[Tintuc-hoangsatruongsa]
Tàu chiến Mỹ sắp vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc
08/10/2015 15:55
(TNO) Tàu chiến của Hải quân Mỹ đã sẵn sàng, chỉ chờ chính phủ bật đèn xanh cho phép là vào vùng giới hạn 12 hải lý ở các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên cho rằng thuộc chủ quyền của mình.
Tàu tác chiến cận bờ (LCS) Fort Worth của Mỹ trong lần tuần tra trên Biển Đông ngày 12.5.2015 - Ảnh: Hải quân
Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS) quy định chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển là 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Trung Quốc sử dụng qui định này để ngăn cản tàu của nước khác, kể cả Mỹ vào vùng giới hạn 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Kể từ năm 2012, khi Bắc Kinh tuyên bố vùng giới hạn 12 hải lý, tàu của Hải quân Mỹ không xâm nhập bên trong vùng này, điều này gây nhiều tranh cãi ở chính trường Mỹ.
Báo Navy Times (Mỹ) hôm 7.10 dẫn nguồn tin từ quân đội Mỹ nói rằng hải quân nước này sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh khi cho biết sẽ gửi tàu khảo sát vào bên trong vùng giới hạn 12 hải lý ở những khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trái phép. Navy Times nói việc đưa tàu vào khu vực “cấm” này là một hoạt động mất vài ngày nhưng phải đợi sự chấp thuận của chính phủ Obama.
Việc gửi tàu chiến của Mỹ vào “vùng cấm” được nói nhiều từ hồi tháng 5.2015 nhưng Navy Times dẫn nguồn tin từ 3 quan chức của Lầu Năm Góc cho biết đó không phải là chuyện đùa, nói chơi của người Mỹ; thay vào đó khả năng Tổng thống Barack Obama chấp thuận cũng như Hải quân Mỹ điều tàu vào trong vùng giới hạn 12 hải lý ở các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông là rất cao.
“Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên sau năm 2012 Hải quân Mỹ sẽ thách thức trực tiếp với đòi hỏi giới hạn lãnh hải của Trung Quốc”, Navy Times nhận định.
Tổng thống Obama từng nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng 9.2015 rằng Mỹ có "lợi ích trong việc giữ gìn nguyên tắc cơ bản của tự do hàng hải và tự do thương mại, và trong việc giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, không phải là luật của kẻ mạnh".
Đá Chữ Thập của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm, xây thành đảo nhân tạo phi pháp, có cả cảng và đường băng dài 3.000 m. Ảnh vệ tinh Airbus chụp ngày 15.9.2015
Bryan Clark, một cựu quan chức từng phục vụ trên hạm đội tàu ngầm của Mỹ, cho rằng việc Mỹ không vào vùng giới hạn 12 hải lý ở khu vực Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trái phép đồng nghĩa với việc Washington công nhận đòi hỏi chủ quyền đó là hợp pháp.
“Nếu anh hành động như không dám xâm nhập, anh đang mặc nhiên thừa nhận những tuyên bố này là hợp pháp, cho dù anh nói rằng không công nhận điều đó”, ông Clark nhận định và nói thêm rằng ngay cả khi khu vực giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc đòi hỏi là hợp pháp thì tàu của Mỹ cũng có thể xâm nhập vì “vô tình”, điều mà luật hàng hải quốc tế cho phép.
Có một điều mà Navy Times cho rằng cũng sẽ khó xử cho Mỹ khi Washington cũng đòi hỏi giới hạn 12 hải lý đặc quyền ở vùng đảo Aleutian ngoài khơi bang Alaska khi đối phó với Bắc Kinh. Trung Quốc từng đưa tàu đến vùng lãnh hải do Mỹ quản lý này sau khi tập trận với Nga hồi tháng 9.2015 và bị Washington phản đối.
Minh Quang
Posted by thanhnien.com.vn
on October 08, 2015 at 10:56:10:
[Tintuc-hoangsatruongsa]