Quan hệ cường quốc kiểu mới - sứ mệnh của ông Tập ở Mỹ

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ bảy, 19/9/2015 | 00:00 GMT+7
    Quan hệ cường quốc kiểu mới - sứ mệnh của ông Tập ở Mỹ

    Trung Quốc coi chuyến thăm Mỹ của ông Tập là cơ hội làm nổi bật vị thế quốc gia duy nhất cạnh tranh với Mỹ về tầm ảnh hưởng toàn cầu.
    Trung Quốc gặp khó trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập / Obama sẽ 'mềm nắn, rắn buông' khi tiếp ông Tập

    Ông Tập Cận Bình (trái) gặp gỡ ông Obama trong chuyến thăm Mỹ năm 2012. Ảnh: ABC
    Ngày 17/9, trước thềm chuyến thăm chính thức sang Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Mỹ-Trung không hề tồn tại bất cứ mâu thuẫn nào, và Bắc Kinh cam kết sẽ hợp tác với Washington để xây dựng "mối quan hệ nước lớn kiểu mới", Xinhua đưa tin.

    Quan hệ cường quốc kiểu mới

    Nếu đạt được mục tiêu này, đây sẽ là điều tốt với người dân Mỹ và Trung Quốc, cũng như đối với hòa bình và phát triển của thế giới, ông Tập nhấn mạnh trong cuộc gặp với một nhóm doanh nhân và cựu quan chức Mỹ tại Bắc Kinh.

    Trong chuyến thăm Mỹ từ ngày 22 đến 25/9 tới đây, ông Tập và ông Obama sẽ bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng, từ thương mại song phương tới an ninh mạng và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, trong chuyến thăm quan trọng này, mục tiêu hàng đầu của ông Tập sẽ là xây dựng sự đồng thuận giữa hai nước về khái niệm "mối quan hệ nước lớn kiểu mới", tờ Ta Kung Pao ở Hong Kong viết.

    Khái niệm "mối quan hệ nước lớn kiểu mới" lần đầu tiên được đưa ra ở Trung Quốc trong một tài liệu do Trường Đảng Trung ương phát hành vào năm 2005. Nó ít khi xuất hiện trong các văn kiện chính thức, cho đến khi được đưa vào báo cáo Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 tháng 11/2012, thời điểm ông Tập được bổ nhiệm làm tổng bí thư Đảng Cộng sản.

    Vài tháng sau đó, ông Tập có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ sau khi nhậm chức. Trong cuộc gặp với ông Obama tại một khu nghỉ dưỡng ở California, ông Tập được cho là đã tuyên bố Mỹ và Trung Quốc "cần phải hợp tác để xây dựng một mô hình quan hệ nước lớn mới, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi, vì lợi ích của người dân Trung Quốc, Mỹ và các dân tộc khác trên thế giới".

    Khái niệm này sau đó được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nhắc tới trong một bài phát biểu tại Đại học Georgetown năm 2013, khi bà tuyên bố rằng Washington đang tìm cách "vận hành một mô hình quan hệ nước lớn mới" với Trung Quốc.

    Theo định nghĩa của bà Rice, quan hệ kiểu này có nghĩa là "vừa kiểm soát sự cạnh tranh không thể tránh khỏi vừa thúc đẩy hợp tác sâu hơn trong các vấn đề hai nước có chung lợi ích", chẳng hạn như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bà Rice cho biết hai nước cũng đang cải thiện "quan hệ quân đội" thông qua tăng cường "đối thoại an ninh chiến lược" và hợp tác trong các vấn đề như chống cướp biển và an ninh hàng hải.

    Đến tháng 7/2014, trong Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông đã nhiều lần nghe đến thuật ngữ "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới", nhưng ông tin rằng khái niệm này cần phải được định nghĩa bằng hành động chứ không phải ngôn từ. Ba tháng sau, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Washington, tiếp tục trao đổi với ông Kerry về việc thúc đẩy quan hệ nước lớn kiểu mới.

    Ngoại trưởng Mỹ Kerry (trái) và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: Guardian
    Trong chuyến thăm Bắc Kinh tham dự hội nghị APEC sau đó, ông Obama nhấn mạnh quan hệ nước lớn kiểu mới không phải cứ đơn giản là khái niệm, và phía Mỹ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để biến nó thành hành động.

