Bàn về chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Bàn về chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay
    Kami
    2015-06-05

    Tổng thống Philippines Benigno Aquino (P) chào đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Dinh Tổng thống Malacanang ở Manila, Philippines hôm 21 tháng 5 năm 2014
    AFP photo
    Tình hình căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian qua, đã thúc đẩy các mối quan hệ của Việt Nam với các nước lớn thay đổi nhanh chóng đến mức kinh ngạc. Truyền thông báo chí hai nhà nước Việt Nam - Trung Quốc trong những ngày này, đã không ngần ngại trong việc kích động tinh thần chủ nghĩa dân tộc hơn bao giờ hết. Dư luận cho rằng, đó là hệ quả đồng thời là biểu hiện của việc Việt Nam đang dần dần thay đổi chính sách đối ngoại của họ cho phù hợp với tình hình biến động.

    Tình hình khu vực Biển Đông

    Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam, hay Biển Tây theo cách gọi của Philippines, hoặc Biển Nam Hải theo cách gọi của Trung Quốc v.v... mà tên chung lâu nay ta thường thấy xuất hiện trên các bản đồ thế giới nói chung là Biển Nam Trung Hoa (South China Sea). Đây là một biển ven lục địa có diện tích khoảng 3triệu 500 ngàn km², trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan.

    Vùng biển này và các đảo, quần đảo trên khu vực Biển Đông không thuộc về chủ quyền của một quốc gia cụ thể nào đó, mà hiện nay đang là đối tượng tranh chấp về chủ quyền giữa 07 quốc gia trong vùng như Trung Quốc, Đài loan, Philippines, Việt Nam, Malayxia, Brunei và Indonesia. Vì quyền lợi và lợi ích quốc gia của mình, nên hầu như các quốc gia kể trên đều tự khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định toàn bộ, hay phần lớn cũng như một số khu vực nhất định nào đó là chủ quyền bất khả xâm phạm của họ.

    Trong cục diện ở Biển Đông hiện nay cho thấy, Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng và hiếu chiến trong việc hoàn tất giấc mộng làm bá chủ ở Biển Đông thông qua cái gọi là đường Lưỡi Bò chủ quyền 9 đoạn. Với giấc mộng ấy, Trung Quốc hy vọng sẽ chiếm tới 90% diện tích của Biển Đông, điều mà họ đã từng khẳng định đó là sân sau của họ. Việc gần đây, Trung Quốc gấp rút gia tăng việc đảo hóa các bãi đá ngầm, để trở thành các đảo nhân tạo, tạo cơ sở thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) nhằm khống chế không chỉ vùng biển mà kể cả vùng trời tại một phần lớn khu vực Biển Đông. Điều đó cho thấy phía Trung Quốc đã không chỉ vi pháp luật pháp quốc tế mà sẽ gây cản trở quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia khác.

    Đó chính là lý do khiến các quốc gia như Hoa kỳ, Nhật bản, Australia... và kể cả Liên minh Châu Âu (EU) đã lớn tiếng cảnh báo chính sách bành trướng của Trung Quốc. Không chỉ thế, các quốc gia đó cũng khẳng định việc sẽ tăng cường sự hiện diện về mặt quân sự của họ ở vùng biển này, để tuần tra nhằm đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông. Dư luận cho rằng, đã đến lúc Hoa kỳ và các nước Phương Tây sẽ không ngồi yên để Trung Quốc mặc sức lộng hành, nhằm bắt nạt các nước nhỏ ở khu vực và nếu Trung Quốc không thay đổi về lập trường của họ đối với việc bồi đắp các đảo nhân tạo thì việc xung đột quân sự sẽ là điều khó có thể tránh khỏi.

    Hiện nay, tham vọng của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng dữ dội của các nước nhỏ trong khu vực có liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông. Trước hết là Philippines một quốc gia đã chịu nhiều ảnh hưởng của chính sách bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc. Và gần đây nhất là Việt Nam, một quốc gia cùng ý thức hệ cộng sản với Trung Quốc, cũng đã đến lúc cho thấy họ đã gần mất hết kiên nhẫn với người đồng chí tốt của họ. Việt Nam đã có những biểu hiện cho thấy ngày một xích lại gần Hoa kỳ hơn, mới nhất là chuyến thăm Việt Nam của ông Ashton Carter Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và sắp tới là chuyến thăm Hoa kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng, một người trên danh nghĩa là người đứng đầu hệ thống chính quyền ở Việt Nam.

    Nếu chiến tranh trên Biển Đông xảy ra?

    Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hội đàm cùng Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội hôm 23/5/2015.
    Việc nổ ra xung đột Trung -Mỹ trên Biển Đông là khó có thể xảy ra, hai bên sẽ hết sức kiềm chế. Đặc biệt là phía Trung Quốc, một khi xung đột trên Biển Đông nếu xảy ra thì con đường vận chuyển hàng hóa quan trọng bậc nhất của Trung Quốc sẽ tê liệt thì nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc sẽ ngắc ngoải. Chính vì thế có thể thấy rằng, chính quyền Trung Quốc chỉ già mồm, chứ không dám đánh. Đó là chưa kể đến tiềm lực quân sự của Trung Quốc chưa thể địch lại riêng Hoa kỳ, chứ đâu cần đến các quốc gia khác vốn là đồng minh chiến lược của Hoa kỳ trong khu vực.

