Thứ Sáu, 13/11/2015 - 10:37 Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ (Ảnh: Wiki) Trong thông cáo được phát đi, người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban cho biết các máy bay ném bom tới Biển Đông trong một chuyến bay theo lịch trình thông thường. “Các máy bay B52 khi đó đang thực thi một nhiệm vụ như thường lệ tại Biển Đông”, ông Urban trả lời hãng tin Reuters. “Chúng tôi vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến bay với máy bay B52 trên không phận quốc tế ở khu vực đó”. Ông Urban cũng xác nhận các “pháo đài bay” không đi vào vùng biển 12 hải lý, quanh các cấu trúc nhân tạo Trung Quốc bồi đắp và chiếm đóng trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, The Hill dẫn lời một quan chức Mỹ khẳng định, 2 máy bay B-52 đã thực hiện “một lần đi qua” bên trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Cụ thể hơn, nguồn tin này cho biết chuyến bay của B-52 nằm trong “chiến dịch tự do đi lại”, không đơn thuần là một chuyến bay theo lịch trình thông thường. Đến nay chưa có quan chức nào của Bộ quốc phòng Mỹ có bình luận về những thông tin có phần mâu thuẫn trên. Theo tờ The Diplomat, sự không nhất quán này một lần nữa đặt ra câu hỏi về sự hiệu quả trong trao đổi thông tin về quy mô các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông. Thông tin về sự xuất hiện của B-52 tại Biển Đông có sự tương đồng với một sự kiện tương tự tháng 11/2013, khi Không quân Mỹ điều 2 chiếc B-52 bay qua Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập. Một điểm khác biệt nữa trong thông cáo của Lầu Năm Góc được Reuters đăng tải so với thông tin trên tờ The Hill đó là phản ứng từ phía Trung Quốc khi các máy bay B-52 áp sát. Hai người phát ngôn Bill Urban và Peter Cook cho biết các máy bay B-52 đã “liên lạc” với kiểm soát không lưu Trung Quốc, mà không cung cấp chi tiết. Trong khi tờ The Hill dẫn lời một quan chức Mỹ khẳng định, các “pháo đài bay” đã không tuân thủ yêu cẩu của phía Trung Quốc rằng “hãy rời khỏi đảo của chúng tôi” (!?) Các chuyến bay của B-52 được thực hiện sau khi Trung Quốc gần đây đã đưa các chiến đấu cơ hiện đại J-11 tới đảo Phú Lâm, một trong những đảo nhân tạo nước này đã xây dựng đường băng phi pháp trên Biển Đông. Các chuyên gia nhận định, việc triển khai J-11 là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình, đối với các đảo nhân tạo trong khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là khu vực gồm hàng trăm bãi đá ngầm, bãi san hô, đảo với những tuyên bố chủ quyền chồng lấn của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan. Theo The Hill, việc điều động B-52 rõ ràng là một thách thức với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng có vẻ giới chức Mỹ không muốn sự việc trở nên ồn ào, có lẽ vì tính nhạy cảm chính trị của nó với Trung Quốc. Mỹ muốn duy trì một mối quan hệ hòa bình và hiệu quả với Trung Quốc, trong khi “tái cân bằng” sang châu Á-Thái Bình Dương, và hợp tác với Bắc Kinh về một loạt vấn đề từ kinh tế tới biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Thanh Tùng Theo The Hill, Diplomat
|