Chủ Nhật, 17/05/2015 - 08:00 Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế UNCLOS. Với khả năng của một quốc gia có nền kinh tế thứ 2 thế giới, Trung Quốc bất chấp DOC, UNCLOS ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa để tạo ra những căn cứ quân sự, sẵn sàng lập ADIZ trên Biển Đông…hòng khống chế Biển Đông, tuyến hàng hải quốc tế. Dù đó có thể là một “Vạn lý trường thành bằng cát trên biển” hay gì đi nữa thì hành động đó của Trung Quốc là vô cùng nguy hiểm cho an ninh khu vực và an toàn hàng hải thế giới. Đương nhiên, hành động này đã xâm phạm đến lợi ích quốc gia của Mỹ và đặc biệt là của Nhật Bản và buộc Nhật Bản và Mỹ phải thay đổi “tư thế quân sự”. Rõ ràng, hành động quân sự của Trung Quốc ảnh hưởng đến an ninh Nhật không phải đến từ Senkaku mà từ Biển Đông mới là mối nguy hiểm lớn. Mất Senkaku, Nhật Bản chỉ mất một hòn đảo nhưng với Biển Đông, yết hầu của nền kinh tế mang tính “quốc đảo” bị Trung Quốc khống chế thì khác hoàn toàn. Với Mỹ, Biển Đông không chỉ là một tuyến hàng hải quốc tế như eo biển Hocmuz hay kênh đào Xue mà Biển Đông là khu vực địa chính trị cực kỳ quan trọng tại Đông Nam châu Á trong chiến lược xoay trục sang châu Á-TBD của Mỹ. Nước Mỹ phải đối phó nguy hiểm với một vị trí xuất phát tấn công có lợi của Trung Quốc trên Tây TBD và chiến lược bao vây, kiềm chế Trung Quốc bị phá sản. Tàu khu trục USS Sampson và USS Pinkney của hải quân Mỹ trên biển Đông Sự thay đổi lớn đường lối quốc phòng của Nhật Bản trong và sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đi đến một điểm kết là Mỹ-Nhật cùng nhau tuần tra chung trên Biển Đông, hiểu nôm na là Nhật Bản và Mỹ sẵn sàng tác chiến hỗ trợ nhau trên Biển Đông nếu tình huống xung đột quân sự xảy ra. Như vậy, hiện nay trên Biển Đông có 2 mâu thuẫn lớn xảy ra. Một là mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Mỹ-Nhật Bản và mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trong đó có Việt Nam. Một bất ngờ lớn xảy ra khi những nước có tính an bài nhất trên khu vực như Singapo, Indonesia và Malaysia lại đang tổ chức tuần tra chung trên Biển Đông. Đây là một thông điệp nhưng cũng là một phản xạ có điều kiện trước mối nguy hiểm bởi hành động quyết tâm, bất chấp của Trung Quốc để chiếm trọn Biển Đông. Với Việt Nam, việc quốc tế hóa Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế UNCLOS là sách lược của Việt Nam trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo là một trong những nội dung giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình hiệu quả nhất. Việc Trung Quốc mở rộng những đảo, bãi cạn mà họ chiếm đoạt của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh Việt Nam. Về đối nội, Việt Nam đương nhiên, không ngồi nhìn mà hành động bằng mọi cách để bảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo ra sức mạnh răn đe lớn. Sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất khi Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông. Về đối ngoại, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ những hành động chống Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông của Mỹ và Nhật Bản, sẵn sàng chấp nhận những sự giúp đỡ quý báu về tinh thần, vật chất phương tiện để bảo vệ an ninh hàng hải và chủ quyền biển đảo của các nước lớn có lợi ích quốc gia ở Biển Đông nhưng sẽ không làm phức tạp thêm tình hình. Việt Nam đủ tỉnh táo, cảnh giác để làm chủ tình hình tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo Lê Ngọc Thống
|