Thủ đoạn mới nhằm chiếm biển Đông của Trung Quốc

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ Bảy, 08/08/2015 - 03:00
    Thủ đoạn mới nhằm chiếm biển Đông của Trung Quốc


    Chính giới truyền thông Trung Quốc cho thấy, nước này đang đẩy nhanh tốc độ đóng các tàu chấp pháp biển, nhằm hiện thực hóa âm mưu độc chiếm biển Đông.
    >> Kết thúc lệnh cấm đánh bắt, gần 9.000 tàu cá Trung Quốc tràn ra Biển Đông
    >> Nhật Bản "tố" tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra trái phép
    Triển khai đóng hàng loạt “tàu Hải cảnh Type 056”

    Ngày 6-8, trên các trang mạng Trung Quốc ồ ạt đăng tải nhiều tàu hải cảnh mới của Trung Quốc, đang được thử nghiệm hoặc lắp đặt thiết bị tại nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, thuộc tỉnh Quảng Đông. Trong đó có những chiếc đã mang màu sơn của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.

    Trong các bức ảnh có thể thấy rõ số hiệu tàu, thể hiện nó đã được đưa vào trang bị, thậm chí đã được phân bổ về các tỉnh. Quan sát những số hiệu này, ta đều thấy chúng được đóng loạt và cũng được biên chế hàng loạt cho các tỉnh của Trung Quốc tiếp giáp với Biển Đông.

    Theo quy định trong cách đánh số tàu Hải cảnh Trung Quốc, các tàu 4 số thường có lượng giãn nước rất lớn, thuộc về biên chế chính quy của các Tổng đội Hải Cảnh, đảm nhận nhiệm vụ ở các vùng biển lớn, tương đương với các Hạm đội hải quân là Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải.

    Các tàu được đánh 5 số thường có lượng giãn nước nhỏ hơn, trực thuộc lực lượng Hải cảnh địa phương của các tỉnh duyên hải Trung Quốc. 2 số đầu tiên trong số hiệu tàu quy định tên tỉnh, số thứ 3 là chỉ lượng giãn nước, còn 2 số sau mới đích thực là số hiệu tàu.

    Rất khó nhận ra sự khác biệt giữa chiến hạm Type 056 và tàu Hải cảnh mới của Trung Quốc

    Ví dụ như tàu Hải Cảnh 46104 đang chạy thử tại nhà máy. Số 1 ở vị trí thứ 3 cho thấy chúng thuộc lớp tàu có lượng giãn nước 1000 tấn, số 04 ở vị trí thứ 4+5 là số hiệu tàu. Đặc biệt là 2 số đầu tiên (46) là chỉ tàu thuộc lực lượng hải cảnh của tỉnh Hải Nam - Trung Quốc.

    Tương tự như vậy, chiếc tàu đang lắp đặt thiết bị trên cầu cảng mang số hiệu 44104, tức là tàu hải cảnh số 04, có lượng giãn nước 1000 tấn, thuộc lực lượng hải cảnh của tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Đây đều là các tỉnh duyên hải nước này, nằm tiếp giáp với biển Đông.

    Như vậy, rất có khả năng một con tàu thứ 3 cùng loạt này mang số hiệu 45104 sẽ được ra mắt trong thời gian sắp tới. Con tàu này sẽ được biên chế cho lực lượng hải cảnh của tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc (2 số đầu 45).

    Thiết kế tương tự chiến hạm Type 056

    Điểm đặc biệt là tất cả những tàu Hải cảnh này đều được thiết kế phần thân giống hệt như tàu hộ vệ hạng nhẹ thuộc Type 056, lớp Giang Đảo của Trung Quốc. Hiện hải quân nước này đã sở hữu khoảng gần 20 chiếc tàu thuộc Type 056 và dự định sẽ biên chế trên 50 chiếc.

    Tàu hộ vệ mang số hiệu 584 “Mai Châu” thuộc lớp Giang Đảo/Type 056 của Trung Quốc

    Tàu hộ vệ tên lửa Type 056 có chiều dài 90m, lượng giãn nước khoảng 1.500 tấn. Tàu có khả năng đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/h, tầm hoạt động 5.000 hải lý, thủy thủ đoàn gồm 60 người.

    Về trang bị vũ khí của tàu Type 056 gồm: pháo hạm 76mm, pháo phòng không 30mm, 4 tên lửa hành trình chống tàu YJ-83, hệ thống tên lửa phòng không FL-3000N và ngư lôi chống ngầm. Đuôi tàu có sân bay đáp ứng yêu cầu cất hạ cánh của một trực thăng săn ngầm loại Z-9 hoặc Kamov Ka-27.

