07/05/2015 01:00 GMT+7 Với ý nghĩa mới mang tính toàn cầu của liên minh Mỹ-Nhật, sự phối hợp giữa hai nước trong các vấn đề liên quan đến đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định trên Biển Đông là điều có thể hiểu được. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa kết thúc chuyến thăm Mỹ kéo dài 1 tuần từ 26/4-3/5/2015. Ông Abe không chỉ là Quốc khách, được Nhà trắng đón tiếp với nghi thức trọng thể nhất dành cho một nguyên thủ nước ngoài, mà còn là vị Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đọc diễn văn trước hai viện của Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm hơn cả là việc Mỹ, Nhật công bố bản Định hướng sửa đổi hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật với những sửa đối sâu rộng được đánh giá là “có tính lịch sử”, “chưa từng có”, và là một diễn biến an ninh, quốc phòng quan trọng bậc nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết hồi năm 1973. Từ liên minh song phương trong Chiến tranh lạnh Ông Abe phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong chuyến thăm quan trọng vừa qua. Ảnh: AP Mục tiêu chính của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật trong thời kỳ Chiến tranh lạnh là việc Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho nước Nhật, và để đối lại Mỹ được quyền lập và sử dụng các căn cứ quân sự trên đất Nhật phục vụ cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Á như chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, kiềm chế Liên Xô, ngăn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á và kiềm chế chính cả Nhật nữa. Tuy nhiên, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thì mục đích của liên minh phải thay đổi và điều này dẫn đến sự ra đời của Bản sửa đổi hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật năm 1997. Bản định hướng ban đầu năm 1978 và bản sửa đổi năm 1997 từng bước thể hiện vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản, tuy nhiên vai trò này vẫn chỉ dừng lại ở mức “tự vệ”, chia sẻ trách nhiệm, và bị “giới hạn địa lý” là Nhật chỉ hỗ trợ trong trường hợp quân Mỹ đóng tại Nhật Bản hoặc các vùng phụ cận bị tấn công. Đến liên minh mang tính toàn cầu Bản Định hướng sửa đổi công bố ngày 27/4 vừa qua có rất nhiều nội dung quan trọng, từ việc Nhật Bản sẵn sàng thực thi quyền phòng thủ tập thể, đến mở rộng lĩnh vực hợp tác trong đó nhấn mạnh hai lĩnh vực mới là không gian vũ trụ và không gian mạng, đến việc phối hợp hành động. Điểm đáng chú ý nhất là các giới hạn địa lý được dỡ bỏ, từ nay liên minh Mỹ-Nhật không chỉ tập trung vào việc bảo đảm quốc phòng và an ninh cho Nhật Bản, các khu vực phụ cận, mà mở rộng sự phối hợp an ninh, quốc phòng Nhật-Mỹ trên bình diện khu vực và toàn cầu. Nhật Bản không chỉ hỗ trợ hoạt động quân sự của Mỹ, mà còn hợp tác, phối hợp hành động cùng Mỹ trong trường hợp quốc gia thứ ba bị tấn công. Bản Định hướng sửa đổi này ra đời trong bối cảnh cả Nhật và Mỹ đều hết sức lo ngại về các thay đổi trong môi trường an ninh, chiến lược khu vực, đặc biệt là thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và chính sách quyết đoán của nước này. Ngay trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Abe, Tổng thống Mỹ Obama đã cảnh bảo: “Nếu chúng ta không viết luật chơi mới thì Trung Quốc sẽ viết luật chơi cho khu vực” và nước Mỹ đứng trước nguy cơ rơi vào “quỹ đạo” của Trung Quốc. Bản thân Nhật Bản, nước đang chịu sức ép rất lớn từ Trung Quốc xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ Senkaku/Điếu Ngư, cũng nhận thức rằng không thể dựa mãi vào Mỹ trong việc đảm bảo an ninh của chính mình, mà cần phải tích cực, chủ động trong việc chia sẻ trách nhiệm và các gánh nặng tài chính, nguồn lực và sức mạnh quốc phòng với Mỹ. Để đi đến bản Định hướng sửa đối hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ ngày 27/4 vừa qua, ông Shinzo Abe và nội các theo đường lối “dân tộc chủ nghĩa” đã phải hết sức quyết liệt sau khi lên cầm quyền cuối năm 2012, từ việc tăng ngân sách, hiện đại hóa quốc phòng, nâng cấp lực lượng phòng vệ, diễn giải điều 9 của Hiến pháp liên quan đến quyền phòng thủ tập thể. Dù vẫn còn những tranh cãi nội bộ, nhưng chưa khi nào dư luận Nhật lại có sự nhất trí cao như hiện nay về “chính sách hòa bình tích cực” của Chính quyền Abe, song hành cũng các biện pháp tăng cường sức mạnh quân sự. Cái bắt tay giữa hai nguyên thủ Mỹ - Nhật. Ảnh: AP Một trong các điểm vấn “để mở” và tạo nhiều sự suy đoán về bản Định hướng sửa đổi hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ lần này có bao hàm việc tuần tra giữa hai nước trên Biển Đông hay không. Với tầm quan trọng về chiến lược, an ninh, thương mại, các vấn đề an ninh ở Biển Đông không còn là vấn đề an ninh khu vực, mà đã trở thành vấn đề an ninh toàn cầu. Do đó, với ý nghĩa mới mang tính toàn cầu của liên minh Mỹ-Nhật, sự phối hợp giữa Mỹ và Nhật trong các vấn đề liên quan đến đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định trên Biển Đông là điều có thể hiểu được. Theo đánh giá của giới phân tích chiến lược quốc tế, các hành động tôn tạo đảo trái phép của Trung Quốc và ý đồ sử dụng chúng vào mục đích quân sự đang gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế, do: (i) Căn cứ trên các đảo này có thể giúp Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, khống chế an ninh khu vực, và ở phương diện nào đó là an ninh của Nhật và Mỹ; (ii) Biển Đông và Đông Nam Á là địa bàn then chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ; (iii) Trung Quốc không chỉ tăng sức mạnh hải quân nhanh chóng mà còn chứng tỏ công nghệ vượt trội khi tiến hành các hoạt động tôn tạo, xây dựng trên biển với quy mô và tốc độ “vô tiền khoáng hậu” và cả Mỹ, Nhật, ASEAN và cộng đồng quốc tế hiện chưa có biện pháp đối phó thích hợp. Do đó, khả năng tuần tra đơn phương hay tuần tra chung giữa Mỹ và Nhật Bản trên không phận và vùng biển quốc tế tại Biển Đông là không loại trừ. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain đã bày tỏ hy vọng rằng Quốc hội Nhật trong khóa họp vào đầu tháng 7 sắp tới sẽ thông qua chính sách an ninh mới cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản hoạt động không chỉ ở khu vực Biển Đông, mà còn vươn xa tới tận khu vực Trung Đông. Hãy còn khá sớm để có các phân tích đầy đủ và kỹ lưỡng hơn các tác động thuận và trái chiều đối với an ninh khu vực của liên minh an ninh Mỹ-Nhật sau khi hai nước ký kết bản Định hướng sửa đối hợp tác quốc phòng. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là bất kỳ quốc gia nào tìm cách tạo ra bất ổn, tìm cách thay đổi nguyên trạng trật tự khu vực sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi hành động về bất cứ hệ quả nào có thể xảy ra đối với họ. Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao)
|