Vụ nổ bom liên hoàn gia tăng lo ngại bất ổn ở Trung Quốc

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ năm, 1/10/2015 | 19:24 GMT+7
    Vụ nổ bom liên hoàn gia tăng lo ngại bất ổn ở Trung Quốc

    Một loạt vụ nổ bom ở nam Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về bất ổn xã hội ở nước này, do đã có nhiều sự cố trong quá khứ.

    Một căn nhà sụp đổ sau một vụ nổ ở Liễu Thành. Ảnh: Reuters
    Các vụ nổ diễn ra chiều qua, tại huyện Liễu Thành, tỉnh Quảng Tây, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương. Nghi phạm là một người đàn ông họ Wei, 33 tuổi.

    Bom nổ tại 17 địa điểm, trong đó có các văn phòng chính phủ, một bệnh viện và một nhà tù. Vụ nổ tạo ra cảnh tượng hỗn loạn, với các tòa nhà đổ sập, khói bụi bay mịt mù, ô tô lật nhào, gạch vỡ la liệt trên đường phố, người dân địa phương hoảng sợ chạy tìm chỗ nấp. Họ miêu tả vụ nổ làm "rung chuyển mặt đất", với tiếng động "như tiếng phá đá trên núi".

    Hãng thông tấn nhà nước Xinhua không đưa tin về động cơ vụ đánh bom. Một số trang tin trực tuyến nói rằng nghi phạm có mâu thẫn với một bệnh viện trong quá trình khám chữa bệnh, nhưng truyền hình nhà nước CCTV bác bỏ thông tin này.

    Nikkei Asian Review đánh giá vụ việc có quy mô lớn như thế này có thể là do hơn một người tiến hành. Công tác điều tra có thể phát hiện ra một âm mưu đánh bom lớn hơn. Truyền thông địa phương đưa tin giới chức phát hiện 60 bưu kiện đáng ngờ sau vụ nổ.

    Vụ nổ diễn ra ngay khi Chủ tịch Tập Cận Bình vừa trở về từ chuyến thăm Mỹ, và chỉ một ngày trước lễ kỷ niệm 66 năm ngày quốc khánh.

    Ngày hôm nay cũng đánh dấu 60 năm thành lập khu tự trị Tân Cương, nơi có nhiều người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống. Du Chính Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, phụ trách các vấn đề dân tộc thiểu số, đang ở thăm khu vực tây bắc Trung Quốc này.

    Khi đất nước đang đón hai lễ kỷ niệm đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường an ninh để duy trì trật tự công cộng. Điều này làm cho các vụ nổ bom tại Liễu Thành thậm chí còn hơn cả một cú sốc.

    Trung tâm Thông tin vì Nhân Quyền và Dân Chủ, có trụ sở tại Hong Kong, cho rằng bom được sử dụng ở Liễu Thành do các phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ chế tạo. Căng thẳng và bạo lực giữa chính quyền và người Duy Ngô Nhĩ đã nhiều lần diễn ra ở Tân Cương, làm gia tăng lo ngại về quan hệ giữa phần tử Duy Ngô Nhĩ cực đoan và các nhóm khủng bố quốc tế khác.

    Dân tộc thiểu số không phải là vấn đề duy nhất. Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự bất mãn từ người dân vì khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, bất bình trước nạn tham nhũng và vấn đề môi trường.

    Theo Nikkei Asian Review, việc thiếu một lời giải thích rõ ràng cho vụ nổ kho hóa chất lớn ở Thiên Tân hồi tháng 8 cũng khiến công chúng thêm lo lắng. Của cải tăng do phát triển kinh tế nhanh chóng làm dịu những thất vọng của người dân với chính quyền. Nhưng nếu nền kinh tế tiếp tục xuống dốc, sự bất mãn đã tích tụ từ lâu của người dân có thể "tức nước vỡ bờ".

    Trung Quốc trong những năm gần đây phải vật lộn với một loạt các cuộc tấn công gây thương vong, một số trường hợp được cho là do những kẻ khủng bố cực đoan thực hiện, một số khác được kết luận là tội phạm địa phương hoặc hành vi bột phát do tuyệt vọng.

    Các vụ tấn công bằng dao và bằng bom từng xảy ra tại các điểm du lịch, bến tàu và chợ rau ở Bắc Kinh, thành phố phía nam Côn Minh và Urumqi, thủ phủ của Tân Cương. Trung Quốc cho rằng những vụ việc này do phần tử ly khai ở Tân Cương thực hiện và gần đây khởi động chiến dịch chống khủng bố để đối phó.

    Trung Quốc cũng chứng kiến một số vụ dùng chất nổ để trả thù người thân, hàng xóm và các quan chức. Theo Reuters, chất nổ tương đối dễ kiếm tại đây, vì chúng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp khai thác mỏ.

    Theo NYTimes, năm 2001, giới chức ở tây bắc Trung Quốc tử hình một người đàn ông bị kết tội giết 47 người, bằng cách cho nổ tung một đống thuốc nổ, sau tranh chấp kéo dài với láng giềng. Cũng vào năm đó, hơn 100 người đã thiệt mạng trong một loạt vụ nổ ở Thạch Gia Trang, bắc Trung Quốc. Cảnh sát nói rằng động cơ là trả thù vợ cũ và những người thân khác.

    Năm 2011, một người đàn ông ở miền đông Trung Quốc, bất mãn với khoản bồi thường cho ngôi nhà bị phá hủy của mình, đã tiến hành ba vụ nổ gần các văn phòng chính phủ, giết chết chính mình và hai người khác.

    Năm 2013, một loạt vụ đánh bom đã khiến một người thiệt mạng và 8 người bị thương bên ngoài văn phòng chính quyền địa phương ở Thái Nguyên, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây. Vụ nổ làm đường phố rải đầy đinh và viên kim loại. Cảnh sát sau đó bắt giữ một cựu tù nhân 41 tuổi, và cho biết họ đã phát hiện bom tự chế ở nhà ông ta.

    Li Jianghan, người ở Liễu Thành, theo dõi sát các vụ việc trên cho rằng những vụ nổ trước đó ở nơi công cộng xuất phát từ những căng thẳng xã hội sâu sắc, tư thù và sự bất bình của người khiếu nại.

    "Thủ phạm chọn tiến hành ngay trước ngày quốc khánh, việc này sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi và lo ngại", Li nói.

    Phương Vũ




    Posted by VnExpress.net on October 01, 2015 at 10:53:21:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]