Trung Quốc gay gắt với Philippines về đường băng ở Đá Chữ Thập Trung Quốc đang gần hoàn tất đường băng trên Đá Chữ Thập chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa - Ảnh: IHS Jane's Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại rằng Bắc Kinh có "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với quần đảo Trường Sa. "Hoạt động của Trung Quốc trên các đảo liên quan và các bãi đá san hô đều là chuyện thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc", ông Hồng Lỗi tuyên bố. Trung Quốc lâu nay tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Gần đây nước này có những động thái quyết liệt như cải tạo đất để xây đảo nhân tạo ở Đá Gạc Ma, Đá Chữ Thập chiếm đóng của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Việc xây dựng này bị Mỹ lên tiếng phản đối và kêu gọi Trung Quốc ngừng thực hiện các dự án này, vốn có thể xây dựng thành đường băng phục vụ mục đích quân sự. Tuy nhiên Bắc Kinh bác bỏ lời kêu gọi này của Mỹ. Ảnh vệ tinh Airbus Defence & Space chụp ngày 14.11.2014 cho thấy Trung Quốc đã cải tạo và mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo rất lớn (hơn đảo Ba Bình đang bị Đài Loan chiếm đóng). Ảnh ghi nhận nhiều tàu hút cát hoạt động để bồi đắp đảo nhân tạo, một khu vực bến cảng, một mạng lưới các đường ống phu cát và xây dựng - Ảnh: CNES/IHS Không ảnh của Philippines chụp Đá Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, ảnh bên trái là vào tháng 3.2014, cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đất và xây 1 lán trại cho công nhân. Ảnh phải mới chụp gần đây cho thấy nhiều công trình đã xây xong và còn có trồng cây ở đây - Nguồn: Philippine Star Trước đó, ngày 7.1, Tư lệnh quân đội Philippines, tướng Gregorio Catapang nói với các nhà báo ở Manila rằng Trung Quốc đã hoàn tất 50% việc cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa. "Việc này là đáng báo động vì công trình này có thể được sử dụng cho các mục đích khác hơn là cho các mục đích hòa bình", ông Catapang nói. Không ảnh của quân đội Philippines và của tạp chí quốc phòng Jane's (Mỹ) cho thấy Trung Quốc đang xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo nói trên. Việc xây dựng đã làm dấy lên mối lo ngại Trung Quốc có thể biến các bãi đá tranh chấp này thành căn cứ quân sự. Anh Sơn
|