Trao đổi thư tín với thính giả (08.05.2015) Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) trò chuyện với nhà báo Ethiopia Simegnish "Lily" Mengesha (phải) và blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (trái) tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 01 tháng 5 năm 2015. AFP photo Cảm xúc của nhiều người Việt trong ngày 30/4/2015 đánh dấu 40 năm cuộc chiến tranh VN kết thúc dường như lắng dịu; trong khi đó bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc trước cuộc diễn binh mừng ngày 30/4 vẫn còn là đề tài gây nhiều tranh luận. Mở đầu chương trình hôm nay, Hòa Ái gửi đến những ý kiến của quý khán thính giả và độc giả về bài diễn văn này: “Một bài viễn văn nghịch ngợm, mâu thuẫn, không ăn khớp và dại dột, không đúng thời, không đúng lúc!” “Đã gọi là Cộng sản thì có bài diễn văn nào hay đâu. Chỉ nói về đảng và bảo vệ đảng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không có đủ kiến thức để viết bài diễn văn như lòng dân mong đợi sao?” “Bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong ngày lễ 30 tháng 4 lẽ ra nên đặt vấn để hòa giải hòa hợp dân tộc vào dịp này để đáp ứng yêu cầu của rất đông người trông đợi. Một điểm nữa là không thấy Thủ tướng đề cập tới vấn đề bảo vệ biển đảo của Việt Nam nhất là phía Trung Quốc họ đang kiến tạo những pháo đài, sân bay quân sự mà những nhà học giả người ta nói là có khả năng Trung Quốc sẽ dần dần tiến tới kiểm soát toàn bộ Biển Đông.” “Nguyễn Tấn Dũng là một Thủ tướng không có hiểu biết. Bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ nói được cách đây 50 năm về trước. Nguyễn Tấn Dũng là một người đã bán nước rồi. Trung cộng đang cướp mà không dám nói ra”. Sau 40 năm, nghe lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì không còn một hy vọng nào cho sự thay đổi của chế độ CSVN. Bài diễn văn này rất lệ thuộc vào chuyến đi Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Trong bài diễn văn ông Thủ tướng có những đoạn rất là gay gắt với Mỹ mà Mỹ thì họ lại đang có mối quan hệ ngoại giao rất tốt với Việt Nam. Năm nay kỷ niệm 20 năm nối lại bang giao Việt- Mỹ. Mỹ còn đã và đang giúp Việt Nam rất nhiều như giáo dục, khoa học thậm chí quân sự nữa”. “Trước sau vẫn coi Mỹ là xâm lược, vậy thì đừng nhận sự giúp đỡ gì của Mỹ, đừng xin xỏ, mua bán gì với Mỹ. Cứ tự phụ coi mình là giỏi, khôn ngoan, vĩ đại thì chẳng làm được trò trống gì”. “Tôi nghĩ đã đến giai đoạn sang trang vì đã 40 năm rồi, người Mỹ người ta không có ý định gì xấu với Việt Nam nữa hết mà người ta lại đang hết lòng muốn giúp đỡ, tại sao lại còn làm ra như thế? Tại sao phải khuếch trương cái thắng lợi ấy làm gì để khoét thêm nỗi đau của những người anh em ruột thịt mình. Bây giờ người ta đã ở xa rồi người ta cũng muốn quay về nhưng mà với thái độ như thế cứ tự ca mình chiến thắng hoài thì làm sao mà hòa hợp được dân tộc.” “Tôi rời Việt Nam khi còn là một cậu bé 15 tuổi, lớn lên và bây giờ trở thành một trung niên sống ở Texas, Hoa Kỳ. Một bài học tôi học được của người Mỹ là ‘Tha thứ và xoá bỏ hận thù’. Có thể chính vì vậy mà đất nước này họ thăng tiến không ngừng. Họ không vùi mình trong hận thù dĩ vãng để vươn mình tới tương lai trước mặt. Sau bốn mươi năm, sao lãnh đạo VN vẫn còn chìm mình trong dĩ vãng và say trong men chiến thắng đã qúa xa? Trong phim có tựa đề ‘Josey Wales’ nói về 2 bên Nam-Bắc Mỹ sau cuộc hậu chiến, một người thám tử miền Bắc nước Mỹ được hỏi ‘anh đi tìm Jose Walse, một người chiến binh miền Nam để làm gì?’, và trả lời rằng ‘để nói với anh Josey Wales là cuộc chiến đã chấm dứt rồi’. Mong rằng các nhà lãnh đạo của VN cũng có đủ bản lĩnh để nói lên câu ‘cuộc chiến tương tàn nồi da xáo thịt đã chấm dứt”. “Một bài diễn văn tệ hại, lạc hậu, diễn tả một sự thoái hoá quá độ của tư duy và tư tưởng! Một bài diễn văn tệ hại nhất của CSVN trong 40 năm qua, đi ngược với trào lưu và xu hướng mới của thế giới trong vấn đề đoàn kết để tiến bộ trong quá trình đi đến dân chủ hoá toàn cầu!”
