Thứ Ba, 14/07/2015 - 19:05 Trong năm nay, Tòa án Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) sẽ đưa ra quyết định quan trọng về việc tòa này có thẩm quyền xét xử vụ kiện liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông do Philippines đứng đơn hay không. Đảo Chữ Thập sau khi được bồi đắp, với sự hình thành một đường băng đủ dài cho tất cả máy bay quân sự hiện tại của Trung Quốc Thời hạn cho Trung Quốc làm việc này là 17/8/2015. “Tòa án Trọng tài thường trực cho phép Trung Quốc được cập nhất tất cả các diễn biến trong quá trình trọng tài, cũng như vẫn còn mở cửa cho Trung Quốc tham gia vào các thủ tục tố tụng ở bất cứ giai đoạn nào”, tuyên bố của PCA phát đi cuối ngày 13/7, sau khi Philippines kết thúc điều trần lần 2 ở tòa, nêu rõ. Trong tuyên bố, PCA cho biết, Tòa án này đang trong quá trình thảo luận và sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy tắc, “nhằm tránh sự chậm trễ và phí tổn không cần thiết”, cũng như để quá trình xét xử được diễn ra công bằng và hiệu quả. “Tòa sẽ cố gắng đưa ra quyết định về vấn đề thẩm quyền của tòa đối với vụ kiện này trong thời gian sớm nhất có thể và hy vọng sẽ làm được việc này trong năm nay”, tuyên bố của tòa trọng tài thường trực nhấn mạnh. Ngoài ra, tuyên bố của PCA khẳng định: Nếu tòa có thẩm quyền với một số, hoặc tất cả các yêu cầu của phía Philippines, thì tòa sẽ tiếp tục tổ chức điều trần về các vấn đề này. Từ ngày 7/7 đến 13/7, phái đoàn gồm nhiều quan chức cấp cao của Philippines, trong đó có Chủ tịch Thượng viện Franklin Drilon, Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte Jr, Bộ trưởng Ngoại giao Albert Del Rosario, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Bộ trưởng Tư pháp Leila De Lima, cùng các luật sư đại diện chính phủ và các cố vấn luật nước ngoài, bao gồm luật sư nổi tiếng người Mỹ Paul Reichler, đã tham gia điều trần 2 lần bằng miệng trước tòa. Philippines đã cung cấp cho Tòa án 3.500, hình ảnh vệ tinh và không ảnh, 1.700 trang tài liệu về việc Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 tại Biển Đông. Manila yêu cầu Tòa án Trọng tài thường trực phán quyết về 5 vấn đề: - Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền thực hiện những gì họ gọi là “quyền lịch sử” trên các vùng biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy và vượt ra ngoài giới hạn các quyền lợi của mình theo Công ước. - Thứ hai, cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vin vào để xác định giới hạn yêu sách với “quyền lịch sử”, không có cơ sở nào theo luật quốc tế. - Thứ ba, các thực thể (features) hàng hải khác nhau mà Trung Quốc dựa vào như là cơ sở để để khẳng định yêu sách ở Biển Đông không phải là đảo để mà có thể tạo ra quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho họ. Thay vào đó, một số thực thể đó là “bãi đá” theo ý nghĩa trong Điều 121, khoản 3; số khác bị ngập trong nước khi thủy triều lên; một số khác nữa bị ngập vĩnh viễn. Kết quả là, không thực thể nào có khả năng tạo ra quyền lợi vượt quá 12 hải lý và có một số còn không tạo ra bất cứ quyền lợi nào. Các hoạt động bồi đắp khai hoang quy mô lớn của Trung Quốc gần đây không thể thay đổi hợp pháp đặc điểm và bản chất tự nhiên nguyên gốc của những thực thể này. - Thứ tư, Trung Quốc đã vi phạm Công ước khi can thiệp vào việc Philippines thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình. - Thứ năm, Trung Quốc đã phá hoại môi trường biển trong khu vực đến mức không thể phục hồi được, vi phạm UNCLOS, qua việc phá hủy các rạn san hô ở biển Nam Trung Hoa (tên quốc tế gọi Biển Đông - NV), bao gồm cả các khu vực trong EEZ của Philippines, bởi các hoạt động đánh bắt liều lĩnh và mang tính hủy diệt, cũng như việc săn bắt các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng của họ”.
|