Thứ Tư, 22/07/2015 - 14:56 Dân trí Được nhận những khoản vay ưu đãi hàng trăm triệu USD từ Trung Quốc, Campuchia đã mua nhiều trực thăng quân sự cùng các thiết bị khác từ Trung Quốc, và mối quan hệ được đánh giá đang ngày một thêm thân thiết. Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tea Banh kiểm tra lô xe quân sự Trung Quốc cung cấp tại tỉnh Kampong Speu, Campuchia hôm 23/5 (Ảnh: Xinhua) Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với đài phát thanh VOA Khmer, của Mỹ, ông Banh cho biết chuyến thăm đã thành công trong việc thắt chặt hơn nữa hợp tác quân sự giữa hai nước. Mối quan hệ này giờ đã “thân thiết hơn quan hệ quốc phòng của Campuchia với Mỹ”, vị Bộ trưởng khẳng định. Theo các nhà phân tích, Phnom Penh có khả năng sẽ còn trông cậy nhiều hơn nữa vào sự hỗ trợ từ Bắc Kinh. Hai nước lâu nay vẫn có mối quan hệ gần gũi, nhưng đến năm 2012, lại càng xích lại gần nhau hơn khi Campuchia là nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Tại hội nghị này, Phnom Penh đã đứng hẳn về phía Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Ngay năm sau đó, Bắc Kinh đã cung cấp cho Phnom Penh khoản vay 195 triệu USD, giúp nước này mua 12 trực thăng quân sự Z-9 do Trung Quốc sản xuất. Tháng 5/2013, Trung Quốc cam kết hỗ trợ Campuchia nhiều xe tải quân sự, các phụ tùng, thiết bị và nhiều hóa chất. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng thường dùng nhiều lời “có cánh” để ca ngợi mối quan hệ này. Hồi tháng trước, trong lễ thông xe một tuyến đường qua tỉnh Kampong Som do Trung Quốc tài trợ, ông đã khẳng định với một nhóm nông dân địa phương rằng quan hệ Campuchia – Trung Quốc đang tốt nhất từ trước đến nay, và rằng hai nước đang hướng tới quan hệ đối tác toàn diện. Trong năm 2015, Trung Quốc đã tăng mạnh hỗ trợ phát triển cho Campuchia, từ 100 triệu USD hồi năm ngoái lên 140 triệu USD, ông Hun Sen cho biết. Bộ trưởng Tea Banh cũng bảo vệ mối quan hệ song phương này, với tuyên bố viện trợ của Trung Quốc không hề kèm các điều kiện, và rằng Bắc Kinh không hề can dự vào vấn đề nội bộ của Phnom Penh. Trung Quốc hưởng lợi Dù vậy, theo các nhà phân tích Trung Quốc đang là bên được lợi nhiều hơn trong quan hệ với Campuchia. Chheang Vannarith, giáo sư thỉnh giảng đại học Leeds, Anh cho biết, Trung Quốc cần Campuchia với tư cách đối tác tại Đông Nam Á, nơi sự cạnh tranh đang gia tăng. “Khu vực này chứa đầy những cuộc cạnh tranh phức tạp”, giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ, chuyên gia này nói. “Trung Quốc dùng Campuchia tại Đông Dương và khu vực sông Mekong để củng cố trường ảnh hưởng của mình tại châu Á – Thái Bình Dương”. Ông Chheang Vannarith khẳng định Campuchia đang là người mạo hiểm hơn Trung Quốc. “Một khi dựa quá nhiều vào Trung Quốc, chúng ta sẽ mất đi cái gọi là quyền tự quyết trong chính sách đối ngoại”. Paul Chambers, giáo sư đại học Chiang Mai, Thái Lan thì gọi Trung Quốc là “một siêu cường đang lên” muốn sử dụng Campuchia để gây ảnh hưởng tại ASEAN. Và ông Chambers cho rằng đang có một “cuộc chiến tranh lạnh âm ỉ” giữa Bắc Kinh và Washington. “Tôi tin rằng ông Hun Sen đã từng và đang tiếp tục cho thấy là người giỏi bước đi thăng bằng giữa các đồng mình. Ông ấy sẽ ngày càng chào đón những hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc”. Giáo sư chiến lược học Hugh White, đến từ đại học Quốc gia Úc tại Canberra nhận định, quan hệ quân sự ngày một chặt chẽ giữa Trung Quốc và Campuchia sẽ là đối trọng cho ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, đồng thời củng cố năng lực quân sự của Campuchia. “Chúng ta có thể thấy Mỹ đang cố gắng xây dựng quan hệ tốt hơn với Việt Nam, mà một minh chứng là chuyến thăm Washington mới đây của Tổng bí thư đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng”, ông White nói. “Việc Trung Quốc sẵn lòng phát triển quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Campuchia cũng là một phần trong tiến trình này. Dù vậy tôi nghi ngờ sự hợp tác này sẽ đi xa tới mức thay đổi về cơ bản năng lực quân sự hay ngành quốc phòng Campuchia”. Thanh Tùng
|