Từ Hoàng Sa đến Tây Nguyên

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Chuyện vỉa hè: Từ Hoàng Sa đến Tây Nguyên
    Thursday, May 21, 2009

    Hình trên: Tàu ngầm Trung Quốc đang rời căn cứ hải quân ở Thanh Ðảo để tham dự cuộc diễn hành kỷ niệm 60 năm hải quân của nước này trên biển Sơn Ðông ngày 22/4/2009 vừa qua. (Hình: Getty Images)


    Hình dưới: Công trường chuẩn bị xây dựng nhà máy khai thác bauxite ở Tân Rai, Lâm Ðồng, đầy những bảng chữ Tàu. (Hình: CLBNBTD)


    LTS.- Blogger Người Buôn Gió là một trong hàng trăm người viết báo mạng cá nhân bày tỏ lòng yêu nước và sự phẫn nộ trước sự nhu nhược của Bộ Chính Trị và nhà cầm quyền CSVN. Nhà cầm quyền Bắc Kinh dùng danh nghĩa của nhà cầm quyền Hà Nội để chống lại Việt Nam như mọi người thấy trên hai trang báo điện tử www.chinavietnam.gov.vn và www.chinavietnam.gov.cn. Phó cục trưởng Cục Thương Mại Ðiện Tử của Bộ Công Thương CSVN nhìn nhận là mạng có cái đuôi gov.cn là do chính phủ Việt Nam phụ trách. Tức là chính phủ CSVN đồng quan điểm với nhà cầm quyền Bắc Kinh về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phần trang mạng có đuôi gov.vn đã bị ngừng nhưng ngày 21/5/2009 trang mạng có đuôi gov.cn vẫn còn đó.

    Mối ưu tư của người dân Việt Nam trước hiểm họa Hán hóa khác với quan điểm của Bộ Chính Trị Ðảng CSVN, như quan điểm của người viết blog Người Buôn Gió dưới đây.

    Tàu Ngư Chính của TQ hiện đang bảo vệ các tàu đánh cá khác của TQ khai thác hải sản trên lãnh hải Việt Nam. Chỉ với một chiếc tàu theo như TQ nói là phục vụ ngư trường này, TQ khiến cho lực lượng hải quân Việt Nam phải im lặng. Tàu Ngư Chính ngang nhiên quần thảo tại khu vực Hoàng Sa bảo kê cho các tàu con công khai cướp đoạt tài nguyên của nhân dân Việt Nam mà không hề có ý e ngại điều gì. Người TQ vừa ban lệnh cấm các tàu nước khác xâm phạm vùng lãnh hải mà họ nói là chủ quyền của họ, đồng thời nhấn mạnh sẽ “ trừng phạt'' tàu nước khác dám xâm phạm.

    Như thường lệ, phía Việt Nam phát biểu yếu ớt cho có lệ qua lời của ông Lê Dũng. Những phát biểu từ lâu TQ đã quá quen thuộc đến nỗi dường như chính họ là người soạn bài cho ông Lê Dũng đọc.

    Tại sao người TQ càng ngày càng có những hành động ngang ngược như vậy đối với Việt Nam? Phải chăng họ quá mạnh so với VN? Cho nên chính phủ VN đành phải nhân nhượng để giữ cái chiêu bài “giữ hòa bình trong khu vực'' để che giấu sự bạc nhược của mình? VN có thể khơi hàng đống lý do để nói với dân chúng về động thái không quyết liệt của chính phủ trước chủ quyền đất nước ,bằng ngàn mỹ từ trên truyền thông đại chúng, hay bằng cách truyền khẩu qua những lời của đảng viên cấp cơ sở thấp nhất. Những luận điệu ấy tóm tắt gồm các ý, giữ hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, phải khéo léo ngoại giao để đạt được cái mình muốn, cần có thời gian lâu dài...