    Thế nhưng mối quan hệ mới này vẫn chỉ dừng lại ở mức khái niệm khi bà Rice gặp gỡ ông Tập ở Bắc Kinh hồi tháng trước, với việc ông Tập tái khẳng định rằng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới đồng nghĩa với việc "không xung đột hay đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác hai bên cùng có lợi". Quan điểm này được ông Dương Khiết Trì nhắc lại vào hôm thứ 6 tuần trước.

    Các chuyên gia phân tích nhận định Trung Quốc coi chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập là một cơ hội để họ làm nổi bật hơn vị thế mà họ tự coi là "quốc gia duy nhất trên thế giới có thể cạnh tranh với Mỹ về tầm ảnh hưởng toàn cầu", AFP đánh giá.

    Nghi kỵ chiến lược

    Trước đây, người Trung Quốc luôn có mặc cảm tự ti khi kinh tế chật vật. Nhưng gần đây, với nền kinh tế vươn lên mạnh mẽ, Bắc Kinh đang muốn làm mọi thứ để thực hiện "giấc mơ Trung Hoa" do ông Tập đề xướng, đưa nước này vươn lên vị thế mới trên trường quốc tế.

    Đó cũng là lý do ông Ruan Zongze, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Quốc, tuyên bố trước các nhà ngoại giao tại diễn đàn Lanting ở Bắc Kinh rằng bản chất mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã thay đổi.

    "Thế giới đã bước vào giai đoạn của những thay đổi và điều chỉnh lớn. Trong hoàn cảnh đó, Trung Quốc không thể cứ im lặng như trước kia", ông Ruan nhấn mạnh.

    Ông Yang Xiyu, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho rằng Mỹ vẫn xem xét khái niệm "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" theo những mâu thuẫn hiện hữu trong quan hệ song phương. Hai nước không thể đạt được sự đồng thuận cụ thể hơn về vấn đề này, vì cả hai vẫn còn những nghi kỵ chiến lược đối với nhau, ông Yang nhận định.

    Trong cuộc duyệt binh hồi đầu tháng, ông Tập tuyên bố sẽ cắt giảm quy mô quân đội và khẳng định Trung Quốc "không tìm kiếm bá quyền". Thế nhưng chính Trung Quốc lại là nước đang có tranh chấp lãnh thổ với một loạt các quốc gia láng giềng, trong đó có hai đồng minh của Mỹ là Nhật và Philippines, khiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nguy cơ trở thành nơi nổ ra xung đột về lợi ích giữa Bắc Kinh và Washington.

    Những hành động mâu thuẫn giữa nói và làm của Trung Quốc gây ra nhiều nghi kỵ. Ảnh: NYTimes
    Trong một hội nghị khu vực hồi tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định nước này đã dừng các công trình cải tạo, xây đảo trái phép trên Biển Đông. Nhưng gay sau đó một tổ chức tư vấn ở Washington công bố bức ảnh vệ tinh cho thấy các công trình phi pháp này vẫn đang tiếp tục được xây.

    Mới đây, ông Obama cảnh báo sẽ có những biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì những cáo buộc liên quan đến các hoạt động tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.

    Ông Yang cho rằng muốn hiện thực hóa được khái niệm trên, Bắc Kinh cần phải có những hành động tích cực chứ không thể chỉ nói suông.

    Tờ Duowei có trụ sở ở Mỹ cũng nhận định rằng kỳ vọng lớn nhất của Bắc Kinh đối với chuyến thăm Mỹ của ông Tập là hai nước đạt được sự đồng thuận về khái niệm chính xác của "quan hệ nước lớn kiểu mới" hơn là giải quyết những vấn đề cụ thể. Dù những khác biệt giữa hai nước vẫn không thể tránh khỏi, Bắc Kinh tin rằng khái niệm này có thể mang lại sự thay đổi căn bản cho mối quan hệ.

    Thế nhưng với những gì Trung Quốc đã nói và làm trong thời gian qua, Mỹ vẫn coi "quan hệ nước lớn kiểu mới" chỉ là một khái niệm và không có hứng thú vạch rõ nó có nghĩa là gì. Washington đang quan tâm đến việc giải quyết nhanh chóng những vấn đề cụ thể trước mắt, trong khi Bắc Kinh lại quá chăm chú với đại cục và những kế hoạch dài hạn. Sự khác biệt căn bản này sẽ khiến chuyến công du đầu tiên của ông Tập tới Mỹ với tư cách là chủ tịch Trung Quốc sẽ không thu được nhiều kết quả như mong đợi, theo Duowei.

    Trí Dũng




    Posted by VnExpress.net on September 19, 2015 at 05:51:42:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]