BLOG - 24/7 Thứ Bẩy, 16/05/2015 - 07:16 (Dân trí) - Theo thông tin từ phía Trung Quốc và xác nhận của ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, từ ngày 16.5, giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trên biển Đông. Trung Quốc yêu cầu tàu thuyền qua lại giữ khoảng cách tối thiểu 2 km với giàn khoan này. Chiếc giàn khoan khổng lồ từng xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tháng 5.2014, gây căng thẳng trong suốt 30 ngày. Cuộc đấu tranh giữa các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan 981 về. Nhưng khó có thể lường được âm mưu của Trung Quốc. Họ đưa giàn khoan đến vì mục đích gì, họ lùi vì mục đích gì. Chỉ có một mục đích rõ nhất là thôn tính biển Đông, chiếc giàn khoan khổng lồ đó chỉ là công cụ nho nhỏ của Trung Quốc mà thôi. Đã từng có nhận định rằng, Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông làm kế nghi binh, xâm phạm lãnh hải của Việt Nam để thu hút sự chú ý của Việt Nam và quốc tế, để đẩy nhanh việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các bãi đá ở Trường Sa. Nhận định đó ngày càng thuyết phục, khi việc xây dựng của Trung Quốc trên Trường Sa đã được người Mỹ gọi là “Vạn lý Trường Thành bằng cát”. Và cũng chính người Mỹ, trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Daniel Rusel khẳng định: “Dù có đổ bao nhiêu cát lên bãi đá ngầm ở biển Đông, cũng không thể tạo nên chủ quyền”. Một nhận định quá sắc sảo và xác đáng, bởi vì trên thực tế, Trung Quốc không thể xác định được địa vị pháp lý của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ chỉ nói lấy được. Họ xây dựng căn cứ quân sự để thực hiện mưu đồ bá chủ biển Đông, nhưng họ quên rằng, thế giới này không thể để cho một nước tự thiết lập trật tự theo quy luật riêng dựa trên tham vọng bá chủ của mình. Chà đạp luật pháp quốc tế, coi thường dư luận thế giới, Trung Quốc vẫn cứ xây dựng “trường thành” và nay đã điều giàn khoan Hải Dương 981 trở lại biển Đông. Chiếc giàn khoan này đang đe dọa sự bình yên, nó có thể gây sóng gió như nó đã từng làm. Người Mỹ đã lên tiếng và có hành động cứng rắn trước những động thái của Trung Quốc ở Trường Sa, nhưng sông núi nước Nam thì dân nước Nam phải giữ. Giữ bằng cách nào? Có phải là những cuộc rượt đuổi như trước? Trung Quốc chắc chắn không sử dụng lại kịch bản cũ. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, theo ông Ngô Ngọc Thu, “đang theo dõi chặt chẽ giàn khoan Hải Dương-981 và đã có những hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra trên biển”. Hãy lường trước cả những tình huống nguy hiểm nhất!
|