TUANVIETNAM ›› Khác với tất cả các Đối thoại trước đây, Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 từ 29-31/5 khiến cả thế giới quan tâm vì chưa bao giờ họ được chứng kiến cuộc đấu trí, đấu khẩu và những pha “dàn trận” chiến lược như tại cuộc họp thượng đỉnh an ninh toàn cầu như lần này. Cuộc chiến cân não Gọi Shangri-La là Hội nghị thượng đỉnh an ninh toàn cầu kể cũng không sai, vì đây là diễn đàn Kênh I tập hợp các Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo quân đội của 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và một số cường quốc châu Âu quan trọng như Nga, Anh, Pháp, Đức. Thông thường, các cuộc họp như Shangri-La bàn đến tất các các câu chuyện liên quan đến an ninh, như các điểm nóng, an ninh truyền thống, cấu trúc an ninh khu vực, tăng cường lòng tin, giảm thiểu xung đột… Cuộc họp năm nay không phải là ngoại lệ. Tuy không phải là tên của một trong năm phiên thảo luận chính, nhưng Biển Đông, cụ thể là việc TQ đẩy nhanh việc tôn tạo các đảo mà nước này chiếm trái phép với quy mô, tốc độ chưa từng có và phản ứng quyết liệt của Mỹ, chính là “Con voi trong phòng” của Hội nghị Shangri-La năm nay. Biển Đông là “từ khóa” hiện diện trong hầu hết các cuộc trao đổi bên lề, các diễn văn quan trọng, từ bài diễn văn khai mạc của Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long, bài phát biểu chính của Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, và trong các phát biểu của trưởng đoàn Australia, Đức, Anh và kể cả TQ. Thực ra, các đòn cân não và chiến tranh tâm lý đã được các bên ráo riết triển khai và bài binh bố trận từ trước đó. Chỉ ba ngày trước khi Shangri-La khai mạc, TQ công bố cuốn Sách trắng Quốc phòng, trong đó lần đầu tiên công khai chiến lược quốc phòng với mục đích chủ động "tấn công" đối thủ và làm “yên lòng” láng giềng. Có ít nhất 3 điểm đáng chú ý: Một là, thông thường việc công bố công khai chiến lược quốc phòng là điều chỉ các cường quốc quân sự như Nga, Mỹ, một số thành viên NATO mới làm vì họ tự tin ở sức mạnh quốc phòng của mình. Hiện nay TQ đã có đủ sự tự tin đó. Hai là, trong chiến lược quốc phòng mới TQ sẽ can dự chủ động và tích cực vào các vấn đề an ninh toàn cầu, cũng như mở rộng sức mạnh quân sự trên phạm vi toàn cầu; chuyển trọng tâm từ an ninh trên bộ sang an ninh biển nhằm “đảm bảo các quyền và các lợi ích của TQ”. Ba là, TQ khẳng định không tìm kiếm bá quyền và mở rộng lãnh thổ; chính sách quốc phòng của TQ là “phòng thủ tích cực”, theo đó TQ sẽ không “ra đòn” trước, mà chỉ tấn công và trả đũa nếu như bị tấn công(?!). Về phía Mỹ, phát biểu tại Hawaii trước khi bay đi Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo TQ chớ “mắc sai lầm”, rằng lực lượng của Mỹ sẽ tiếp tục bay, đưa tàu và hoạt động trong khu vực để đảm bảo tự do hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế cho phép. