Thứ Hai, 20/04/2015 - 21:41 Dân trí Tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines Gregorio Pio Catapang Jr. Ngày 20/4 khẳng định hoạt động bồi đắp các bãi đá, rạn san hô trên Biển Đông để xây đảo nhân tạo của Trung Quốc khiến môi trường nơi đây bị tàn phá không thể khắc phục. Bức ảnh vệ tinh chụp Đá Chữ Thập năm 2006 (trái) và bức ảnh chụp ngày 2/4/2015 (phải) cho thấy Trung Quốc đã bồi lấn và xây dựng nhiều công trình lớn
Catapang chỉ ra rằng Trung Quốc “đã dung túng cho những kiểu đánh bắt có hại cho môi trường của ngư dân nước này” tại khu vực bãi Scarborough. Cũng trong buổi họp báo, ông Catapang khẳng định sự “hung hăng” của Trung Quốc trong hoạt động bồi lấn biển, xây đảo nhân tạo làm gia tăng lo ngại trong khu vực, đặc biệt khi các công trình xây dựng của Trung Quốc có quy mô khổng lồ. Đại diện lực lượng vũ trang Philippines đồng thời bày tỏ lo ngại trước việc các tàu cá nước mình bị tàu hải giám Trung Quốc dùng vòi rồng cản trở việc đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền nước này. Dù vậy ông cho rằng, việc hộ tống các tàu của ngư dân trở lại vùng biển đánh bắt là việc của các cơ quan dân sự, và lực lượng tuần tra bờ biển sẽ chị trách nhiệm chính Ngày càng nhiều người Trung Quốc phản đối dùng vũ lực trên Biển Đông Trong khi quân đội Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong các động thái lấn chiếm, khẳng định chủ quyền một cách trái phép trên Biển Đông, một khảo sát cho thấy ngày càng nhiều người dân nước này ủng hộ các giải pháp hòa bình, và phân xử thông qua bên thứ ba. Trong khảo sát của Trung tâm Pert USAsia, nhà nghiên cứu Andrew Chubb đã phỏng vấn 1.413 người dân các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô và một số khu vực khác. Kết quả cho thấy, trong số 10 lựa chọn chính sách được đưa ra cho người tham gia khảo sát chọn lựa, việc chính phủ điều quân tới giải quyết tranh chấp chỉ nhận được 41% - 46% ý kiến ủng hộ. Trong khi đó phương án thông qua đối thoại với các bên liên quan như Việt Nam và Philippines nhận được 57% phiếu thuận. Lựa chọn gác tranh chấp, cùng khai thác nhận được 31% ý kiến ủng hộ. Nhưng đáng chú ý hơn cả chính là việc 60% người được hỏi ủng hộ việc để Liên Hợp Quốc làm trọng tài phân xử các tranh chấp. “Điều này cho thấy bất chấp những bình luận đầy tính hiếu chiến xuất hiện thường xuyên trên mạng, hầu hết người dân các đô thị Trung Quốc thận trọng về khả năng sử dụng biện pháp quân sự tại các hòn đảo, và ít nhất về mặt nguyên tắc, cởi mở với khả năng thỏa hiệp”, Chubb nhận định. Thanh Tùng
|