Thứ bảy, 2/5/2015 | 07:32 GMT+7 Một tư lệnh hải quân Trung Quốc nói rằng trong "điều kiện thích hợp", Mỹ cũng có thể dùng các cơ sở mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông cho mục đích tìm kiếm cứu hộ. Mỹ từ chối. Trung Quốc cũng đẩy mạnh cải tạo đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đã lấp cát và san hô cành để bồi đắp khu vực có diện tích khoảng 2,42 km2, cho đến ngày 13/4. Ngô nói các cơ sở đó "sẽ tăng cường năng lực dịch vụ công như dự báo thời tiết và tìm kiếm cứu hộ hàng hải tại những vùng biển này, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế để duy trì an ninh cho các vùng biển quốc tế". Phát ngôn này được đưa ra sau khi nhiều quốc gia và chuyên gia kêu gọi thế giới cảnh giác trước sự xây dựng ồ ạt của Trung Quốc trên các bãi đá san hô ở quần đảo Trường Sa. (Các bãi đá đó thuộc chủ quyền của Việt Nam và bị Trung Quốc chiếm giữ từ nhiều năm trước). Những công trình mà Bắc Kinh đang bồi đắp có thể bị dùng cho mục đích quân sự, trở thành những đường băng đủ cho chiến đấu cơ cất/hạ cánh. Bất chấp thực tế đó, ông Ngô nói với phía Mỹ rằng "Trung Quốc hoan nghênh các tổ chức quốc tế, nước Mỹ và các nước liên quan sử dụng những cơ sở này khi điều kiện thích hợp cho việc tìm kiếm cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai". Đáp lại, Greenert đề nghị Trung Quốc giải thích kịp thời với các nước trong khu vực về mục đích thực sự của hoạt động xây dựng. Tiếp đó, ông Jeff Rathke, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông không đóng góp gì cho hoà bình ở khu vực, bất kể việc các cơ sở có được sử dụng thế nào đi nữa. "Điều này vẫn đúng kể cả khi, như một số quan chức Trung Quốc vừa tuyên bố, các cơ sở đang bị nghi vấn được dùng cho mục đích dân sự, đối phó thiên tai", ông Rathke cho biết. "Nếu mong muốn giảm căng thẳng, Trung Quốc có thể chủ động giảm bằng cách có những bước đi cụ thể nhằm dừng cải tạo đất". Bắc Kinh cần "làm việc với các cơ chế đa phương hiện hành về phục hồi thảm hoạ và nhân đạo", như cơ chế dưới sự bảo hộ của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Những bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng ít nhất một đường băng phù hợp cho mục đích quân sự tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, điều sẽ dẫn đến thay đổi hiện trạng và cán cân lực lượng tại điểm nóng này. Trọng Giáp
|