Reuters: Quân y Nhật hỗ trợ lính tàu ngầm Việt Nam Thủy thủ tàu ngầm Việt Nam thay kíp trực, trở về doanh trại, tại quân cảng Cam Ranh - Ảnh: Mai Thanh Hải Theo Reuters ngày 10.3, mục tiêu của Nhật Bản là nhằm hỗ trợ năng lực phòng thủ của Việt Nam và Philippines trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đang muốn thống trị phần lớn khu vực biển này. Biển Đông cũng là tuyến đường hàng hải quan trọng đối với đa số hàng hóa của Nhật Bản. Hồi tháng 5.2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ hỗ trợ các nước Đông Nam Á duy trì tự do thông thương hàng không và hàng hải trong khu vực. Bên cạnh đó Nhật Bản cũng bắt đầu biểu lộ sức mạnh về an ninh quốc phòng khi Thủ tướng Abe muốn xét lại vai trò hòa bình của Nhật theo Hiến pháp hiện tại. Việc Nhật Bản công khai ủng hộ các nước ASEAN ở Biển Đông khiến Trung Quốc lo ngại, Bộ Ngoại giao nước này đã nói rằng Trung Quốc hy vọng Nhật Bản "nói và hành động thận trọng" về vấn đề Biển Đông (?). Trong chiến tranh thế giới thứ 2, hải quân đế quốc Nhật Bản đã từng cho tàu ngầm hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Nay Trung Quốc đang ồ ạt cải tạo đất và xây thành đảo nhân tạo tại các bãi đá chiếm của Việt Nam, biến những nơi này thành căn cứ quân sự để tăng khả năng hoạt động của hải quân và không quân nước này, theo các chuyên gia. Một số chuyên gia khác còn nhận định các đảo nhân tạo này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, buộc máy bay qua lại phải khai báo với Trung Quốc, dù nước này đến nay luôn bác bỏ điều đó. Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc đơn phương lập trên biển Hoa Đông hồi tháng 11.2013 đã bị Nhật, Mỹ và Úc phản đối, quân đội các nước này cũng phớt lờ vùng nhận dạng này. Tuy nhiên với các nước nhỏ ở ASEAN thì khó mà đối phó được với Trung Quốc một khi Trung Quốc áp vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Một nhà hoạch định chính sách Nhật Bản (không nêu tên) nói với Reuters rằng "ADIZ sẽ là thảm họa, vì nó hạn chế đến mức nghiêm trọng mọi hoạt động hàng hải và hàng không qua lại khu vực đó". Chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 chụp ảnh lưu niệm với kíp tàu CSB 6001, là tàu tuần tra do Chính phủ Nhật Bản viện trợ, ngày 5.2.2015 tại Đà Nẵng - Ảnh: Cảnh sát biển VN Vì vậy Nhật Bản gần đây liên tục gia tăng sự hợp tác và hỗ trợ các nước ở Biển Đông. Nhật Bản và Philippines sẽ tập trận chung lần đầu tiên trong vài tháng tới. Nhật còn tài trợ cho Philippines xây 1 căn cứ quân sự ở đảo Palawan gần quần đảo Trường Sa. Những tàu tuần duyên đầu tiên trong số 10 tàu Nhật đang đóng cho Philippines sẽ được bàn giao vào cuối năm 2015... Với Việt Nam, Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ năng cao năng lực phòng thủ hàng hải, qua việc viện trợ chiếc tàu tuần tra đã qua sử dụng đầu tiên (trong số 6 tàu theo cam kết) hồi đầu tháng 2.2015. Reuters còn cho biết thêm bác sĩ quân y Nhật Bản còn hỗ trợ tư vấn điều trị chứng giảm áp suất đối với lính tàu ngầm Việt Nam khi Việt Nam bắt đầu trang bị nhiều tàu ngầm mua từ Nga. Thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, ông Gen Nakatani cuối tháng 2.2015 phát biểu rằng việc cử máy bay Nhật Bản bay tuần tra Biển Đông sẽ được xem xét, chứng tỏ tầm quan trọng của vùng biển này với Nhật Bản, và để đáp lại gợi ý của Mỹ về việc bay tuần tra biển Đông. Tàu ngầm của Lữ đoàn 189 trong căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa) - Ảnh: Mai Thanh Hải Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật nổi tiếng chạy êm, có khả năng tàng hình trước sonar của đối phương - Ảnh: military-today.com Anh Sơn
|