Thứ bảy, 23/5/2015 | 21:58 GMT+7 Lần đầu tiên phá hủy một tàu cá Trung Quốc sau 6 năm bắt giữ, Indonesia dường như muốn gửi thông điệp sẽ không nhân nhượng nếu quá trình bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông gây hại đến quyền lợi của nước này. Hai tàu cá Thái Lan bị Indonesia đánh chìm. Ảnh: Bangkok Post Nhưng đây là lần đầu tiên Indonesia thực thi hành động cứng rắn với một tàu cá Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joko Widodo tuyên bố sẽ xử lý mạnh tay với các tàu đánh cá nước ngoài bất hơp pháp hồi tháng 12/2014. Thực tế này khiến giới chuyên gia phải đặt câu hỏi về nguyên nhân sâu xa của vấn đề cũng như phản ứng của Bắc Kinh sẽ là gì. Chính sách gây tranh cãi Tính hợp pháp của chính sách "đánh chìm tàu" mà Indonesia đang thực hiện tới nay vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Bộ máy cố vấn của Tổng thống Widodo khẳng định Indonesia buộc phải "đánh chìm tàu" để bảo vệ lợi ích của mình và chính sách trên hoàn toàn phù hợp với luật pháp Indonesia cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Bộ trưởng điều phối các vấn đề biển Indroyono Soesilo nhấn mạnh cơ sở pháp lý liên quan đến chính sách này nằm ở Điều 69, khoản 4, Luật số 45 năm 2009 về đánh bắt thủy sản của Indonesia. Theo đó, khi cơ quan chức năng nắm bằng chứng sơ bộ, chính phủ có thể đốt cháy hoặc đánh chìm tàu thuyền nước ngoài bị nghi ngờ đánh bắt bất hợp pháp trong khu vực quản lý đánh cá của Indonesia. Tuy nhiên, luật này lại không phân định rõ khu vực trên có phạm vi tới đâu. Điểm thiếu sót này có thể gây ra xung đột về pháp lý với UNCLOS, vốn phân chia biển thành các khu vực và mỗi khu vực được thừa nhận các quyền tương ứng. Vấn đề phát sinh khi hoạt động đánh cá bị cáo buộc bất hợp pháp của tàu nước ngoài diễn ra trong những khu vực quyền chủ quyền, ví dụ như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), của Indonesia. Điều 73 của UNCLOS quy định nhiều biện pháp có thể áp dụng để thực thi pháp luật và quy định của các quốc gia ven biển trong vùng EEZ nhưng trong đó không bao gồm đánh đắm tàu. Thêm vào đó, điều gây trở ngại cho Indonesia trong việc thực hiện chính sách chống đánh bắt cá trái phép là họ phải thực thi nghĩa vụ phóng thích người và phương tiện ngay lập tức được quy định tại khoản 2, Điều 73 của UNCLOS. Nhưng các nhà phê bình cho rằng vấn đề không phụ thuộc nhiều ở việc chính sách này có hợp pháp hay không mà nằm ở tính hợp lý của nó. Indonesia là một trong những nước dẫn đầu trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vì vậy việc thực thi chính sách "đánh chìm tàu " có nguy cơ gây rạn nứt trong khu vực. Hành động quyết đoán này khiến các nước ASEAN phải nâng cao cảnh giác hơn trước. Nguyên nhân sâu xa Quan chức chính phủ nói lý do Indonesia đánh đắm tàu cá Trung Quốc không có gì đặc biệt. Cũng giống như tàu các nước khác, kế hoạch được lên phương án từ trước và hoàn toàn phù hợp với những thủ tục tố tụng. Lời giải thích trên chưa thể khiến giới quan sát thỏa mãn. Theo Diplomat, nó không lý giải được sự khác biệt trong cách thức các tàu cá bị đánh chìm cũng như thái độ thận trọng của Indonesia đối với Trung Quốc nếu so sánh với các quốc gia khác. Indonesia đã đánh chìm tàu cá của Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan và Việt Nam với thời gian tiến hành thủ tục nhanh hơn và thực hiện liên tục nhiều tháng qua nhưng lại trì hoãn hành động đối với Trung Quốc, dù Jakarta từng tuyên bố không ngại việc phải phá hủy tàu cá Bắc Kinh. Ngay cả khi thực sự đánh chìm tàu Trung Quốc thì việc xếp chung nó với hơn 40 tàu khác mà không xếp riêng hay cho vào một nhóm nhỏ hơn cũng cho thấy Indonesia có lẽ đã nhận thức rõ ràng những nguy cơ có thể gặp phải nếu quá mạnh tay và đang tìm cách giảm thiểu rủi ro. Đến nay, bình luận công khai duy nhất của Trung Quốc được đưa ra bởi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi. Ông cho hay Bắc Kinh "quan ngại sâu sắc" và yêu cầu Indonesia làm rõ thông tin về việc đánh chìm tàu cá Trung Quốc. Mặc dù nguy cơ vụ việc lần này vượt khỏi tầm kiểm soát có tồn tại nhưng kịch bản dễ xảy đến nhất vẫn là Bắc Kinh và Jakarta sẽ giải quyết mọi khúc mắc bằng con đường ngoại giao, theo Diplomat. Giống như cách đây 6 năm, khi Indonesia bắt giữ 8 tàu cá Trung Quốc, dù những cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra nhưng cuối cùng hai nước cũng thống nhất được một thỏa thuận làm hài lòng tất cả các bên: 75 ngư dân bị bắt được trả tự do. Mặt khác, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước hiện bền chặt hơn trước. Từ năm 2005, khi chỉ là đối tác chiến lược, đến năm 2013, khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện, giá trị trao đổi thương mại giữa Indonesia và Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, lên mức 66 tỷ USD, đầu tư tăng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, theo bình luận viên Prashanth Parameswaran, với việc quyết định phá hủy tàu Trung Quốc, Jakarta dường như đang phát đi tín hiệu rằng họ không những sẵn sàng áp dụng chính sách "đánh chìm tàu" mà còn muốn kiên quyết hơn nữa trong việc ngăn chặn hành vi đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước này. Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia, cho biết Jakarta đã cân nhắc cả việc bắn chìm tàu đánh cá phi pháp "ngay tại chỗ", chỉ cần giấy phép của tòa án thay vì chờ đợi hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Ngoài ra, thời điểm cũng như tàu Indonesia chọn để phá hủy cũng là chi tiết gợi nhiều nghi vấn. Jakarta Post đưa tin tàu Gui Xie Yu 1266 bị bắt giữ ngày 20/6/2009 khi đang đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia trên Biển Đông. Sự việc Gui Xie Yu 12661 bị bắt cùng 7 tàu khác và 75 ngư dân khi đó đẩy căng thẳng giữa hai nước lên cực điểm. Đặt trong bối cảnh chính quyền Indonesia luôn nhạy cảm trước vấn đề chủ quyền cũng như mối lo ngại ngày càng tăng ở Jakarta về yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, giới phân tích nhận định hành động lần này còn mang hàm ý rằng Indonesia sẽ không nhân nhượng nếu quá trình bành trướng của Trung Quốc gây hại đến quyền lợi của nước này. Dù là các đối tác chiến lược toàn diện của nhau, nhưng điều này không có nghĩa Jakarta hoàn toàn tin tưởng Bắc Kinh. Việc yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc xâm phạm đến vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia vẫn khiến các chính trị gia nước này phải bận tâm. Hồi tháng 3 năm nay, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức tháng 10/2014, Tổng thống Indonesia Widodo tuyên bố "đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố không có cơ sở trong bất kỳ luật quốc tế nào". Indonesia cũng tỏ rõ mong muốn tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, nhất là tăng tập trận, ở Biển Đông. Hải quân Indonesian và Mỹ đã tiến hành bay tuần tra chung trên Biển Đông. Nước này cũng có kế hoạch triển khai một số tàu ngầm mới mua của Hàn Quốc và trực thăng vũ trang Apache tới gần các quần đảo mà họ cho rằng dễ bị Trung Quốc xâm phạm. Dựa vào những điều trên, không hề có sự ngẫu nhiên trong vụ Indonesia đánh chìm tàu cá của Trung Quốc, Diplomat nhận định. Vị trí quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông. Đồ họa: Google Maps
|