Biển Đông và chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng Một hình ảnh qua vệ tinh cho thấy Trung Quốc sắp hoàn tất việc xây dựng một phi đạo dài 3.000 mét trên bãi Đá Chữ Thập nằm trong vùng đảo tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.
Mặc Lâm: Trung Quốc tỏ ra không ngán ngại việc Mỹ mạnh mẽ lên tiếng trước chuyện họ bồi đắp các đảo một cách bất hợp pháp và mới đây lại mang giàn khoan HD 981 trở lại biển Đông. Theo ông thì những động thái này nói lên điều gì? GS Nguyễn Mạnh Hùng: Nó nói lên chính sách lấn biển uyển chuyển, thiên hình vạn trạng của TQ. Năm ngoái vụ dàn khoan HD 981 tạo phản ứng rất mạnh từ nhiều nước, nhất là từ Việt Nam và Mỹ. Một phần vì thế, TQ rút dàn khoan đi. Chỉ sau đó vài tháng họ bắt đầu đào cát đắp đảo, biến các đá ngầm thành đảo nổi, lúc đầu chậm, rồi tăng rất nhanh. Khi người ta phát hiện ra các đảo nhân tạo và phản ứng mạnh thì nó đã thành “sự đã rồi,” không đảo ngược được. Động thái này gây ra phản ứng rất mạnh của Mỹ. Do đó, ngày 16/6. TQ tuyên bố đã làm xong việc và sẽ chấm dứt việc xây cất trong vài ngày tới, để xoa dịu dư luận. Mỗi lần như thế TQ lại tiến thêm một bước nhỏ nhưng vững chắc cho đến khi họ kiểm soát trên thực tế (de facto) được toàn thể vùng biển trong khu vực đường lưỡi bò mà họ vạch ra. Mặc Lâm: Trong tuần lễ vừa qua Hoa Kỳ không có phản ứng gì chính thức trước các tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị cũng như giàn khoan HD 981. Phải chăng đã có một biến chuyển nào đó khiến tình hình trở nên im ắng một cách bất thường? GS Nguyễn Mạnh Hùng: Có 2 lý do: thứ nhất Mỹ chú trọng nhất đên việc TQ lấy cát xây đảo vì nó vừa tạo ra “sự đã rồi,” vừa làm thay đổi thế cân bằng chiên lược có lợi cho TQ ở Biển Đông. Sau khi gặp sự phản đối của Mỹ và trước cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-TQ, ngày 16 tháng 6, TQ tuyên bố gần hoàn tất việc xây cất và sẽ chấm dứt việc xây cất trong vài ngày tới. Thứ hai Lần trước giàn khoan HD 981 được đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và gần bờ biển VN. Lần này, nó cũng được đặt trong vùng chồng lấn giữa khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam và khu vực đặc quyền kinh tế của TQ, nhưng nó chỉ cách đảo Hải Nam của TQ 75 dặm trong khi cách bờ biển Việt Nam 104 dặm, nghĩa là gần TQ hơn. Mặc Lâm: Thưa GS việc TBT Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ vào đầu tháng 7 này được xem là một diễn tiến có tính lịch sử, tuy nhiên đối với nước Mỹ, giới quan sát chính trị không đánh giá cao việc này. Giáo sư có nghĩ rằng ông Trọng sẽ mở đầu một tư thế mới cho Việt Nam trước vấn đề Biển Đông đối với Mỹ hay không? GS Nguyễn Mạnh Hùng: Lúc đầu người ta nghi ngờ sự thành công của chuyến đi và sự khó khăn trong việc sắp xếp thủ tục tiếp đón một nhà lãnh đạo đảng chứ không phải một nhà lãnh đạo nước. Bây giờ hai bên đã thương lượng kỹ trước, và đã đạt được những thỏa thuận căn bản về kết quả của chuyến thăm Mỹ của TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, giúp tăng cường rõ rệt quan hệ quốc phòng giữa hai nước, cho nên mơi trù liệu có cuộc gặp gỡ “lịch sử” giữa TT Obama và TBT Trọng tại Nhà Trắng và ra “Tuyên bố chung về Tầm nhìn của quan hệ Đối tác toàn diện và sâu rộng giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” cùng với “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng, định hướng hợp tác quốc phòng thời gian tới.” Nếu hai bên đồng ý thêm về việc gia tăng các chuyến thăm viếng Việt Nam của hải quân Mỹ, nhất là cảng Cam Ranh, thì cuộc công du của ông Trọng sẽ đánh dấu một thỏa thuận quan trọng về phương diện chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Quan trọng hơn vì người ta thường cho rằng Đảng CSVN mà ông Trọng là người lãnh đạo tối cao có khuynh hương thân TQ, chống đi với Mỹ. Nếu ông Trọng làm được việc này, nó là chỉ dấu cho thấy có sự đồng thuận quan trọng trong nội bộ Việt Nam giữa Đảng và Nhà nươc về chính sách đối với Mỹ trong thế cân bằng quyền lực với TQ. Sự đồng thuận này sẽ làm căn bản cho chính sách của các nhà lãnh đạo VN tương lai, sau Đại Hội Đảng năm 2016. Mặc Lâm: Một lần nữa xin cám ơn GS Nguyễn Mạnh Hùng.
|