    Nhà máy đóng tàu Hoàng Phố của Trung Quốc đã chế tạo tới gần chục chiếc tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Type 056 đã phục vụ trong lực lượng Hải quân nước này. Hiện nhà máy đóng tàu Hoàng Phố còn đang đóng mới rất nhiều các tàu hải cảnh khác cho lực lượng Cảnh sát biển.

    Loại tàu hải cảnh này sử dụng động cơ diezen để nâng cao hiệu suất động cơ, tốc độ tối đa đạt khoảng 25 hải lý/giờ (khoảng 46km/h). Tuy bề ngoài thân tàu giống hệt tàu hộ vệ Type 056, nhưng để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, tàu vẫn phải thay đổi một số nét kết cấu cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

    Quan sát từ một vài bức ảnh bị rò rỉ cho thấy, vị trí cầu tàu và cột buồm của tàu hải cảnh này hơi lùi về phía sau so với tàu Type 056, phía trước cầu tàu có một sàn nhô cao nhưng chưa rõ mục đích sử dụng. Phía trước 2 bên sàn đáp trực thăng đều có trụ cần cẩu, phục vụ việc nâng, hạ các tàu hơi vỏ thép và xuồng cao su.

    Boong máy bay trực thăng được giữ nguyên theo thiết kế của Type 056 và cũng không thiết kế kho chứa máy bay như tàu hộ vệ “đàn anh” của nó, mà chỉ cho phép trực thăng cất, hạ cánh tạm thời. Dự kiến, trực thăng thuộc dòng Z-9 có thể được biên chế cho các tàu hải cảnh mới này.

    Theo phân tích, tàu chấp pháp trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc có thể không được lắp đặt các hệ thống vũ khí như tàu chiến, chẳng hạn như pháo hạm 76mm, tên lửa hạm đối không tầm ngắn, tên lửa đối hạm.

    Tàu Hải Cảnh 44104 thuộc lực lượng Hải cảnh tỉnh Quảng Tây

    Do đó, có thể lượng giãn nước của tàu này sẽ thấp hơn tàu chiến Type 056 một chút. Tuy nhiên, không rõ Trung Quốc có “để giành” các vị trí lắp đặt vũ khí giống tàu hộ vệ hay không.

    Mặc dù, chưa biết lực lượng Cảnh sát biển sẽ đặt mua bao nhiêu chiếc tàu Hải cảnh kiểu mới cải tiến từ tàu chiến Type 056. Tuy nhiên, nhìn từ tiến độ và số lượng tàu hộ vệ Type 056 cho thấy, Hải quân Trung Quốc rất hài lòng về đặc điểm, tính năng, kỹ chiến thuật của lớp tàu này.

    Phục vụ âm mưu độc chiếm biển Đông

    Mặc dù trong danh sách tàu Hải cảnh của Trung Quốc có rất nhiều tàu được chuyển đổi từ tàu chiến cỡ lớn, nhưng việc tàu chấp pháp được đóng mới hoàn toàn, theo tiêu chuẩn tàu hộ vệ thì quả là hiếm thấy, bởi nó sẽ khiến cho giá thành đóng mới tàu bị nâng cao.

    Các “tàu chiến giả dạng” này có vận tốc rất lớn, khả năng và chịu va đập, rất tốt, phần mũi rất nhọn, phía trước phần mũi tàu ngập dưới nước được thiết kế có “quả lê” khiến nó có khả năng đâm húc thủng các tàu khác, đặc biệt là các tàu cá nhỏ bé của các nước láng giềng trên biển Đông.

    Tàu Hải Cảnh 46104 thuộc lực lượng Hải cảnh tỉnh Hải Nam

    Tuy nhiên, điều này xuất phát từ ý đồ nâng cao rất nhanh sức mạnh của lực lượng chấp pháp biển của Trung Quốc, nhằm chèn ép lực lượng tàu công vụ của các nước khác trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải, không có sự tham gia của các tàu quân sự.

    Đồng thời, việc Bắc Kinh triển khai đóng các tàu loại này có thể coi là một "cuộc tập dượt lớn" của nước này cho khả năng hoán chuyển ồ ạt các tàu chiến thành tàu chấp pháp trong thời gian ngắn, nhằm tăng cường thần tốc khả năng kiểm soát các vùng biển.

    Trong tình huống có va chạm, tranh chấp, Bắc Kinh sẽ lập tức hoán chuyển chức năng, nhiệm vụ của vài chục tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 thành các tàu hải cảnh, sử dụng chúng làm công cụ thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông của mình.

    Theo Thiên Nam

    Đất Việt




    Posted by dantri.com.vn on August 07, 2015 at 21:18:25:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]