Bí mật 16 tấn vàng trong ngày giải phóng

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ Năm, 30/04/2015 - 07:28
    Bí mật 16 tấn vàng trong ngày giải phóng

    16 tấn vàng dự trữ của chế độ cũ cũng được bảo quản nguyên vẹn. Việc tiếp quản các ngân hàng với tiền, vàng còn nguyên vẹn là một chuyện ngoạn mục.
    Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

    Đầu tháng 3/1975, ông Lữ Minh Châu, khi đó là Phó Ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục, trong vỏ bọc là cán bộ một ngân hàng ngụy quyền Sài Gòn, được gọi ra căn cứ, ông Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục giao nhiệm vụ: nắm chắc hệ thống ngân hàng của miền Nam, đặc biệt là ngân hàng quốc gia, bộ máy phát hành tiền, kho tiền và kim khí quý… để đón quân giải phóng vào chốt giữ.

    Trở vào Sài Gòn, Ban Tài chính đặc biệt ráo riết thực hiện nhiệm vụ được giao, chiến thắng càng đến gần, mọi công việc càng gấp gáp, chiều 30/4/1975, tại ngã tư Bảy Hiền, ông Lữ Minh Châu đón đoàn cán bộ tài chính của Ủy ban quân quản, phần lớn gồm các đồng chí thuộc Ban Kinh tài của Trung ương Cục do đồng chí Hai Xô làm trưởng ban vào tiếp nhận hệ thống Ngân hàng quốc gia của chính quyền Việt Nam cộng hòa và một số đơn vị quân giải phóng vào làm nhiệm vụ bảo vệ.

    Do đã chủ động chuẩn bị trước, nên mọi việc được khá suôn sẻ. Toàn bộ tiền và vàng dự trữ trong ngân hàng được tiếp quản nguyên vẹn cùng với đầy đủ hồ sơ sổ sách. Theo thống kê, thời điểm đó có 615 tỷ đồng tiền mặt lưu thông, 440 tỉ còn lại nằm trong tài khoản tiền gửi.

    Ông Lữ Minh Châu

    Trong kho dự trữ còn có 125 tỉ tiền in theo kiểu mới chưa phát hành, số này được lệnh phải thiêu hủy, vì đó là giấy bạc mà chính quyền Sài Gòn chuẩn bị để đổi tiền nhưng chưa kịp thực hiện.

    Cùng với đó 16 tấn vàng dự trữ của chế độ cũ cũng được bảo quản nguyên vẹn. Việc tiếp quản các ngân hàng với tiền, vàng còn nguyên vẹn là một chuyện ngoạn mục.

    Đêm 30/4, Ban Quân quản các ngân hàng ra lời kêu gọi tất cả các quan chức, nhân viên các ngân hàng đúng 8h ngày 1/5 có mặt tại 17 Bến Chương Dương, trụ sở Ngân hàng quốc gia của chính quyền cũ. Tại đây, thay mặt Ủy ban quân quản, ông Lữ Minh Châu công bố lệnh tiếp quản và lệnh cho các ngân hàng ngưng hoạt động.

    Đồng thời công bố chính sách của cách mạng sẽ tiếp quản toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ đối nội, đối ngoại của các ngân hàng của chế độ cũ. Trong đó bao gồm cả việc xác nhận nợ, tiếp quản các kho thế chấp, trả lại tiền gửi cho nhân dân và các tổ chức trong ngoài nước. Lúc đó Thống đốc Ngân hàng quốc gia Lê Quang Uyển và một số phó thống đốc, các giám đốc ngân hàng thương mại khu vực Sài Gòn – Gia Định cũng có mặt. Những người có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, bảo vệ tài sản được giữ lại làm việc, anh chị em khác về nhà chờ, khi cần sẽ gọi.

    Sau khi tiếp quản, tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương được bàn giao toàn bộ cho Ngân hàng Trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thời, do ông Trần Dương làm Thống đốc. Ông Lữ Minh Châu được chính thức bổ nhiệm trưởng ban tiếp quản hệ thống ngân hàng thương mại khu vực Sài Gòn – Gia Định và Trưởng ban thành lập ngân hàng thành phố Sài Gòn (Sau này là ngân hàng Công thương thành phố).

    Trụ sở ngân hàng quốc gia của chính quyền Sài Gòn
    Dưới sự chỉ huy của ông Lữ Minh Châu, việc kêu gọi nhân viên ngân hàng chế độ cũ quay lại làm việc cũng như việc kiểm kê đối chiếu sổ sách được tiến hành nhanh chóng. Nhờ đó mà đến ngày 9/5/1975, các ngân hàng đã hoạt động trở lại. Cùng với đó, ông đã tham gia thành lập ngân hàng mới của Chính phủ Cách mạng lâm thời để thực hiện quyền phát hành, quản lý chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng miền Nam vừa giải phóng, tiến tới ngân hàng thống nhất đất nước.

    Ngày 6/6/1975, năm tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ Lâm thời cách mạng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định 04/ PCT – 75 về thành lập Ngân Hàng quốc gia. Việc giữ nguyên tên gọi cũ đã giữ được "chân đứng" cho chúng ta tại các tổ chức tài chính quốc tế , vì "Ngân hàng quốc gia Việt Nam" của chính quyền Sài Gòn là thành viên sáng lập Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và là thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như của Ngân hàng thế giới (WB), giúp ta kế thừa được quan hệ tín dụng quốc tế của ngân hàng cũ. Lúc này tiền gửi của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở nước ngoài vẫn còn hơn 100 triệu USD. Lịch sử đã chứng minh tính linh hoạt và đúng đắn của sự kiện này.

    Ông Văn Văn Sáu - trước 30/4/1975, là Giám đốc Nha Tín dụng cho biết: Ngày 1/5/1975, chúng tôi được triệu tập họp hội nghị quán triệt “Chính sách 10 điểm” của Chính phủ cách mạng lâm thời. Tôi ngạc nhiên thấy có đồng nghiệp cũ, nhưng giờ lại là cán bộ Ban Quân quản ngân hàng trong vị trí hướng dẫn chúng tôi học tập chính trị. Sau này mới biết đó là những cán bộ cách mạng hoạt động bí mật nội đô. Rồi theo chủ trương, Ngân hàng Sài Gòn – Gia Định cũng hoạt động trở lại.

    Dạo ấy, tôi không cắt nghĩa được vì sao lại thấy mình cứ ngày một vui hơn mỗi khi đến công sở làm việc. Mãi sau này tôi mới biết chính bởi mình bị cuốn hút vào cái hào khí đất nước được giải phóng, Tổ quốc thống nhất. Thì ra đó là tình cảm dân tộc vốn vẫn chảy trong máu người dân Việt như tôi.

    Trong chuyên môn, cán bộ cũ và mới đều dễ tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ đó công việc của tôi ngày một tiến bộ lên. Khi đất nước bước vào đổi mới, tôi và nhiều chuyên gia ngân hàng cũ đã được mời tham gia soạn thảo đề án đổi mới ngân hàng. Riêng tôi được phân công vào Ban soạn thảo Đề án Thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

    Năm 1991 tôi trở thành Ủy viên HĐQT Agribank, kiêm Giám đốc Sở II Agribank tại TP Hồ Chí Minh. Ít lâu sau đó, vẫn trong cương vị Ủy viên HĐQT Agribank, tôi được giao nhiệm vụ Phó giám đốc Ngân hàng Liên doanh VinaSiam, cho đến năm 2001 thì được nghỉ hưu.

    Theo Minh Thư
    VietnamNet


    Posted by dantri.com.vn on April 30, 2015 at 05:36:23:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]