Sự quyết đoán của Mỹ trong vấn đề Biển Đông tại diễn đàn an ninh châu Á

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ bảy, 30/5/2015 | 16:37 GMT+7
    Sự quyết đoán của Mỹ trong vấn đề Biển Đông tại diễn đàn an ninh châu Á

    Với bài phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã chứng tỏ sự quyết đoán của Washington trong vấn đề an ninh Biển Đông, với giọng điệu không cần căng thẳng quá mức.
    Thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị dỡ lệnh cấm vũ khí với Việt Nam / Mỹ: Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông làm xói mòn an ninh

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu trong phiên đầu tiên của Đối thoại Shangri-La 2015. Ảnh: AFP
    Carter đã dùng bài phát biểu của mình tại diễn đàn an ninh quan trọng nhất châu Á Thái Bình Dương Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm nay để khắc họa Trung Quốc là mối đe dọa đối với cân bằng khu vực, mà theo ông sự cân bằng này đã mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến hoạt động cải tạo, bồi đắp không ngừng, quy mô lớn của Trung Quốc ở các bãi đá ngầm trên Biển Đông.

    "Trung Quốc đang lạc bước với những quy tắc và chuẩn mực quốc tế vốn tăng cường kiến trúc an ninh của châu Á - Thái Bình Dương và sự đồng thuận trong khu vực về việc sử dụng ngoại giao, phản đối bắt nạt", ông Carter phát biểu.

    Bộ trưởng Carter nhấn mạnh tuyên bố của Mỹ với Thái Bình Dương, rằng "Mỹ có mọi quyền tham gia và quan tâm" về tình hình khu vực. Bài phát biểu còn lặp lại bình luận ông đưa ra tuần trước tại Hawaii, theo đó "Mỹ sẽ tiếp tục bay, điều tàu thuyền và hoạt động ở mọi nơi luật quốc tế cho phép".

    Theo Defence News, đây rõ ràng là một phát bắn thẳng vào Trung Quốc, quốc gia cho rằng vùng đất cải tạo trên các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền lãnh thổ của nước này, bất chấp luật quốc tế.

    "Tất cả các quốc gia có quyền tự do hàng hải và hàng không để thương mại toàn cầu không bị cản trở", Bộ trưởng Carter nói. "Và tất cả các quốc gia phải được lựa chọn quyết định kinh tế và an ninh của riêng họ mà không bị cưỡng chế. Đây là quyền của mọi quốc gia. Chúng không trừu tượng hay thay đổi theo ý tưởng bất chợt của một quốc gia. Chúng cũng không phải đặc quyền mà một quốc gia có thể cấp hoặc thu hồi".

    Ngoài chỉ trích Trung Quốc, ông Carter nêu bật những nỗ lực nhân đạo và kinh tế đã giúp các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần nhau thời gian gần đây. Bài phát biểu cũng nhắc đến tầm quan trọng trong duy trì liên lạc và hợp tác quân đội - quân đội với Trung Quốc.

    "Đó là cách chúng ta đạt được tương lai với một kiến trúc an ninh mạnh hơn", ông nói. "Tương lai nơi mọi người tiếp tục trỗi dậy".

    Carter, cũng như chính quyền Tổng thống Barack Obama, đang tìm cách duy trì thăng bằng với Trung Quốc. Một mặt, họ muốn trấn an những đối tác trong khu vực và khẳng định vị thế của Mỹ là cường quốc ở Thái Bình Dương. Mặt khác, họ không muốn dồn ép Trung Quốc quá mức và khiến căng thẳng leo thang.

    Cây bút Rory Medcalf của Lowy Interpreter cho rằng bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tại Đối thoại Shangri-La "mạnh mẽ mà hợp lý", chứng tỏ quyết đoán của Mỹ trong vấn đề an ninh Biển Đông, với giọng điệu không cần căng thẳng quá mức.

    Trong những ngày qua báo chí đã dự đoán về một cảnh tượng căng thẳng khi các bộ trưởng quốc phòng, các chuyên gia khắp châu Á Thái Bình Dương nhóm họp tại Singapore. Sự quan tâm tập trung ở hoạt động xây đảo gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như dấu hiệu quyết đoán ngày càng rõ của Mỹ và các nước khác trước hành động của Trung Quốc.

    Medcalf chỉ ra những sự kiện vài ngày trước đã tạo "tiền đề" cho "sự mạnh mẽ và hợp lý" của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Ví dụ, lực lượng Mỹ đã lần đầu tiên cho phép kênh truyền hình CNN tham gia vào chuyến bay trinh sát trên các đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi đắp ở Biển Đông, nơi hải quân Trung Quốc đã 8 lần xua máy bay Mỹ ra khỏi "khu vực quân sự" của nước này.

    Bài phát biểu ở Shangri-La cũng không "kích động căng thẳng" mà "sự thể hiện quyết đoán của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông gắn với sự tham gia của nước này với lợi ích rộng lớn hơn của khu vực, trong sự ổn định và thịnh vượng chung", Medcalf đánh giá.

    Ngoại trưởng Carter nhấn mạnh một châu Á ổn định là nơi "mọi người cùng tiến lên, mọi người cùng thắng". Ông nhắc đến Nhật, Ấn Độ, và các cường quốc nhỏ hơn, với quyền và lợi ích cần được bảo vệ. Ông cũng ca ngợi những diễn đàn với ASEAN là trung tâm như Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng.

    Trong cuộc trao đổi giữa các đại biểu sau bài phát biểu của Carter, Đại tá Cấp cao Zhao, đại diện từ Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc, cho rằng hành động của Trung Quốc là "hợp pháp, hợp lý và khu vực hòa bình, ổn định trong suốt nhiều thập niên qua là nhờ Bắc Kinh kiềm chế". Người này còn hỏi ngược lại rằng những "chỉ trích thậm tệ" từ Mỹ sẽ "giúp giải quyết tranh chấp" trên Biển Đông như thế nào.

    Ông Carter vẫn nhấn mạnh hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc là "chưa từng có" và kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền ngừng cải tạo đất, dừng quân sự hóa các đảo. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp tục nhắc lại quan điểm trong chính sách của Mỹ. Mỹ đã thực hiện các chuyến bay và hoạt động trên Biển Đông suốt nhiều thập kỷ, "và chúng tôi không có ý thay đổi nó", ông nói.

    Medcalf chỉ ra có ba điều được thấy đồng thời khi nhìn vào ngoại giao Mỹ - Trung quanh vấn đề Biển Đông và ở Đối thoại Shangri-La. "Đầu tiên, người Mỹ và người Trung Quốc đều tìm cách để tỏ rõ quyết tâm. Thứ hai, họ tìm kiếm cách thức hạn chế hoặc giới hạn bất kỳ xung đột nào - không bên nào thực sự muốn có một sự cố trên biển hay trên không leo thang. Nhưng thứ ba, họ cũng đang tìm cách để chứng minh rằng phía bên kia chính là nguyên nhân sâu xa cho bất kỳ cuộc đối đầu nào", Medcalf nhận định.

    Như Tâm - Vũ Hà


    Posted by VnExpress.net on May 30, 2015 at 06:23:56:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]