Điểm nóng đối đầu Mỹ - Trung mới trên Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ năm, 14/4/2016 | 21:00 GMT+7
    Điểm nóng đối đầu Mỹ - Trung mới trên Biển Đông

    Cam kết bảo vệ đồng minh Philippines của Mỹ có thể bị "thử lửa" bởi ý đồ và hoạt động của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
    Philippines yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết từ tòa quốc tế / Quân đội Mỹ bị ép 'ngậm bồ hòn' trước Trung Quốc ở Biển Đông

    Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trong hình ảnh vệ tinh chụp ngày 12/3. Ảnh: Reuters

    Phát biểu với hãng thông tấn Reuters hôm 19/3, Đô đốc John Richardson, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, tiết lộ Washington đang theo dõi những hoạt động ngày càng gia tăng của Bắc Kinh quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông.

    "Tôi cho rằng chúng tôi đã thấy hoạt động của một số tàu mặt nước, những hoạt động dạng như thăm dò. Đó là khu vực đáng quan ngại, có thể là địa điểm bồi đắp tiếp theo", ông Richardson cảnh báo.

    Theo các chuyên gia từ Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), những hình ảnh từ vệ tinh hôm 24/3 chưa cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi Scarborough/Hoàng Nham. Con tàu duy nhất của Trung Quốc có mặt tại đây là một tàu dân sự, thả neo ngay cửa khu bãi san hô, như những gì vẫn diễn ra nhiều năm qua. Bên ngoài khu đầm là hai tàu đánh cá của Philippines.

    Nhưng như thế không có nghĩa tàu Trung Quốc không thực hiện các khảo sát để chuẩn bị cho bồi đắp, đô đốc Richardson nhấn mạnh.

    Vị trí chiến lược

    Trước việc Bắc Kinh có thể bị xử thua ít nhất một phần trong vụ kiện về "đường lưỡi bò" mà Manila đang theo đuổi tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thực hiện những động thái để cho thấy rằng họ không bị ràng buộc bởi quyết định của tòa, theo National Interest.

    Các nguy cơ leo thang căng thẳng bao gồm việc Trung Quốc tái phong tỏa đơn vị thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên Bãi Cỏ Mây, điều động khí tài quân sự tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam hay tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông... Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc triển khai hoạt động bồi đắp tại Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là đặc biệt đáng lo ngại, ông Gregory B. Poling, học giả tại Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của CSIS, đánh giá.

    Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham nằm cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 220 km và cách Manila 340 km. Bãi cạn này nằm trong một khu vực tương đối hoang vắng ở Biển Đông, cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam chừng hơn 460 km về phía đông nam.

    Trong trường hợp Trung Quốc tiến hành bồi đắp tại đây, quân đội nước này có thể sẽ duy trì hiện diện trên khắp Biển Đông, thậm chí vươn tới nhiều khu vực tại đảo chính của Philippines, gây ảnh hưởng lớn tới cả Philippines và Mỹ về mặt chiến lược, nhất là sau khi hai nước vừa thống nhất cho phép Mỹ sử dụng 5 căn cứ của Philippines, trong khuôn khổ Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quân sự.

    Hậu quả khó lường

    Chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc trên Biển Đông gắn liền với việc sử dụng các tàu dân sự, bán quân sự để khẳng định tuyên bố chủ quyền. Ảnh minh họa: AFP

    Việc Trung Quốc bồi đắp tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham sẽ mang đến vô vàn thách thức cho Mỹ và Philippines, ông Poling nhận xét.

    Từ góc độ an ninh, nó ảnh hưởng xấu tới nhận thức dư luận về sự sẵn sàng của Mỹ trong việc gìn giữ an ninh khu vực. Nếu một đường băng hoặc bến cảng xuất hiện tại đây, quân đội Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể năng lực quân sự ở trong và quanh vùng Biển Đông, đồng thời làm phức tạp thêm nỗ lực hoạch định cho một cuộc khủng hoảng của Mỹ và đồng minh.

    Hành động bồi đắp tại Scarborough/Hoàng Nham cũng có thể tác động xấu đến hệ sinh thái trong khu vực. Tòa án trọng tài có thể sẽ phán quyết rằng những hành động hủy hoại môi trường mà Trung Quốc gây ra khi bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa đã vi phạm luật pháp quốc tế. Nhưng khi triển khai bồi đắp tại Scarborough/Hoàng Nham, Bắc Kinh sẽ một lần nữa cho thấy rằng họ đang phớt lờ tòa án cũng như trật tự dựa trên pháp luật hiện hành nói chung.

    Ngoài ra, việc bồi đắp tại Scarborough/Hoàng Nham có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc giải quyết căng thẳng của khu vực thông qua con đường ngoại giao.

    Trong Tuyên bố về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông (DOC), các nước ASEAN và Trung Quốc đã đồng thuận rằng phải hạn chế "đưa người tới cư trú trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cạn, bãi cát nhỏ cũng như những kết cấu khác chưa có người sinh sống".

