Giữ nguyên trạng Biển Đông có thể là giải pháp tốt nhất

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Trong khi một giải pháp về những cuộc tranh chấp tại Biển Đông sẽ không đạt được trong một tương lai gần, nhưng việc cải thiện những mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila có thể báo trước cho hòa bình trên mặt biển trong vùng.

    Khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua, một số người lo ngại là ông ta sẽ tránh xa Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Trần Trường Thủy, giám đốc điều hành của Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ở Hà Nội nghĩ đây là tin mừng cho Biển Đông.

    Tại một Hội nghị thượng đỉnh về Việt Nam mới đây của tạp chí Economist ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Thủy nói nếu Trung Quốc tỏ ra thân thiện hơn với Philippines, thì chắc tiến bộ này sẽ không đe dọa, chẳng hạn như đòi chủ quyền tại các đảo gần Philippines.

    Ông Thủy nói: “Hiện nay, nếu Trung Quốc đòi chủ quyền như thế sẽ lật ngược lại mối quan hệ của Bắc Kinh với Philippines. Và trong tương lai gần, tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ hành động như vậy.”

    Việc xáp lại gần nhau giữa Manila và Bắc Kinh hầu như không được mong đợi vì Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại La Haye, Hà Lan vào tháng 7 năm nay đã ra phán quyết là việc xây dựng đảo của Trung Quốc lấn sang lãnh hải Philippines. Manila từng là đối thủ mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong việc Bắc Kinh đòi chủ quyền lãnh thổ trong vùng. Tuy nhiên tất cả đều thay đổi khi tổng thống mới của Philippines lên cầm quyền vào mùa hè năm nay.

    Ông Ian Storey, một thành viên của một uỷ ban tại hội nghị thượng đỉnh và là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore nói “Chính quyền Duterte đã chọn cách hạ giảm tầm quan trọng của phán quyết này. Philippines công nhận sự hiện hữu của phán quyết này nhưng không nêu lên tại Trung Quốc.”

    Ông Storey nói Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan có lẽ xem xét kỹ vụ kiện do Philippines khởi xướng này, trong trường hợp những bất đồng về Biển Đông bùng nổ. Tuy nhiên ông thấy đây là giải pháp cuối cùng, vì các nước nhỏ đòi chủ quyền sẽ không chọc giận Trung Quốc.

    Ông Storey nói tiếp: “Vì Philippines đã quyết định không đẩy mạnh vụ này nên tôi không nghĩ các nước Đông Nam Á khác sẽ làm như vậy.”

    Ông Bill Hayton là tác giả cuốn sách Đông Nam Á: Tranh chấp Quyền lực tại châu Á. Ông Hayton cho rằng dù Bắc Kinh chỉ trích phán quyết của Tòa án Trọng tài La Haye, nhưng hành động của Trung Quốc kể từ mùa hè năm nay đã phù hợp với phán quyết của tòa.

    Ông Hayton nói: “Trung Quốc đang tuân thủ phán quyết, và mới đây cho phép ngư dân Việt Nam hay Philippines trở lại bãi cạn Scarborough.”

    Ông Hayton cho biết việc Bắc Kinh không còn hung hăng nữa được chứng tỏ bằng những quan hệ với Hà Nội. Xung đột vũ trang dường như có thể xảy ra cách đây 2 năm, khi Trung Quốc thăm dò dầu khí tại một vùng biển ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.

    Ông Hayton nói: “Kể từ biến cố giàn khoan dầu năm 2014, trong đó Trung Quốc thất bại thảm hại—Việt Nam đã đối phó khá tốt vào năm 2014—Trung Quốc không khoan dầu tại những nơi không đúng chỗ.”

    Dường như đã có sự đồng thuận trong uỷ ban là việc tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông vẫn còn, cùng với điều được gọi là một miếng băng vết thương thường xuyên: Đó là chấp thuận nguyên trạng để giữ cho vùng biển này được yên tĩnh.




    Posted by VOATiengViet on November 07, 2016 at 21:39:32:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]