Biển Đông 2015: Đảo nhân tạo sẽ làm ‘dậy sóng’?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    04/03/2015 02:10 GMT+7
    Biển Đông 2015: Đảo nhân tạo sẽ làm ‘dậy sóng’?

    Trái hẳn với những tuyên bố hòa dịu mà giới lãnh đạo Trung Quốc không ngừng đưa ra, đặc biệt là từ cuối năm 2014 đến nay, những gì đang diễn ra trên biển Đông lại là một bức tranh đối lập.
    >> Biển Đông: Đảo nhân tạo còn nguy hiểm hơn giàn khoan?

    Hình ảnh những đá, bãi ngầm đang được nước này xây dựng và mở rộng tại biển Đông trong 2015 cho thấy diện tích các nơi này đã tăng gấp nhiều lần. Quy mô và tốc độ của việc bồi đắp các bãi ngầm hay rạn san hô mà Trung Quốc đang kiểm soát phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam làm cả khu vực đặc biệt quan ngại.

    Tăng tốc xây dựng phi pháp đảo nhân tạo

    Ngày 02/5/2014, căng thẳng tại biển Đông leo thang nghiêm trọng khi Trung Quốc đơn phương triển khai giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Gần 2 tuần sau đó, ngày 13/5/2014, Philippines công bố những bức ảnh cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đất đá tại Gạc Ma để xây dựng một đường băng. Cùng ngày, một báo cáo mật từ văn phòng Tổng thống nước này cho biết thêm, Trung Quốc cũng đang cải tạo đất ở hai bãi Tư Nghĩa và Én Đất.

    Tiếp sau đó, ngày 04/6/2014, tờ Phil Star của Philippines trích lời của Tổng thống Benigno Aquino III rằng ông đã nhận được báo cáo về sự chuyển dịch của các tàu vận tải Trung Quốc tại hai bãi đá ngầm Gaven và Châu Viên.

    Hơn 5 tháng sau, những bức ảnh vệ tinh được Tạp chí Quốc phòng IHS Jane’s công bố ngày 14/11/2014 cho thấy, Trung Quốc đang tiến hành cải tạo và xây dựng một đường băng tại bãi Chữ Thập. Những hình ảnh này được chụp bởi vệ tinh của Cơ quan Quốc phòng và Không gian Airbus. So sánh với bức ảnh chụp vào ngày 08/8, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể diện tích bãi Chữ Thập.

    Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Lực lượng vũ trang Philippines/BBC
    Theo IHS Jane’s, hòn đảo nhân tạo mới sẽ có chiều dài khoảng 3.000 mét, chiều rộng từ 200 đến 300 mét. Theo ảnh chụp từ vệ tinh của Digital Globe, góc đông bắc bãi Chữ Thập là nơi cải tạo đầu tiên của Trung Quốc. Theo mạng quân sự Sohu của Trung Quốc, chưa đầy 1 tháng, khu vực cải tạo đã tăng diện tích gấp 3 lần, lên 0,96 km2. Sau khi hoàn thành cải tạo góc đông bắc, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo các góc khác.

    Tháng 10/2014, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cũng dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho hay bãi Chữ thập đã được cải tạo mở rộng tới khoảng 1 km2, trở thành đá lớn nhất Trường Sa và việc cải tạo vẫn còn tiếp diễn. Thêm vào đó, giáo sư Jin Canrong tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc đã tiết lộ với SCMP rằng, một kế hoạch xây đảo nhân tạo tại bãi Chữ Thập đã được đệ trình lên chính phủ Trung Quốc. Hòn đảo nhân tạo này sẽ có diện tích gấp đôi căn cứ quân sự Diego Garcia rộng 44 km2 của Mỹ tại Ấn Độ Dương.

    IHS Jane’s tiếp tục công bố những hình ảnh về quá trình cải tạo của Trung Quốc ở đá Gaven. Dựa trên những bức ảnh vệ tinh được chụp bởi Cơ quan Quốc phòng và Không gian Airbus vào ngày 31/3 và 07/8/2014, việc cải tạo tại đá Gaven được tiến hành tương tự như các bãi đá khác. Mặc dù vậy, theo IHS Janes’s, không có cầu cảng nào được xây dựng tại Gaven. Những công trình khác như doanh trại cho binh sĩ vẫn được xây. Theo tính toán, đảo nhân tạo tại Gaven sẽ có kích thước 200m x 300m. Cũng theo nguồn tài liệu trên, đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cải tạo được một diện tích tổng cộng khoảng 114 nghìn m2.

    Ám chỉ Mỹ “ngừng gây rối”

    Sau khi IHS Jane’s công bố các hình ảnh tại Chữ Thập, người phát ngôn quân đội Mỹ, ông Jeffrey Pool phát biểu: “Chúng tôi (Mỹ) kêu gọi Trung Quốc ngừng chương trình cải tạo đảo và có sáng kiến ngoại giao nhằm khuyến khích các bên cùng kiềm chế không thực hiện các hoạt động tương tự”. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc ngày 10/2/2015, đã thúc giục Bắc Kinh sớm dừng việc cải tạo các bãi đá tại Trường Sa. “Điều này sẽ gây ra những bất ổn và trái với những gì mà Trung Quốc đã cam kết với ASEAN”, ông Russel nói.

    Đáp lại, Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo thuộc chủ quản của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố “Việc xây dựng của Trung Quốc trên đảo Vĩnh Thử (cách gọi của TQ, tức đảo Chữ Thập - TG) sẽ không bị ảnh hưởng vì lời lẽ của Mỹ. Vĩnh Thử sẽ trở thành đảo lớn, cho thấy khả năng xây dựng to lớn của Trung Quốc”.

    Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân, tuyên bố: “Việc duy trì và xây dựng các công trình và cơ sở hạ tầng trên các rặng san hô và đảo ở biển Hoa Nam (biển Đông) là hoàn toàn hợp pháp và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Các quốc gia khác không có quyền xen vào những hoạt động xây dựng như vậy”.

    Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 19/2/2015 cho rằng “những nước thứ 3 nên nói ít lại và ngừng việc gây rối đi”, ám chỉ đến Mỹ và những bình luận của ông Russel trong chuyến thăm đến Manila.

    Nguyễn Thế Phương

    Những mục đích nào đằng sau quá trình xây dựng, cải tạo phi pháp này của TQ. Mời độc giả theo dõi tiếp ở Kỳ 2.




    Posted by vietnamnet.vn on March 04, 2015 at 11:07:36:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]