    Bồi đắp tại Scarborough/Hoàng Nham sẽ vi phạm quy tắc cốt lõi này. Đó là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và ASEAN chỉ là màn khói hư ảo, không hữu ích, ông Poling bình luận.

    Ứng phó

    Vị trí bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Đồ họa: Google Maps

    Theo ông Poling, Bắc Kinh rõ ràng đang theo đuổi chiến thuật "vùng xám", thay đổi hiện trạng một khu vực bằng cách sử dụng các tàu dân sự hoặc bán quân sự, né tránh công khai dùng đến vũ lực. Dù còn nhiều hạn chế nhưng Washington và Manila vẫn cần thực hiện một chiến lược gồm ba phần để răn đe các hoạt động bồi đắp của Bắc Kinh.

    Bước đầu tiên là chia sẻ thông tin tình báo về hành vi của Trung Quốc. Bắc Kinh lâu nay thường tranh thủ những hạn chế trong năng lực nắm bắt tình hình trên biển của các đối thủ để đưa mọi việc vào thế đã rồi.

    Những chia sẻ của đô đốc Richardson với Reuters cho thấy Mỹ đang theo dõi sát mọi động thái ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham nhưng dường như Manila lại không được Washington cung cấp thông tin kịp thời, ông Poling nhận định, dựa trên những thông báo mà phía Philippines đưa ra thời gian qua. Để có thể phản ứng phù hợp trước những dấu hiệu đầu tiên của hoạt động bồi lấp, đôi bên cần thực sự chia sẻ thông tin, thay vì chỉ dừng lại ở thu thập.

    Chìa khóa thứ hai để kiềm chế Bắc Kinh là một thông điệp rõ ràng, nhất quán rằng Mỹ sẽ can thiệp nếu binh sĩ hoặc tàu Philippines bị tấn công tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, hay bất kỳ khu vực nào khác trên Biển Đông, Poling nhấn mạnh.

    Theo ông, người Philippines lâu nay vẫn chờ đợi một cam kết chắc chắn như thế từ Washington, và việc chính phủ Mỹ chần chừ đưa ra tuyên bố đó sẽ ngày càng khiến phía Philippines hoài nghi hơn về độ "đanh thép" trong lời nói của người Mỹ.

    Tinh thần sẵn sàng thực thi cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ khi xuất hiện thách thức là yếu tố then chốt góp phần củng cố quyết tâm của Philippines trong việc đương đầu với Trung Quốc trước những vụ việc xảy ra tại "vùng xám". Đồng thời, sự sẵn sàng ấy cũng sẽ giúp Mỹ gửi thông điệp răn đe tới Trung Quốc, tránh việc căng thẳng leo thang trở thành một cuộc xung đột công khai.

    Bước đi cuối cùng và khó khăn nhất để ngăn Trung Quốc bồi lấn tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là củng cố sức mạnh cho Philippines trong thời gian ngắn. So với Bắc Kinh, năng lực quân sự của Manila còn lép vế, nhưng Philippines vẫn phải là người đi đầu ứng phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Scarborough/Hoàng Nham, ông Poling cho hay.

    Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham tồn tại một số cấu trúc đá được phép có vùng biển chủ quyền. Việc điều tàu hải quân Mỹ vào vùng biển chủ quyền của một thực thể có tranh chấp khi Trung Quốc không sử dụng vũ lực sẽ là vi phạm, hoặc ít nhất đe dọa nghiêm trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế mà chính Mỹ đang bảo vệ.

    Do đó, cơ hội tốt nhất để ngăn Trung Quốc bồi đắp tại Scarborough/Hoàng Nham là thông qua sử dụng các khí tài từ chính Philippines. Mỹ chỉ hiện diện ngay bên ngoài vùng biển chủ quyền đó. Manila cần sẵn sàng điều động các phương tiện để chặn đứng hoạt động bồi đắp của Bắc Kinh trên bãi cạn này.

    Việc chặn lối vào bãi cạn hoặc di chuyển qua lại để cản trở các tàu nạo hút cát sẽ khiến hoạt động bồi lấn của Trung Quốc gần như không thể diễn ra. Trong khi đó, các phương tiện của hải quân Mỹ neo ở phía xa sẽ luôn trong tư thế sẵn sàng can thiệp nếu Trung Quốc tấn công Philippines.

    Bắc Kinh đến nay vẫn cho thấy sự do dự trước những kịch bản đụng độ quân sự, không chỉ với Mỹ mà còn với cả các nước láng giềng khác. Chìa khóa dẫn tới thành công của một hành động can thiệp là buộc Trung Quốc phải chọn giữa sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu hoặc thoái lui, ông Poling kết luận.

    Hoàng Nguyên




    Posted by vnexpress.net on April 14, 2016 at 11:03:33:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]