Khối ASEAN đã đưa ra một tuyên bố với lời lẽ rất cứng rắn về Biển Đông sau cuộc họp với Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc tại thành phố Ngọc Khê trong tỉnh Vân Nam. Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị nhanh chóng rút lại trong lúc căng thẳng tiếp tục ở mức cao cả ở Biển Đông lẫn biển Hoa Đông. Thông tín viên Steve Herman tường thuật từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok “Thật là khó tin và với một cách thức không tốt đẹp” là những lời lẽ mà ông Curtis Chin, cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Á châu, đã dùng để mô tả việc ASEAN rút lại tuyên bố về Biển Đông. Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA hôm nay, ông Chin nói hành động này “chẳng những nêu bật tính chất quan trọng của vấn đề Biển Đông mà còn cho thấy rõ là ASEAN cần phải làm nhiều hơn nữa để đoàn kết với nhau để tìm cách giải quyết một trong những vấn đề quan trọng nhất mà khu vực này đang đối mặt.” Ông Thitinan Pongsudirak, giám đốc Viện nghiên cứu An ninh và Quốc tế của Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan, nói “Việc này khá buồn cười và rất bất bình thường. Tôi không nhớ là một việc như vậy đã từng xảy ra.” Các vị ngoại trưởng ASEAN, họp tại tỉnh Vân Nam trong hai ngày thứ hai và thứ ba, đã gián tiếp chỉ trích Trung Quốc qua việc bày tỏ “sự quan tâm sâu sắc” về những mối căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông và cảnh báo rằng những hành động như xây đảo nhân tạo và tiến hành hoạt động quân sự hoá trong vùng biển tranh chấp “sẽ gây tổn hại cho hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực.” Thông cáo của khối này cũng kêu gọi các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, trong lúc Trung Quốc không chịu chấp nhận phán quyết mà toà án ở La Haye sắp sửa đưa ra về vụ kiện của Philippines chống lại những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Phán quyết của toà trọng tài, theo dự liệu, sẽ bất lợi cho Trung Quốc. Các nguồn tin trong giới ngoại giao hôm nay cho biết các giới chức Trung Quốc đã vội vã gây sức ép đòi ASEAN rút lại thông cáo, sau khi Bộ Ngoại giao Malaysia phổ biến một bản sao cho giới truyền thông. Một nhà ngoại giao cấp cao làm việc tại thủ đô của một nước trong khối ASEAN nói với đài VOA “Đây rõ ràng là một trường hợp khác nữa của việc Trung Quốc dùng sức mạnh ngoại giao thô bạo để bóp nghẹt tiếng nói của ASEAN về vấn đề Biển Đông.” Giáo sư Thitinan của Đại học Chulalongkorn cho biết Lào, là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, đã “bảo đảm với nhiều nước liên hệ là chúng ta sẽ không nhìn thấy sự tái diễn của năm 2012.” Cách nay 4 năm, Campuchia -- là nước cũng được cho là thân Trung Quốc, giữ chức chủ tịch ASEAN và cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo của khối này đã kết thúc mà không có thông cáo chung. Đó là lần đầu tiên một việc như vậy xảy ra trong lịch sử 45 năm của ASEAN. Ông Thitinan cho biết vụ tranh chấp Biển Đông “trong 4 năm qua đã gia tăng cường độ tới mức vấn đề này phải được đề cập tới trong tất cả các thông cáo chung. Cuộc diện quả thật đã thay đổi. Những sự xích mích dễ xảy ra hơn.” Giáo sư Thitinan cho rằng việc đưa ra tuyên bố rồi rút lại cho thấy tình hình rối ren và sự bất hoà giữa các vị ngoại trưởng của ASEAN, một tổ chức lâu nay bị cho là bất lực vì không giải quyết được những vấn đề then chốt của khu vực. Ông Thitinnan nói “Đưa ra thông cáo chung trong lúc chưa sẵn sàng là đi ngược với tập tục ngoại giao. Lẽ ra phải có sự bàn thảo và các thành viên ASEAN phải đọc qua bản thông cáo và tán đồng trước khi thông cáo được phổ biến.” ASEAN hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận và bất cứ thông cáo nào của khối này đều phải có được sự tán đồng của toàn thể 10 nước hội viên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhất mực cho rằng ASEAN không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào tại cuộc họp mà họ đứng ra tổ chức. Posted by VOA Tiếng Việt on June 15, 2016 at 21:23:26:
|