Ở VN, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son tuyên bố rằng “Việt Nam hiện có 838 cơ quan báo chí, gồm các loại hình báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Thế giới nói rằng chúng ta không tự do báo chí, nhưng chắc chắn chúng ta là một trong những nước rất tự do báo chí. Bởi vì chúng ta có tất cả các loại hình báo chí, dành cho tất cả các lứa tuổi, từ Trung ương tới địa phương, các bộ, ngành. Các nước khác chưa chắc có nhiều đài truyền hình như Việt Nam chúng ta." Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng các ý kiến liên quan: “Tất cả là chỉ nói suông thôi. Làm gì mà có tự do báo chí!” “Mỗi khi nghe các đại diện của nhà cầm quyền nói. Ta cứ nghĩ ngược lại là sẽ có cảm nhận đúng!” “VN có nhiều đài, nhiều báo nhưng chỉ đăng đi đăng lại có một bài ca tụng lãnh đạo và chiến thắng vinh quang”. “Chỉ có những công cụ báo chí để phục vụ cho Đảng CSVN mà thôi, còn những phát biểu rằng VN có tự do báo chỉ là những điều lừa bịp. Trong thực tế thì không có chuyện có tự do báo chí, hầu hết tiếng nói của người dân không biết phản ánh vào đâu. Báo chí chỉ được các tổ chức, cơ quan của nhà nước quản lý và xuất bản mà thôi, điều đó được xác định bằng phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi cho rằng không để cho báo chí tư nhân xuất hiện.” “Ở VN, báo chí được tự do trong chiều hướng đưa tin và bình luận có lợi cho Đảng CSVN và cho chính quyền thì được tự do toàn tập, còn ngược lại thì tự do trong trại giam”. “Đọc gì thì đọc, viết gì thì viết nhưng trái ý của Đảng CSVN là đi tù như chơi chứ không thể đùa được”. “Đúng, ví dụ như báo Người Cao Tuổi, được tự do trong khuôn khổ của Nhà nước, nếu sai thì là tiết lộ bí mật quốc gia”. Ở VN, báo chí được tự do trong chiều hướng đưa tin và bình luận có lợi cho Đảng CSVN và cho chính quyền thì được tự do toàn tập, còn ngược lại thì tự do trong trại giam. “Có đến gần một ngàn tờ báo mà chỉ có một tổng biên tập, đó là một sự lố bịch và dối trá ngang nhiên tồn tại công khai trong rất nhiều năm rồi. Điều đó thể hiện một tư duy hết sức kém về chính sách công, về quản trị đất nước, hay nói chung là về chính trị và luật pháp. Việc quản lý báo chí nên là việc của xã hội dân sự chứ không phải là việc của nhà nước. Ở Việt Nam thừa luật về quản lý và siết chặt tự do nhưng thiếu luật tốt để xã hội vận hành được. Những luật họ dùng hoàn toàn nhằm bảo vệ lợi ích của đảng và của công an thôi.” “Cách hiểu vấn đề tự do của ông Nuyễn Bắc Son đi ngược với thời đại. Ông ta cho rằng ra mắt đầy đủ các loại báo cho mọi giới là tự do, thật là nực cười cho những phát biểu mị dân của cấp lãnh đạo. Chính sách ngu dân của các ông quá hiểm độc”. “Tự do báo chí ư? Dân Việt đang mơ điều đó đấy! “Theo tôi muốn có một nền báo chí tự do thì phải có một thể chế chính trị dân chủ. Không có thể chế dân chủ thì làm sao có được tự do báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình tư nhân được? Như bây giờ báo chí, truyền thanh, truyền hình thì toàn bộ là của Nhà nước.” Trước khi kết thúc chương trình hôm nay, mời quý thính giả vào trang Facebook của Đài Á Châu Tự do tại www.facebook.com/RFAVietnam để đọc bài thơ “Lớn lên mới biết” của tác giả Phero TrungĐiệp. Tác giả chia sẽ những nhận thức khi đã lớn khôn so với những điều được tuyên truyền, nhồi nhét từ khi còn nhỏ ở Việt Nam. Mục “Trả lời Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Kính mong quý khán thính giả cùng độc giả tiếp tục gửi về đài những ý kiến đóng góp cũng như những chia sẻ về các vấn đề quý vị quan tâm. Liên lạc với Ban Việt ngữ qua hộp thư thoại, quý vị vui lòng gọi số 202-530-7775. Ngoài ra, quý vị có thể liên lạc với đài qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org.
|