Các nhân tố ảnh hưởng đến Biển Đông năm 2015

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ ba, 6/1/2015 | 16:48 GMT+7
    Các nhân tố ảnh hưởng đến Biển Đông năm 2015

    Động thái của Trung Quốc, diễn biến vụ Philippines kiện "đường 9 đoạn", lập trường các nước ASEAN, phản ứng của Mỹ, được coi là các nhân tố chính tác động tới an ninh Biển Đông trong năm nay.
    Ba nguy cơ xung đột tại châu Á năm 2015 / Năm 2015 là 'cơ hội thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ'

    Phán quyết của tòa với vụ kiện của Philippines ở Biển Đông sẽ có tác động lớn đến an ninh khu vực trong dài hạn. Ảnh minh họa: Reuters
    "Liệu Trung Quốc có tiếp tục thử các nước láng giềng trong 2015?", ông Austin Bay, đại tá nghỉ hưu của Lực lượng Dự bị thuộc quân đội Mỹ, đặt nghi vấn khi mở đầu bài viết trên tờ Statesman Journal của Mỹ mới đây.

    Ông Bay điểm lại Bắc Kinh từng "thử" Nhật Bản và Hàn Quốc trên không khi áp đặt Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông cuối năm 2013, thăm dò các nước trên biển khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm ngoái.

    "Cuộc xung đột được kiềm chế trên Biển Đông vừa qua không chỉ là sự đối đầu về mỏ dầu, mà thể hiện mối bất đồng đầy nguy hiểm về lợi ích và quyết tâm của cả Trung Quốc và Việt Nam", ông Bay nói.

    Trao đổi với VnExpress, ông Gregory Poling, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, cho rằng sở dĩ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lên tiếng mạnh mẽ hơn với sự cố giàn khoan Hải Dương 981 trong năm ngoái, hơn là với việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012, là vì mức độ bất ổn lớn hơn, xét về ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông so với trước đây.

    Quan điểm thống nhất của ASEAN dẫn tới việc lần đầu tiên hiệp hội có một tuyên bố riêng về Biển Đông trong cuộc họp của các ngoại trưởng vào tháng 5/2014. Sự khiêu khích của Trung Quốc làm tăng lo ngại của Indonesia và Malaysia, khiến hai nước này thể hiện rõ hơn sự ủng hộ quan điểm của Việt Nam.

    Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, Mỹ, việc ASEAN bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, cho thấy các nước này đã được "báo động" về hành động sai trái rõ ràng của Bắc Kinh.

    Các nước ASEAN đã "thấm thía" những hệ quả tiêu cực khi có sự chia rẽ nội bộ. Kể từ khi xảy ra sự cố không ra được Tuyên bố chung trong cuộc họp năm 2012, khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN, hiệp hội đã có sự cải thiện đáng kể trong thể hiện quan điểm.

    Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng ASEAN vẫn chưa có đủ sự thống nhất và gắn kết để thực hiện tuyên bố về vai trò trung tâm của hiệp hội, và để đấu tranh như một khối trước sự bành trướng gia tăng của Trung Quốc cũng như đóng vai trò như một "vùng đệm" hiệu quả giữa Trung Quốc và Mỹ.

    Đề cập tới nhân tố đóng vai trò lớn trong năm 2015, ông Poling lưu ý việc tòa án trọng tài quốc tế phán quyết như thế nào tới vụ kiện Trung Quốc của Philippines sẽ là một "thời điểm mang tính bước ngoặt" cho tranh chấp ở Biển Đông.

    Nếu tòa nhận thấy mình không có quyền phán quyết, việc này sẽ "làm nhụt chí" các nước về khả năng giải quyết tranh chấp hòa bình, thông qua các cơ chế pháp lý. Tuy nhiên, nếu tòa đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, việc các nước thành viên ASEAN ủng hộ Manila đến mức nào sẽ là nhân tố quyết định tới việc xác định tương lai của tổ chức và sự sẵn sàng của cả Philippines và Việt Nam dựa vào hiệp hội này.

    Hồi đầu năm 2013, Philippines chính thức đưa tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế đề nghị phân xử. Manila tuyên bố yêu sách "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh, tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, là bất hợp pháp. Tháng 3 năm ngoái, Philippines nộp gần 4.000 trang tài liệu lên tòa. Tuy nhiên, phía Trung Quốc nhiều lần cho biết không tham gia vụ kiện.

    Ông Poling phân tích thêm, áp lực quốc tế ở mức nào, từ Mỹ, Nhật Bản cùng các nước khác với Trung Quốc, hoặc những quan điểm này đủ để thuyết phục Bắc Kinh làm rõ "đường 9 đoạn" của họ hay không, sẽ có tác động lâu dài đáng kể với tiến trình của tranh chấp ở Biển Đông.

    Sự cố giàn khoan trái phép của Trung Quốc năm ngoái cho thấy một công cụ tốt của Việt Nam để chống lại các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông chính là áp lực quốc tế. Lãnh đạo Việt Nam cũng tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ và các đối tác có cùng khuyn hướng, nêu bật vấn đề Biển Đông ở các diễn đàn của Hiệp hội ASEAN, các diễn đàn khu vực và quốc tế khác.

    Giữa tháng 12/2014, Việt Nam tuyên bố một lần nữa bác bỏ yêu sách của Trung Quốc liên quan đến "đường đứt đoạn" Trung Quốc đưa ra, và đề nghị tòa án trọng tài quốc tế quan tâm thích đáng đến lợi ích của Việt Nam khi xử vụ kiện của Philippines.

    Đồng tình về vấn đề này, ông Hùng còn coi việc Mỹ thể hiện cam kết xoay trục ở châu Á - Thái Bình Dương như thế nào sẽ là một nhân tố chính trong duy trì hòa bình ở khu vực. Washington thể hiện vai trò của mình bằng cách duy trì sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương, phản đối những nỗ lực thay đổi hiện trạng trên biển bằng sự ép buộc hoặc bằng vũ lực, bằng cả lời nói và hành động thực tế.

    Theo ông Bay, mục tiêu của Trung Quốc vượt xa hơn Việt Nam. Yêu sách "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh đòi kiểm soát nhiều khu vực phía nam, qua vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, hướng tới Singapore và eo biển Malacca. Trung Quốc đang đe nạt các nước cùng có tranh chấp, để đòi quản lý các đá nằm trong giới hạn đường đứt đoạn này.

    Trung Quốc còn triển khai quân đội ở các đảo có tranh chấp với các nước thành viên ASEAN. Bắc Kinh được cho là đang xây dựng các cơ sở hạ tầng, đường băng "để chơi một trò chơi lâu dài".

    "Nhìn lại chuỗi hành động của Trung Quốc, đặc biệt trong hai năm gần đây, các nhà ngoại giao không khỏi lo ngại và các nhà bình luận cũng cảnh giác", ông Bay nói.

    Việt Anh




    Posted by vnexpress.net on January 08, 2015 at 10:50:39:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]