Thứ hai, 1/6/2015 | 15:07 GMT+7 Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter sáng nay ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, trái, và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh sau khi ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ tại Hà Nội. Ảnh: Reuters "Bản Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng nhằm tăng cường hữu nghị, hiểu biết, xây dựng lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần giữ gìn hoà bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương, với nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế, luật pháp của mỗi nước và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không làm phương hại đến an ninh của nước khác", Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định. Ông Carter cho hay, theo sau quyết định của Mỹ năm ngoái cho phép dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, hai nước đã cam kết đẩy mạnh thương mại, quốc phòng. Mỹ sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, đào tạo nhân viên cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho Việt Nam một số trang bị cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển, hợp tác về lĩnh vực quân y, cũng như tham vấn cơ chế quốc phòng giữa các nước ASEAN, ASEAN mở rộng Chuyến thăm Việt Nam của ông Carter diễn ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995 - 2015). "Tất cả những việc này khó có thể tưởng tượng được cách đây 20 năm. Với chuyến thăm ngày hôm qua đến Hải Phòng, tôi là Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu tiên đến thăm một căn cứ quân sự của Việt Nam cũng như lên thăm một con tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Những điều này cho thấy một hướng đi tích cực và tiếp nối về mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh biển", Bộ trưởng Ashton Carter chia sẻ. Ông Carter cho biết thêm Mỹ sẽ cung cấp một gói 18 triệu USD cho Cảnh sát biển Việt Nam để mua sắm một số tàu tuần tra. Mỹ cũng đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển trung tâm huấn luyện gìn giữ hoà bình cho quân đội Việt Nam. "Mỹ cam kết ủng hộ một đất nước Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng, tôn trọng quyền con người và quy định của luật pháp. Chúng ta nhất thiết phải làm việc cùng nhau để đảm bảo duy trì hoà bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, để tất cả các nước trong khu vực cùng được hưởng lợi, bao gồm cả Việt Nam và Mỹ, thật nhiều và thật lâu nữa", ông Carter khẳng định. "Mỹ sẽ vẫn bay, sẽ vẫn căng buồm" ở Biển Đông "Mỹ cùng có mối quan tâm về tự do hàng hải, về giải pháp hòa bình ở Biển Đông, như các nước châu Á và các nước trên thế giới. Do đó Mỹ sẽ làm hai điều. Thứ nhất, không hoạt động của bất cứ bên nào làm thay đổi được hoạt động của Mỹ. Chúng tôi sẽ vẫn bay, vẫn căng buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Thứ hai, Mỹ kêu gọi giải pháp đa phương và hòa bình, sát với đề xuất của chúng tôi là các nước liên quan dừng vĩnh viễn hoạt động cải tạo hoặc quân sự hóa ở Biển Đông", ông Carter nói. Theo Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Washington phản đối hành động quân sự hóa và hoạt động tạo nên căng thẳng ở Biển Đông. Mỹ ủng hộ việc đàm phán của ASEAN và các nước liên quan đến tranh chấp và đã thảo luận điều này với các quan chức Việt Nam cùng các nước trong khu vực tại Đối thoại an ninh Shangri-La cuối tuần qua. Washington mong muốn tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, vì an ninh và thịnh vượng cho các nước ở khu vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tái khẳng định quan điểm của Việt Nam rằng luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không mở rộng tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình. Ông Thanh cho hay các nước ASEAN sẽ nỗ lực cùng Trung Quốc để sớm có Bộ Quy tắc ứng xử (COC). "Việt Nam vừa qua củng cố các đảo thuộc chủ quyền của mình. Việt Nam hiện nay đóng quân ở 9 đảo nổi và 12 đảo chìm. Ở các đảo nổi, chúng tôi chỉ kè lại xung quanh để tránh sóng, đảm bảo cho người dân và các lực lượng đóng quân trên đảo có cuộc sống an toàn. Ở các đảo chìm chúng tôi chỉ xây dựng các nhà nhỏ, ở ít người và không mở rộng ra. Tính chất quy mô của chúng tôi hoàn toàn là dân sự", Bộ trưởng Thanh lý giải hoạt động cải tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Phùng Quang Thanh cũng bày tỏ mong muốn sắp tới Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. "Hai nước bây giờ là bạn bè, là đối tác toàn diện, làm vậy sẽ thể hiện sự tin cậy lẫn nhau, phù hợp với lợi ích cả hai nước", ông nói. Về các trang thiết bị, Bộ trưởng Thanh cho hay Việt Nam không chỉ đề nghị riêng với Mỹ, mà ông cũng trao đổi với đại diện các nước tại Shangri -la vừa qua, 18 nước thuộc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), ASEAN + 1, tức ASEAN và Trung Quốc. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam mới được thành lập hơn 15 năm, rất cần các nước chia sẻ về kinh nghiệm, đào tạo cũng như hỗ trợ trang thiết bị. "Việt Nam hoan nghênh các nước hỗ trợ các loại tàu tuần tra để thực thi luật pháp trên biển và bảo vệ ngư dân, tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam", ông Thanh nói. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã trao hai kỷ vật thời chiến tranh gồm một cuốn nhật ký và một dây thắt lưng của một người lính Việt Nam cho ông Phùng Quang Thanh. Ông Carter mong rằng những kỷ vật này sẽ được trao về cho các thành viên trong gia đình người lính Việt Nam. "Mỹ sẽ tiếp tục hàn gắn lại những vết thương của quá khứ", ông nói. Lễ đón chính thức Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter được tổ chức tại trụ sở Bộ Quốc phòng. Ảnh: Hoàng Thùy Posted by VnExpress.net on June 01, 2015 at 11:32:21:
|