Thứ Tư, 09/03/2016 - 22:14 Hải quân Mỹ cho biết có rất nhiều tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở gần tàu Mỹ trong thời gian qua. Thông tin này được đưa ra giữa lúc một quan chức Trung Quốc trả lời truyền thông nước này rằng các tàu chiến Trung Quốc đã có mặt ở Biển Đông để "quan sát, nhận diện, theo dõi và trục xuất" các tàu chiến và máy bay nước ngoài vào gần cái mà họ gọi là “đảo của chúng tôi”. Tàu sân bay John C. Stennis. (Ảnh: AFP) Tình thế "mèo vờn chuột" nêu trên dù không kéo theo bất cứ va chạm nào, nhưng là diễn biến mới nhất trong sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông. Kể từ khi nhậm chức cách đây 3 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tận dụng tình hình tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền để ngang nhiên mở rộng sự hiện diện quân sự của nước này trong khu vực, cũng như tiến gần hơn tới tham vọng xây dựng và triển khai các tiền đồn của quân đội Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ nước này, bất chấp phản đối của quốc tế. Dù gây ra những căng thẳng trong khu vực từ hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, nhưng hoạt động này giúp Trung Quốc đưa ra các tuyên bố chủ quyền phi pháp ở vùng biển này. Ngoài ra, các đảo nhân tạo cũng đang thay đổi hiện trạng quân sự ở khu vực Tây Thái Bình Dương kể từ khi Thế Chiến II chấm dứt, giúp Trung Quốc tiến gần hơn tới mục tiêu thiết lập một vùng đệm an ninh. "Trung Quốc muốn vùng biển đó là của họ, nơi họ có thể triển khai tàu chiến và tàu của hải cảnh mà không lo ngại sự hiện diện của Mỹ hay hải quân các nước Philippines, Việt Nam hoặc Ấn Độ", ông Marc Lanteigne, chuyên viên nghiên cứu cấp cao về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Học viện Các vấn đề Quốc tế Na Uy, nhận định. Quá trình xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông được tiến hành từng bước nhưng những sự kiện gần đây đang đặt Bắc Kinh và các quốc gia láng giềng vào thế đối đầu trong vấn đề tranh chấp chủ quyền vùng biển. Từ đầu năm 2014, Trung Quốc bắt đầu nạo vét cát để xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ năm ngoái, tốc độ xây dựng được đẩy nhanh và hiện Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng trái phép ở đây các cảng nước sâu và đường băng dài sử dụng cho tàu chiến và chiến đấu cơ. Mới đây, Trung Quốc còn triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Các hình ảnh vệ tinh thu thập được cho thấy, Bắc Kinh cũng đã trắng trợn lắp đặt các hệ thống radar cao tần ở Trường Sa để kiểm soát tàu và máy bay ra vào khu vực. Theo giới quan sát, các công trình quân sự mới của Trung Quốc ở Biển Đông chưa tạo ra được mối đe dọa lớn với quân đội Mỹ, ngược lại, Mỹ có thể dễ dàng phá hủy những công trình này trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy nhiên, giới chức Mỹ ngày càng lo ngại rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông nếu không được kiểm soát chặt chẽ, Bắc Kinh sẽ làm thay đổi hiện trạng ở vùng biển này, qua đó nắm quyền kiểm soát ở vùng biển rộng lớn có diện tích như Mexico và sử dụng ưu thế quân sự nhằm lấn át các quốc gia láng giềng trong tranh chấp chủ quyền. Ngoài ra, cũng có ý kiến lo ngại hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ dẫn tới một cuộc đua vũ trang trong khu vực và gia tăng nguy cơ xung đột. Tàu hải giám của Trung Quốc bên cạnh một tàu cá Philippines ở Biển Đông. (Ảnh: PhilStar) Trong khi giới chức ở thủ đô Washington cho rằng, Trung Quốc chưa đủ khả năng đẩy lùi các lực lượng Mỹ khỏi Biển Đông, giới phân tích cho rằng hoạt động xây dựng ở Biển Đông của Bắc Kinh có thể gây thêm nhiều khó khăn cho Hải quân Mỹ trong quá trình bảo vệ các đồng minh. Máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm và hệ thống radar có thể giúp Hải quân Trung Quốc tự tin hơn trong cuộc đối đầu với các lực lượng Mỹ ở Biển Đông. Trong