Đông Nam Á củng cố hải quân trước căng thẳng Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ ba, 26/5/2015 | 14:15 GMT+7
    Đông Nam Á củng cố hải quân trước căng thẳng Biển Đông

    Các nước Đông Nam Á đang ưu tiên củng cố sức mạnh của hải quân và tuần duyên, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.


    Một tàu tuần tra (trái) và tàu tuần duyên của Singapore di chuyển gần nơi tổ chức IMDEX châu Á 2015. Ảnh: Reuters
    Chi tiêu quốc phòng hàng năm ở khu vực Đông Nam Á dự báo sẽ đạt mức 52 tỷ USD đến năm 2020, từ mức dự kiến ​​42 tỷ USD năm nay, theo IHS Janes Defence Weekly.

    10 quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ chi 58 tỷ USD vào thiết bị quân sự mới trong vòng 5 năm tới, trong đó việc thu mua thiết bị hải quân sẽ chiếm phần nhiều. Phần lớn thiết bị này có khả năng được sử dụng tại và xung quanh Biển Đông, nơi Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo, khiến một số nước châu Á lo ngại và làm dấy lên căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

    "Khi sức mạnh trên biển của các nước được cải tiến, thì phạm vi và mức độ nguy hiểm của lực lượng tấn công Đông Nam Á cũng sẽ gia tăng", Tim Huxley, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở châu Á nói. "Nếu có đối đầu và leo thang căng thẳng, thì mức độ xung đột có thể sẽ ác liệt hơn".

    Sự quan tâm của các nước với sức mạnh hải quân được thể hiện rõ ràng tại Triển lãm Phòng thủ Trên biển Quốc tế (IMDEX) châu Á, được tổ chức ở Singapore, nơi các tham mưu hải quân và quan chức phụ trách thu mua quốc phòng trong khu vực gặp gỡ nhà thầu đến từ Mỹ, châu Âu, Israel và các vùng khác ở châu Á.

    Mô hình thử nghiệm tàu ngầm, tàu chiến, tuần tra, đổ bộ cũng như máy bay trinh sát và không người lái tối tân đã được trưng bày trong sự kiện.

    "Tôi không có lúc nào rảnh. Không ít quan chức cấp cao đến thăm gian hàng của chúng tôi và rất quan tâm đến sản phẩm chúng tôi cung cấp", giám đốc điều hành một nhà thầu quốc phòng lớn của châu Âu cho biết.

    Củng cố lực lượng

    Tuy muốn nâng cao sức mạnh hải quân, ngân sách của các quốc gia Đông Nam Á còn khá hạn hẹp, ngoại trừ Singapore. "Nhân viên quân sự được yêu cầu sửa chữa và tiếp tục sử dụng những thiết bị đáng nhẽ nên được thay thế từ nhiều thập kỷ trước", một quan chức giấu tên nói bên lề IMDEX.

    Một nguồn tin từ quân đội Indonesia cho biết chính quyền mới của Tổng thống Joko Widodo đang tập trung vào việc phòng thủ trên biển, nhưng việc củng cố lực lượng sẽ mất nhiều thời gian.

    Các nước Đông Nam Á đã có những động thái có tính toán, để giúp hải quân hoạt động hiệu quả hơn trong các vùng ven biển. Sau khi Singapore cùng nhà thầu hải quân Pháp DCNS đóng 6 tàu khu trục lớp Formidable, các nước khác cũng làm theo, ông Richard Bitzinger, một chuyên gia an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore nói.

    Malaysia đặt mua 6 tàu hộ tống trị giá khoảng 2,5 tỷ USD từ DCNS. Indonesia, Việt Nam và Thái Lan cũng đang đàm phán với các nhà cung cấp từ Nga và châu Âu.

    Việt Nam đặt hàng 6 tàu ngầm tấn công Kilo của Nga và đã nhận được 3 chiếc. Singapore, nước có 4 tàu ngầm cũ, đã đặt hàng thêm hai chiếc từ ThyssenKrupp Marine Systems của Đức. Indonesia cũng đặt hàng ba chiếc từ công ty đóng tàu Daewoo, Hàn Quốc.

    "Sự phát triển của lực lượng tàu ngầm cho thấy hải quân các nước đang cảnh giác trước việc phô diễn sức mạnh hàng hải trong khu vực", Rukmani Gupta, nhà phân tích cấp cao tại IHS Janes nói.

    Tàu đổ bộ cũng đang là thiết bị thịnh hành. Loại tàu này có thể chở xe tăng, máy bay trực thăng, quân đội, thực hiện sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ. ST Engineering của Singapore đang đóng 4 tàu lớp Endurance cho hải quân nước này và một chiếc cho Thái Lan, trong khi Indonesia và Philippines đang xem xét việc bổ sung các tàu tương tự vào hạm đội của mình.

    "Các tàu đa mục đích có thể được sử dụng trong nhiều nhiệm vụ. Vì vậy, những tàu này là lựa chọn lý tưởng cho hải quân Đông Nam Á, nơi có ngân sách nhỏ nhưng lại có nhiều nhu cầu", Huxley nói.

    Philippines hy vọng đến cuối năm sẽ nhận được 10 tàu bảo vệ bờ biển đầu tiên từ Nhật Bản. Tokyo cũng đang cung cấp tàu tuần tra cũ cho Việt Nam. Các nước cũng quan tâm đến máy bay cánh cố định, trực thăng và máy bay không người lái (UAV) để cải thiện khả năng tuần tra trên biển.

    Đầu năm nay, tại một hội chợ quốc phòng Malaysia, Boeing đã giới thiệu máy bay trinh sát trên biển, có radar và cảm biến giống như P-8 Poseidon, máy bay trinh sát hiện đại nhất Mỹ đang sử dụng, nhưng không có khả năng chống ngầm.

    "Khi lực lượng hải quân Đông Nam Á tăng cường khả năng chiến đấu thì bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai ở khu vực cũng có thể đến nhanh hơn, ác liệt và nguy hiểm hơn, và vì vậy, có mức tàn phá cao hơn", Bitzinger viết.

    Phương Vũ (Theo Reuters)


    Posted by VnExpress.net on May 26, 2015 at 05:49:35:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]