Một không đoàn Nhật xuất kích 400 lần cản máy bay Trung Quốc Tiêm kích F-15 của Nhật Bản cất cánh từ căn cứ Naha, Okinawa. Năm 2014, căn cứ này tiến hành hơn 400 lần xuất kích ngăn cản máy bay Trung Quốc thâm nhập không phận gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: pacificairwaves Bloomberg cho biết viên phi công 35 tuổi Fukuda, lái tiêm kích F-15, cũng mê lái xe mô tô này kể rằng anh ta cùng các đồng đội luôn sống trong môi trường căng thẳng cao độ, khi xuất kích hơn 1 lần/ngày để ngăn cản máy bay quân sự Trung Quốc thâm nhập vùng trời ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật quản lý. Hiện Trung Quốc vượt Nhật Bản gấp 8 lần về số phi công, và còn tung ra máy bay tàng hình hồi tháng 11.2014. Tuy nhiên phi công Trung Quốc thua Nhật về kinh nghiệm và kỹ năng huấn luyện, đưa đến nguy cơ dễ dẫn đến đối đầu trên không. Khi các phi công Nhật Bản đang trực chiến, ngồi nhấm nháp trà và xem tivi, đọc báo, thì lệnh báo động vang lên, theo lời kể của phi công Fukuda (biệt danh Thần chiến tranh, tức Hoả tinh). Để tiết kiệm thời gian, họ trực chiến trong bộ đồ bay và để mũ bay cùng phao cứu sinh ở trên buồng lái. "Một cuộc ngăn cản trên không là điều xảy ra khi có chuyện với một nước khác, và bạn biết mình không thể mắc sai sót”, phi công Fukuda nói với Bloomberg. Anh kể rằng vị trí căn cứ Naha rất gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông “Chúng tôi ở rất gần, đó là phòng tuyến đầu tiên", anh ta nói, khi căn cứ vang rền tiếng động cơ của máy bay phản lực chiến đấu. Khi thiếu tướng Yasuhiko Suzuki lần đầu tiên đến Naha những năm 1990 với tư cách phi công máy bay chiến đấu, căn cứ này trông buồn tẻ, nhỏ bé. Nay sự hung hăng của Trung Quốc đã làm cho Naha trở thành căn cứ không quân quan trọng nhất của Nhật Bản. "Căn cứ này luyện tập hàng ngày, đó là chuyện hoàn toàn phi thường khi đòi hỏi một phi đoàn phải thực hiện hơn 400 cuộc xuất kích truy cản trong một năm. Đây là một gánh nặng", tướng Suzuki nói. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tìm cách gia tăng sức mạnh quốc phòng, đặc biệt cho phía nam quần đảo Nhật Bản. Tại Naha, nhiều toà nhà đang được phá dỡ để làm đường băng cho một phi đoàn thứ 2 sẽ đưa đến Okinawa trong tháng 3.2016 và nâng số máy bay chiến đấu tại đây lên 40 chiếc. Nhật Bản còn dự định lập một căn cứ quan sát mới ở đảo Yonaguni gần khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, thành lập lực lượng đổ bộ từ biển (dạng thuỷ quân lục chiến Mỹ) cùng mua các xe lội nước, bố trí ở đảo Kyushu. Phi công Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản tại căn cứ không quân Hyakuri ở Omitama. Máy bay Nhật Bản đã tiến hành hơn 744 lần xuất kích trong năm 2014 để ngăn cản máy bay quân sự nước ngoài thâm nhập không phận của nước này - Ảnh: AFP Trung Quốc và Nhật Bản đang trong tình trạng căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến đầu tư của Nhật vào Trung Quốc giảm 39% năm 2014, dù Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật năm 2013. Trung Quốc nói nước này có chủ quyền với Senkaku/Điếu Ngư hơn 600 nay trước khi bị thua trong cuộc chiến với Nhật và mất quyền quản lý quần đảo từ năm 1895 đến nay. Từ tháng 3 - 12.2014, Nhật Bản đã điều máy bay chiến đấu ngăn cản 744 lần máy bay quân sự nước ngoài bay gần không phận nước này, tăng hơn 30% so cùng kỳ năm trước và ở mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Trong khi các chuyến bay của Nhật Bản ngăn cản máy bay Nga áp sát không phận có giảm trong năm 2014 thì các chuyến bay tương tự để ngăn cản máy bay Trung Quốc lại gia tăng, hầu hết đều từ căn cứ Naha. Thậm chí như chuyên gia Bonji Ohara ở Quỹ Tokyo nhận định rằng Trung Quốc đang tìm cách thu thập thông tin về phản ứng của máy bay Nhật Bản qua các chuyến bay thâm nhập thế này, từ thời gian khi máy bay Nhật chưa cất cánh đến phản ứng của Nhật. Cuối năm 2013, Trung Quốc đơn phương lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao trùm khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Năm 2014 máy bay Nhật Bản 2 lần bay ngăn cản máy bay Trung Quốc tiếp cận quần đảo này. Hiện Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng sức mạnh không quân, với 398.000 người theo sách Trắng năm 2013, so với Nhật Bản chỉ có 50.000 người. Trung Quốc cho hay tiêm kích J-11 nước này tự sản xuất là tương đương tiêm kích F-15 vốn được Mỹ giới thiệu lần đầu năm 1974. Gần đây Trung Quốc còn phát triển máy bay tàng hình J-20 và J-31. Còn Nhật quyết định mua tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ, nhưng sẽ chưa bố trí chúng ở Okinawa. Tiêm kích F-15 trực chiến tại sân bay Naha - Ảnh: Youtube Không đoàn 83 ở Naha hiện còn thiếu máy bay và chỉ có 1 đường băng xài chung với dân sự. Mỗi khi xuất kích để ngăn cản máy bay lạ, các máy bay F-15 của Không đoàn sẽ được ưu tiên so với máy bay hành khách. Cả những lần huấn luyện, máy bay quân sự cũng khín hành khách các chuyến bay dân sự phải chờ đợi. Phi công Fukuda nói anh tham gia quân đội là để trở thành phi công và có cơ hội đi đây đó hơn là muốn bảo vệ đất nước. Nhưng nay khi vợ anh mới sinh con, anh đã suy nghĩ lại. “Điều này là vì đất nước tôi, và một phần nhỏ là vì gia đình tôi. Bạn sẽ có được cảm giác mà bạn cần để bảo vệ họ”. Anh Sơn
|