phiên điều trần hồi tháng trước tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, cảnh báo các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông "nhằm thay đổi hiện trạng vùng biển này". Trong một bài viết gửi lên ủy ban này, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông James R. Clapper dự đoán Trung Quốc "có năng lực đáng kể để triển khai nhanh các lực lượng tới những điểm nóng trong vùng biển này" vào đầu năm tới. Theo ông Clapper, dù Trung Quốc chưa hoàn thành các hoạt động xây dựng, nước này vẫn có thể tiếp tục triển khai thêm máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không, các hệ thống tên lửa, cũng như tàu chiến cỡ lớn và các tàu thuộc lực lượng hải giám nước này. Ông Clapper cũng xác nhận, Trung Quốc đang lắp đặt hệ thống radar quân sự ở đá Châu Viên, khu vực cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 960km. Với hệ thống này, tên lửa diệt hạm DF-21D của Trung Quốc có thể nhắm tới các mục tiêu hay cản trở những nỗ lực của Hải quân Mỹ. Trong khi đó, Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, mới đây cũng cảnh báo rằng Trung Quốc dường như đang tìm cách "đánh đuổi" các lực lượng Phillipines khỏi những vị trí mà nước này đang giữ hiện nay ở Biển Đông. Ông cũng đồng thời hối thúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama cân nhắc hành động đáp trả thích đáng đối với Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng các đảo nhân tạo sẽ giúp tàu chiến Trung Quốc dễ dàng hoạt động dài ngày ở quần đảo Trường Sa, thay vì phải quay trở về đất liền để sửa chữa và lấy các nhu yếu phẩm như trước. Ông Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở thủ đô Washington, cho rằng: "Giờ đây, tàu chiến Trung Quốc có thể hoạt động ở quần đảo Trường Sa bất cứ lúc nào". Ngoài ra, ông cũng cho rằng hệ thống radar mới trên đá Châu Viên sẽ cho phép Trung Quốc quan sát trọn cả khu vực và có thể theo dõi các mục tiêu ở xa tới Eo biển Malacca. Tại cuộc hội đàm tháng 9 năm ngoái với Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết không quân sự hóa Trường Sa. (Ảnh: NYTimes) Tại cuộc gặp với Tổng thống Obama hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ không "theo đuổi giấc mơ quân sự hóa" quần đảo Trường Sa, không nhắc tới quần đảo Hoàng Sa. Kể từ đó, Bắc Kinh luôn nhấn mạnh rằng nước này có quyền xây dựng "các cơ sở phòng vệ giới hạn" ở Biển Đông, như cách mà Mỹ đặt căn cứ tại Hawaii. Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một kho nhiên liệu quy mô lớn trên các đảo nhân tạo trong thời gian tới. Kế hoạch này nếu được thực hiện sẽ cho phép các máy bay chiến đấu Trung Quốc nán lại ở Biển Đông lâu hơn và giúp nước này dễ dàng thiết lập "Vùng nhận diện phòng không" (ADIZ) tại vùng biển này, một động thái tương tự mà Bắc Kinh đã làm ở biển Hoa Đông hồi năm 2013. Khi đó, Trung Quốc đã đòi quyền được nhận dạng các máy bay khi vào không phận tại biển Hoa Đông và sẵn sàng thực hiện các hành động quân sự nếu máy bay đối phương không tuân thủ yêu cầu. Thế nhưng, Mỹ và Nhật Bản đã từ chối công nhận ADIZ của Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình Hoa Đông lại khác ở Biển Đông. Chính quyền Tổng thống Obama tới nay chưa có chính sách cụ thể nào để ngăn chặn hoặc trì hoãn quá trình quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng biển này. Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ lưu ý rằng quá trình thực hiện tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông đang đẩy các quốc gia trong khu vực phải mở rộng quan hệ quân sự với Mỹ. Trong những tháng vừa qua, Lầu Năm Góc đã đẩy mạnh hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, điều tàu chiến và máy bay tới những khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền để thể hiện quan điểm của Washington rằng những khu vực này là vùng biển và không phận quốc tế. Ngọc Anh The NYTimes
|