    TQ không phải bây giờ mạnh hơn VN, mà cả ngàn đời nay họ vẫn mạnh hơn như vậy. Cách đây 30 năm, người TQ tiến vào biên giới VN thế như chẻ tre, tàn sát đồng bào, chiến sĩ Việt Nam như đốn cây chuối trong vườn. Lúc ấy họ mạc sát VN, nhưng không dám coi thường bằng những hành động sỉ nhục như vụ tàu Ngư Chính bây giờ. Bởi vì lúc ấy người Việt Nam dám chiến đấu, họ chiến đấu với tinh thần quật cường, dân tộc, chủ quyền. Yếu hay mạnh, phát triển kinh tế, ổn định gì gì... người Việt Nam không quan tâm tính toán đến điều đó, bởi lẽ chủ quyền đất nước là trên hết. Trước chủ quyền dân tộc, đến mạng sống còn không nghĩa lý chứ đừng nói đến những toan tính làm ăn, phát triển kinh tế. Người TQ rất ngại điều đó lặp lại.

    Ngày nay người TQ đã có kinh nghiệm trong việc đối xử với Việt Nam để không phải tốn xương máu. Một cuộc chiến ở thời điểm này tất nhiên bất lợi cho cả hai bên, nhưng ở vị thế nước lớn đang phát triển, chiến tranh sẽ khiến các quan hệ với quốc tế của TQ xấu đi rất nhiều. Nếu VN chấp nhận đối đầu với tinh thần cảm tử như năm 79. Các cường quốc thế giới ắt sẽ can thiệp, và cho dù các cường quốc này sẽ trục lợi cá nhân họ như luận điệu của chính quyền Việt Nam tuyên truyền, thì phần mà VN thiệt thòi đi cũng không lớn hơn phần bị TQ thôn tính. Thậm chí còn ít hơn nếu so sánh với tình trạng cứ thế này để TQ lấn thêm nữa với kiểu tằm ăn lá dâu.

    Nhưng người TQ quá khôn ngoan để tính không cho người Việt thể hiện cái tinh thần bất chấp tất cả để giữ gìn lãnh thổ như trong hàng nghìn năm lịch sử, họ đã có những bước đi, ý đồ nhằm tiêu diệt sự đấu tranh ngay trong lòng người Việt. Dập tắt ý chí chiến đấu bảo vệ chủ quyền của người Việt ngay trong trứng nước.

    Nhìn toàn cục thái độ ứng xử của VN về lãnh hải bây giờ, người TQ không có gì đáng lo. Việc Việt Nam nhập tàu chiến, máy bay không thể hiện ý chí chuẩn bị chiến tranh, mà chỉ là động thái vờ vịt để cho dân chúng đỡ hoài nghi về thái độ quá nhún nhường của chính quyền với chủ quyền đất nước. Vì số lượng vũ khí ấy chả bõ bèn gì nếu so sánh với tiềm lực quân sự của TQ. Nếu VN thực sự muốn bảo vệ chủ quyền trước hành động xâm lấn của TQ, thì cái cần là hiệp ước quân sự với cường quốc nào đó như đã từng ký với Nga trước kia. Cộng với tinh thần dân tộc mạnh mẽ, kiên quyết.

    Cho nên TQ phải giải quyết các hai điểm nêu trên này được, thì mới ngang ngược cho tàu hoạt động công khai trên lãnh hải Việt Nam. Và người TQ đã giải quyết được chưa, giải quyết bằng cách nào?