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: Iiss.org Biển Đông, Biển Đông và Biển Đông Đúng như dự đoán, tâm điểm của Đối thoại Shangri-La năm nay là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter. Mặc dù, được nêu khéo léo, nhưng dễ nhận thấy Biển Đông là nhân tố chính chi phối các tính toán chiến lược của Mỹ đối với khu vực, cũng như quan hệ Trung-Mỹ hiện nay và trong thời gian tới. Thứ nhất, Mỹ cho rằng cấu trúc của khu vực hiện nay về cơ bản là phù hợp với lợi ích của tất cả các nước, kể cả TQ. Trong 70 năm qua khu, vực châu Á– TBD đã chứng kiến sự trỗi dậy của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, chứ không chỉ riêng TQ. Cấu trúc khu vực này đảm bảo các quốc gia trên tục trỗi dậy trong khi vẫn duy trì lợi ích hài hòa với các quốc gia khác. Điều này ngầm ý cho rằng, TQ đang đi “lạc điệu” với khu vực và điều này đang đe dọa đến lợi ích của khu vực, cũng như ngay cả chính TQ. Thứ hai, cam kết của Mỹ với khu vực là mạnh mẽ và toàn diện, gồm: (i) cam kết này không chỉ có khía cạnh an ninh mà cả kinh tế, thương mại. Cụ thể, Quốc hội Mỹ vừa “trao” cho Tổng thống Obama quyền đàm phán nhanh TPA để sớm kết thúc đám phán TPP; (ii) cam kết của Mỹ là lâu dài chứ không chỉ của chính quyền Obama, là cam kết của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ; (iii) Mỹ cam kết đảm bảo an ninh của các đồng minh, an ninh của khu vực bằng mọi giá và sẽ không “lùi bước” trước các tuyên bố cứng rắn, hành động quyết đoán của TQ. Ông Carter cũng liệt kê một loạt nước trong khu vực từ Ấn Độ tới Nhật Bản, từ Philippines đến Malaysia, Singapore mà Mỹ đã thắt chặt quan hệ an ninh-quốc phòng trong thời gian qua “nhờ” sự quyết đoán của TQ. Hàm ý cho rằng chính sách cứng rắn đang làm cho TQ “mất” bạn, và việc hình thành các liên minh, đối tác mới của Mỹ không chỉ làm “mất đi” các lợi thế, mà còn đe dọa đến chính nền tảng an ninh TQ. Hình ảnh cải tạo trái phép của TQ tại bãi đá Huy Gơ. Ảnh: Huy Phong Để “giảm nhẹ” và cũng mở đường cho các đối thoại Mỹ-Trung sau nay, Mỹ liệt kê việc làm tương tự của một số nước khác, nhưng không quên nhấn mạnh việc làm của TQ là nguy hiểm nhất và chưa từng có, với hơn 800 ha mặt đất được bồi đắp chỉ trong vòng 18 tháng. Bên cạnh đó, ông Carter cũng giơ “cây gậy”, đó là liệt kê một loạt vũ khí hiện đại nhất hiện đang và sẽ được Mỹ triển khai tại khu vực như tàu tác chiến ven biển USS Forth Worth, tàu ngầm lớp Virginia, tàu khu trục tàng hình Zumwalt, máy bay do thám hải quân P-8 Poseidon… để vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu những “lợi thế” mà TQ có thể giàn được. Tuy nhiên, cách ứng xử của TQ tại Shangri-La khiến nhiều đại biểu muốn tìm một kết cục “có hậu” không tránh khỏi cảm giác thất vọng, và cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về khoảng cách giữa việc “công khai” trong tuyên bố, và ý đồ sâu xa, khó đoán định về mục tiêu chiến lược của TQ. Trong phát biểu của mình, Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Đô đốc Hải quân TQ Tôn Kiến Quốc tìm cách tránh tranh luận đối đầu, khẳng định TQ tiến hành các hoạt động tôn tạo trong phạm vi lãnh thổ của mình; các hoạt động này vẫn sẽ tiếp tục được triển khai, không gây bất cứ cản trở nào đối với an ninh và tự do hàng hải quốc tế cũng như lợi ích của Mỹ. Shangri-La 14 đã khép lại. Nhưng những câu hỏi, những lo ngại lớn hơn lại xuất hiện về việc cả TQ và Mỹ trong khi chưa sẵn sàng xuống thang, nhưng dường như lại "thừa" quyết tâm và sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro xung độ, căng thẳng “cường độ thấp”. Phải chăng quan hệ Trung-Mỹ đang hướng đến cuộc khủng hoảng tương tự "khủng hoảng tên lửa Cuba" giữa Liên Xô và Mỹ năm 1962 trước khi "luật chơi" được thiết lập để quản lý mối quan hệ này? Hoàng Anh Tuấn(Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao)
|