    Mới đây, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn đã có bài viết "Tam anh chiến Lữ Bố?", khi đề cập đến câu hỏi "Chiến tranh có thể xảy ra khi nào ?", tác giả đã có bình luận và đánh giá đáng chú ý như sau:

    "Chiến tranh sẽ không xảy ra giữa Mỹ và đồng minh với TQ nếu TQ chiếm các đảo hiện do VN nắm giữ, trong trường hợp TQ cam kết bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông. Đối với VN, có thể xảy ra vài đụng chạm, nhưng mọi việc sẽ ổn thỏa vì VN quá lệ thuộc vào TQ, về chính trị cũng như về kinh tế. Một tình huống ‘Malouines’, chiến tranh giữa Anh và Argentine, về chủ quyền đảo Malouines, có thể xảy ra tương tự. Mỹ có thể sẽ cung cấp cho VN một số vũ khí ‘đặc biệt’ để VN có thể hạ một số chiến hạm, tàu ngầm và máy bay của TQ, như trường hợp Pháp cung cấp cho Argentine máy bay Mirage và hỏa tiễn Exocet. Cuộc chiến Malouines Anh dành chiến thắng nhưng thiệt hại nặng vì các chiến hạm của Anh bị vũ khí của Pháp bắn chìm.

    Chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra giữa Mỹ (và đồng minh) với TQ, nếu nước này cương quyết chiếm trọn Biển Đông và ngăn chặn việc tự do hàng hải (và hàng không). Không phải như trường hợp khi Nga chiếm Crimé và miền Đông Ukraine, việc này không đe dọa Tây phương. Biển Đông là đường huyết mạch cho kinh tế của Mỹ, Nhật, Đại Hàn và nhiều nước khác. Biển Đông vì vậy thuộc về phạm vi ‘không gian sinh tồn’ của Mỹ, Nhật, Đại Hàn và các nước.

    Nếu chiến tranh xảy ra trong tình huống này, nếu VN đứng về phía Mỹ, thì TQ có nhiều sác xuất thua trận. VN sẽ phụ trách cuộc chiến trên bộ, được Mỹ trợ giúp quân sự, sẽ đánh chiếm Nam Ninh, Khâm Châu, tiến qua phong tỏa eo biển Quỳnh Châu, cùng với Mỹ và Nhật chiếm đảo Hải Nam. Hải quân và không quân của TQ sẽ bị tiêu diệt. Chiến tranh sẽ sớm kết thúc. VN sẽ lấy lại HS và TS. Đây có thể gọi là thế ‘tam anh chiến Lữ Bố’. Lữ Bố là TQ. Nhị anh là Nhật và Mỹ. Còn lại là VN.

    Nếu VN không đứng về phía nào, (theo như lập trường hiện nay), thì cuộc chiến sẽ hạn chế trên biển và trên không. Cuối cùng thì Mỹ và Nhật cũng thắng. Trường hợp này, các đảo HS và TS sẽ thuộc về phe chiến thắng (như là chiến lợi phẩm)."

    Qua phân tích trên cho thấy, Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị cho một lựa chọn phù hợp khi tình hình Biển Đông nổi sóng.

    Sự lựa chọn của Việt Nam

    Chính sách đối ngoại của nhà nước Việt Nam hiện nay, với lập trường và quan điểm dứt khoát là, Việt Nam không liên minh hay liên kết với bất kỳ nước nào để chống lại bên thứ 3. Đó chính là lập trường "ba không" của nhà nước Việt Nam trong công tác đối ngoại. Nội dung của chính sách "ba không" cụ thể là, Việt Nam cam kết "không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không dựa vào nước nào để chống nước khác". Đây là điều mà những người không ủng hộ chủ trương này cho là "chính sách ngoại giao du dây".

    Những người này, là những người có xu hướng ủng hộ các giá trị tự do, dân chủ theo kiểu Mỹ, mà ở Việt Nam người ta gọi là những người có chủ trương ủng hộ phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi hỏi cải cách chính trị để đưa Việt Nam thoát khỏi chế độ cai trị độc đảng toàn trị theo đường lối cộng sản. Theo họ, Việt Nam cần phải ngả hẳn, thậm chí là dựa hẳn vào Mỹ và cần thiết còn phải là một đồng minh chiến lược thông qua việc tham gia một liên minh quân sự trong đó có Mỹ để bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông.