    TQ giải quyết vấn đề này thông qua một số quan chức Việt Nam thân Tàu mà họ đã lựa chọn kỹ. Những cá nhân nòng cốt mà người TQ đã chọn lựa ngay từ năm 88 trong buổi gặp ở Thành Ðô. Cá nhân đó giờ vẫn uy nghi, oai vệ trong trong buổi họp quốc hội VN khai mạc ngày hôm nay 20-5-2009. Từ cá nhân này mà người TQ phát triển nhân lên thành nhiều cá nhân khác. Các cá nhân khác trông thấy con đường tiến thân vững chắc của cá nhân kia từ năm 88 đến nay trên con đường quan lộ. Tự họ phải biết mình dựa vào đâu để có sự nghiệp chính trị, buồn thay cho nước Việt là những nấc thang tiến lên của các cá nhân này đúng như mong muốn của họ. Mấy năm gần đây số ủy viên BCT tỏ thái độ hữu hảo với TQ ngày càng nhiều về số lượng cũng như chất lượng bày tỏ tấm lòng. Từ những cá nhân có quyền hành này dội xuống, các phương tiện truyền thông đi theo một lề đã chỉ định. Ca ngợi quan hệ Việt-Trung, kiểm soát chặt chẽ và trừng phạt những tư tưởng bài Trung Quốc. Ðiều đó thể hiện qua truyền thông, báo chí được thoải mái ca ngợi người bạn, người anh Trung Hoa. Ví dụ như báo Hà Nội Mới ca ngợi Hứa Thế Hữu, ủng hộ bô xít Tây Nguyên đã dành được khen ngợi hồi tổng kết báo chí năm 2008, hay truyền hình chiếu nhiều phim Trung Quốc cũng được khen thưởng. Trang web của Bộ Công Thương để mặc cho TQ thao túng tuyên truyền cũng không cá nhân nào liên đới bị xử lý. Trong khi đó những cá nhân, đơn vị có ý châm chích, phản đối mối tình quái gở Việt-Trung này đều bị xứ lý thích đáng như blogger Ðiếu Cày, báo Vietnamnet, báo Du lịch... với truyền thông thế này thì người TQ hoàn toàn yên tâm là tinh thần chiến đấu bảo vệ chủ quyền của người Việt không thể ngóc lên mà tan rã ngay từ tại tư gia mỗi công dân bởi màn hình tivi. Tinh thần ấy càng tan rã hơn bởi những luận điệu như ổn định, phát triển, hòa bình... đã dập tắt chút ít quật cường nhen nhóm trong lòng người Việt Nam. Vừa ca ngợi, vừa đe dọa, vừa thủ thỉ dỗ dành chỉ cho thấy những cái lợi trước mắt. Từng ấy thủ đoạn được truyền thông liên tiếp chuyển tải hàng ngày, hàng giờ khiến người Việt Nam mất cảnh giác, thiếu thông tin chính xác, thậm chí còn ngây thơ nghĩ rằng dù thế nào đi nữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có cách đối thoại trong vẫn đề chủ quyền và Việt Nam sẽ không bị thiệt thòi.

    Bô Xít Tây Nguyên trở thành nóng bỏng, không chỉ là môi trường, lợi nhuận, an ninh quốc phòng mà dự án này bị phản đối như vậy. Bởi nó liên quan đến sự có mặt người TQ tại VN. Vậy dự án này còn là cái đo nhiệt kế, cái phép tính xem lòng người Việt Nam mạnh đến đâu khi nó là nước đi mà người TQ cần biết rõ những con cờ của họ trong hàng ngũ lãnh đạo VN thể hiện quyết tâm hữu hảo đúng như lời nói không.

    Một đám đông chuẩn bị phản đối, bị ném cho quả pháo cũ rích “cẩn thận các thế lực thù địch lợi dụng'' vào giữa đám. Thế là chưa gì mỗi ông một nhóm, ông tướng già thì đứng đơn cá nhân mình, vài ông giáo sư chỉ gom lại hàng ngũ gọi là trí thức ''sạch sẽ'' để ''nâng cao cảnh giác kẻ xấu trà trộn''. Ðám còn lại bị khoác cái áo giấy vu khống là ma, một đám nữa thì bơ vơ chả biết phản đối thế nào.

    Các quân cờ khắc chữ Hán thì sang sông với khí thế không hề biết lùi. Vừa tiến vừa hô ''chủ trương lớn'' hay ''quốc hội nhất trí hoàn toàn'' hoặc ''đảm bảo công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường''... ''phát triển kinh tế Tây Nguyên''...

    Người Trung Quốc đứng xem xoa tay hài lòng. Tinh thần dân chúng Việt Nam đến vậy, các con cờ thể hiện nhất mực như lời nói. Còn gì nữa mà đắn đo, giải quyết tiếp xong biển đảo rồi tính đến việc khác.

    Người Buôn Gió




    Posted by Nguoi Viet on May 22, 2009 at 22:21:14:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]