bà Clinton phát triển một "ý thức tập trung" vào khu vực, đặc biệt là vào Trung Quốc, siêu cường đang nổi của châu Á, theo chuyên gia Michael O'Hanlon của Viện Brookings. Theo ông này, những suy nghĩ vững chắc của bà Hillary Clinton về Trung Quốc đã cung cấp một hướng dẫn tốt về chính sách và ít được trình bày bởi nhóm cố vấn của tổng thống Obama hiện nay.

    “Bà Clinton đã làm cho vấn đề này dễ hiểu. Sự rõ ràng về suy nghĩ của mình, sự tôn trọng đối với Trung Quốc và nhận thức về cách thức quyết đoán của Trung Quốc cũng như đối xử của Mỹ cho thấy bà Clinton xem xét vấn đề Trung Quốc trên quan điểm của một tổng thống”, ông O'Hanlon đã viết như vậy trên tờ Wall Street Journal hồi tháng 7.2014.

    Quan điểm này cũng được bà Clinton trình bày rõ qua hồi ký Sự lựa chọn khó khăn (Hard Choices) phát hành tháng 6.2014.

    Trong cuốn sách này, bà Clinton viết: "Tháng 11.2009, Tổng thống Barack Obama đã nhận được sự đón tiếp ấm áp trong chuyến thăm Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát tự hỏi liệu chúng ta đang nhìn thấy một giai đoạn mới trong mối quan hệ với một Trung Quốc đang trỗi dậy và quyết đoán không còn che giấu nguồn lực của mình và đang gia tăng khả năng quân sự, đang chuyển từ tình trạng 'ẩn mình chờ đợi’ sang ‘xuất hiện và lên tiếng’”.

    Cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton thường lên tiếng phản đối những hành vi hung hăng của Trung Quốc với các nước trong tranh chấp trên Biển Đông. Trong ảnh: Tàu hải cảnh hộ tống giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam ở Hoàng Sa tháng 5.2014 - Ảnh: Độc Lập

    Tranh chấp trên Biển Đông là một vấn đề mà bà Clinton tích cực tham gia trong suốt thời gian làm Ngoại trưởng Mỹ. Trung Quốc đang gây ra các căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei… trên vùng biển chiến lược này.

    Theo chuyên gia Bower, bà Clinton hiểu được tầm quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông: "Bà Hillary Clinton đã lên tiếng nhiều lần về vấn đề này, kêu gọi ASEAN nên trở thành điểm tựa của cơ cấu thương mại, an ninh khu vực".

    Trong các chuyến thăm đến Hà Nội, Jakarta, và các cuộc họp với ASEAN, Ngoại trưởng Clinton thúc giục ASEAN hình thành một mặt trận thống nhất trong việc đối phó với Trung Quốc vốn chỉ muốn đàm phán song phương với các quốc gia họ có tranh chấp chủ quyền. Bà cũng liên tục thúc ép ASEAN và Trung Quốc tiến đến đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (CoC), và thường lên tiếng phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc.

    "Chúng tôi tin rằng các quốc gia trong khu vực nên hợp tác làm việc để giải quyết các tranh chấp mà không sử dụng sự ép buộc, không đe dọa và chắc chắn là không dùng vũ lực," bà Clinton nói.

    Tuy nhiên, tạp chí The Diplomat cho rằng phát biểu như thế này của bà Clinton sẽ tạo ra một thách thức trong việc đối phó với Trung Quốc nếu bà trở thành tổng thống Mỹ.

    Nhưng theo ông Bower, bà Clinton có thể thuyết phục được người Mỹ về tầm quan trọng của việc xoay trục sang châu Á. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Atlantic trong tháng 8.2014, bà Clinton đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc liên kết nền chính trị trong nước với chính sách châu Á của Mỹ.

    "Nếu bạn không khôi phục lại giấc mơ Mỹ cho người Mỹ, thì bạn nên quên đi việc tiếp tục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Người Mỹ xứng đáng để cảm thấy an toàn trong cuộc sống của mình, trong những khát vọng của tầng lớp trung lưu của mình, trước khi bạn đến và nói với họ rằng chúng ta sẽ phải bảo đảm cho các tuyến đường hàng hải ở Biển Đông", bà Clinton nói với The Atlantic.

    Anh Sơn


    Posted by tinnong.vn on December 21, 2014 at 10:12:32:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]