    Tuy vậy, tác giả bài viết tin rằng đa số những người có quan điểm nói trên, chưa nghĩ tới tình huống "Nếu như trước đây hay hiện nay Việt Nam ngả hẳn hay dựa vào Hoa kỳ để chống lại Trung Quốc, khi chưa xảy ra xung đột Biển Đông thì điều gì sẽ xảy ra?" Câu trả lời là, với một vị trí biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã nắm chắc trong tay con bài Campuchia và đang dần thôn tính Lào, thì liệu Việt Nam khi đó có đứng vững với nạn phỉ hay sự bất mã của các sắc tộc ít người ở vùng biên giới của mình hay không? Đó là chưa kể đến các chính sách trả đũa về kinh tế và trên nhiều lĩnh vực khác, trong lúc nền kinh tế Việt Nam phần lớn là dựa vào Trung Quốc như hiện nay.

    Chắc hẳn, bài học về chính sách đối đầu với Trung Quốc giai đoạn lịch sử 1975-1990, trước và sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 xảy ra. Từ đó dẫn tới những hậu quả về việc mất ổn định về mọi mặt kinh tế- xã hội chúng ta chưa thể nào quên. Hay bài học xung đột giữa chính quyền Myanmar với sắc tộc thiểu số ở biên giới Trung Quốc - Myanmar gần đây, đang có nguy cơ chuyển thành xung đột giữa quân đội hai nước. Đừng quên Trung Quốc là "vua" kích động các sắc tộc thiểu số để gây bất ổn và với sức mạnh kinh tế có trong tay, thì họ có thể hành xử với Việt Nam các kiểu, nếu như họ muốn.

    Tuy nhiên, người ta thường nói mọi lý thuyết về chính trị, an ninh nhiều khi cũng là màu xám và cái đó không phải là bất biến. Một khi môi trường an ninh thay đổi thì khi đó chính sách đối ngoại của Việt Nam chắc chắn sẽ phải thay đổi, nghĩa là lúc đó chính sách "ba không" của Việt Nam sẽ không đáp ứng được đòi hỏi nếu như khi tình hình Biển Đông xảy ra xung đột giữa các bên Trung - Nga và một bên là các nước lớn còn lại đứng đầu là Mỹ. Lúc đó, Việt Nam không có bất kể lựa chọn lừng khừng nào khác, mà dứt khoát phải lựa chọn chỗ đứng một bên cho mình.

    Tuy điều đó còn đang ở phía trước, song cái cần là sự chuẩn bị và tính toán trước của lực lượng đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, để khi tình huống xảy ra sẽ không phải bất ngờ và ở thế bị động. Trường hợp vào thời điểm đó, nếu chính quyền Việt Nam hiện tại cố ngả theo Trung Quốc, thì đó là hồng phúc cho dân tộc, vì chính quyền ấy sẽ không thể tồn tại và tát yếu sẽ sụp đổ. Thay vào đó là một chính quyền thân Phương Tây. Đây là lý do giải thích vì sao những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay tự nhiên lại tỏ ra thân thiện và nhân nhượng hơn với Hoa kỳ về một số điểm vào thời điểm này.

    Kết

    Được biết, bên lề Hội nghị Shangri-La lần thứ 14 vừa kết thúc tại Singapore, ông Ashton Carter Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có nói với báo chí nói rằng “Tại Châu Á, vẫn có môt số nước nghiêng về phía Trung Quốc, một số khác thì nghiêng về phía Hoa Kỳ, nhưng hầu hết thì không muốn phải có một sự lựa chọn dứt khoát nào, và tôi nghĩ rằng điều này cần thiết để giữ sự đa dạng trong quan hệ ngoại giao ngay tại khu vực, trong thời gian tới”. Đây là một phát biểu đáng chú ý. Điều này cho thấy, tại thời điểm này chính sách ngoại giao "ba không" của Việt Nam dưới con mắt của một chính khách Hoa kỳ là phù hợp và có thể chấp nhận được. Có ý kiến cho rằng, chính sách "ba không" này của Việt Nam mang hơi hướng của chính sách ngoại giao cây tre của Thái Lan (!?), với ý nghĩa cái đó có thể ngả ngiêng theo chiều gió, nhưng không bao giờ đổ, để giữ gìn lợi ích quốc gia là trên hết.

    Trong thế kỷ XX vừa qua, người Việt Nam ở cả hai phía, Cộng hòa và cả Cộng sản đã nhiều lần đã phải trả giá đắt cho chính sách ngoại giao dựa vào một bên để chống một bên trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Đặc biệt là những người sống dưới chế độ VNCH, đã nhiều lần chứng kiến người Mỹ phản bội, thậm chí là bỏ rơi họ. Như trong vụ đảo chính và hạ sát Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng 11/1963 và Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam và những người cộng sản miền Bắc cũng bị Nga, Tàu đối xử không kém.

    Và có lẽ đấy là những bài học về chính sách ngoại giao mà những người quan tâm đến chính trị cần phải ghi nhớ, chứ xin đừng suy nghĩ theo cảm tính và ý thích của cá nhân mình.

    Ngày 04 tháng 06 năm 2015

    © Kami

    *Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.


    Posted by RFA on June 06, 2015 at 22:52:17:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]