Thế giớiChủ Nhật, 17/05/2015 - 07:48 Dân trí Khi tuần tra gần quần đảo Trường Sa và bị tàu Trung Quốc đeo bám, chiến hạm USS Fort Worth của Mỹ đã triển khai các máy bay theo dõi bầu trời Biển Đông. Lần tuần tra này chứng minh Mỹ hoàn toàn có khả năng ngăn chặn Trung Quốc nếu nước này lập ADIZ trên Biển Đông. Tàu USS Fort Worth tuần tra gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bị tàu Trung Quốc theo sau. (Ảnh: US Navy) Thông báo mới nhất của Hải quân mỹ cho biết khi tàu USS Fort Worth, một trong những chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đông hồi tuần trước, tàu này đã triển khai một máy bay trinh sát không người lái và một trực thăng Seahawk giám sát không phận Biển Đông từ trên cao. Hải quân Mỹ sau đó thông báo tàu tác chiến ven biển USS Forth Worth (LCS-3) được điều động từ một căn cứ của lực lượng này tại Singapore, thực hiện nhiệm vụ tuần tra 7 ngày tại vùng biển và không phận quốc tế ở Biển Đông, gần khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phía hải quân Mỹ không nhắc đến việc Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp và cải tạo đảo tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và việc Bắc Kinh từng tuyên bố không loại trừ khả năng thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ ) trên Biển Đông. Tuy nhiên, nhiệm vụ tuần tra của tàu USS Forth Worth đã chứng minh khả năng của Mỹ trong trường hợp Bắc Kinh lập ADIZ tại khu vực này. Một quan chức Mỹ nhận định: “…Chúng tôi tin rằng cuối cùng Trung Quốc cũng sẽ tuyên bố một ADIZ trên Biển Đông, chỉ có điều không biết là khi nào…”. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel mới đây bày tỏ quan ngại sâu sắc trước hành động xây đắp đảo phi pháp của Trung Quốc. Ông khẳng định : “Dù Trung Quốc có đổ bao nhiêu cát lên một rạn san hô ở Biển Đông thì cũng không tạo ra được chủ quyền tại đó". Mỹ cũng từng chỉ trích rằng Trung Quốc đang âm mưu xây một "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" trên Biển Đông. Theo ước tính của Mỹ, Trung Quốc đã mở rộng bồi đắp các đảo nhân tạo mà nước này đang kiểm soát trái phép ở Trường Sa lên tới 8km2, so với mức chỉ 2km2 trong năm ngoái. Tháng trước, các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc thậm chí còn xây đường băng phi pháp trên một đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đường băng này đủ dài để đón các máy bay chiến đấu và máy bay do thám của Trung Quốc, tạo một căn cứ quân sự trên Biển Đông cho Bắc Kinh. Mỹ hiện đang quan ngại sâu sắc rằng một khi Trung Quốc hoàn thành hoạt động xây đắp phi pháp trên 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nước này sẽ áp đặt các hạn chế đối với giao thông đường biển và đường không trên Biển Đông. Đây cũng được cho là một nội dung chính trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi đến thăm Trung Quốc trong những ngày này. Tuần trước, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này đang cân nhắc kế hoạch gửi máy bay, tàu chiến đến Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang xây dựng trái phép. Hiện tại Biển Đông, xung đột Trung-Mỹ đang trở nên rõ ràng. Trong tuyên bố mới nhất, Hải quân Mỹ cũng cho hay tàu USS Fort Worth, con tàu có khả năng săn tàu ngầm và tàu tấn công đổ bộ, đã “đối đầu với nhiều chiến hạm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong chuyến tuần tra”. Tuy nhiên, báo cáo không đi vào chi tiết. “Các lần gặp mặt giữa tàu Trung Quốc và tàu của chúng tôi được xử lý theo Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES). Các quy tắc này đã giúp giải quyết xung đột và ngăn chặn các hiểu nhầm giữa hai bên”, Chỉ huy Matt Kawas của tàu USS Fort Worth, thông báo. Thoa Phạm
|