Cập nhật: 10:03 GMT - thứ ba, 23 tháng 3, 2010
Hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 16 sẽ được tổ chức trong hai ngày 8 và 9 tháng Tư tại Hà Nội. Năm nay là lần thứ hai Việt Nam lãnh vị trí chủ tịch luân phiên của Asean, và giới bình luận đánh giá rằng sau 15 năm tham gia khối, Việt Nam đã dần hình thành được tiếng nói có trọng lượng trong nhiều vấn đề của khu vực. Cũng có nhận định tại bàn hội nghị lần này, chủ đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông mà Việt Nam quan tâm lớn sẽ thay thế chuyện Miến Điện trên bàn hội nghị. Trong một bài bình luận đăng trên báo Nation của Thái Lan hôm thứ Hai 22/03, cây bút kỳ cựu Kavi Chongkittavorn viết Việt Nam những năm gần đây đã khẳng định được vị trí là nước đầu tàu trong quan hệ với các thành viên mới gia nhập Asean như Lào, Campuchia và Miến Điện. Tuy nhiên theo ông, năm nay Asean sẽ phải đối diện chủ đề bức xúc hơn, là các tranh chấp ở Biển Đông và cơ chế giải quyết chúng. "Sau khi Trung Quốc và Asean ký được Tuyên bố chung về cách ứng xử tại Biển Đông năm 2002 ở Phnom Penh, chủ đề tế nhị này đã chìm nghỉm suốt tám năm nay." "Việc không có tiến bộ trong các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền đã trở thành điểm nóng nhất trong quan hệ Trung Quốc - Asean." Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player Để giải quyết vấn đề, ông Chongkittavorn đặt câu hỏi: "Liệu các nước Asean có đủ dũng cảm để hợp nhất cùng đàm phán với Trung Quốc hay không? Hay chỉ nên giữ câu chuyện này một cách nhẹ nhàng chứ không nên khuấy động nó lên làm gì?" Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ được tiếp cận tại Hội nghị Thượng đỉnh Asean 16 như thế nào? Thắng lợi chung Đài BBC đã có cuộc nói chuyện với một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, Tiến sỹ chính trị học Đinh Hoàng Thắng và được ông chia sẻ: TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi nghĩ có khả năng cả hai vấn đề (Biển Đông và Miến Điện) vẫn sẽ nằm trên bàn nghị sự hội nghị Asean lần này vì đây cùng là hai điểm nóng trong khu vực, khó mà hy sinh chủ đề này cho chủ đề kia. Từ trước đến nay, trong các tiếp xúc ở Asean, dẫu rằng các bên luôn nêu cao nguyên tắc bất can thiệp, nhưng vấn đề nhân quyền Miến Điện vẫn được đề cập, khi sâu, khi nông. Sâu hay nông ra sao, thì lại phụ thuộc vào hai cây vĩ cầm lớn ở ngoài Asean, là Trung Quốc và Hoa Kỳ, họ định chơi nốt nhạc gì, nốt trùng hay nốt căng. Hiện nay, cuộc kéo co Trung-Mỹ trên cấp độ toàn cầu đang diễn ra khá gay cấn. Mà vấn đề Biển Đông và Miến Điện là các chủ đề Mỹ và Trung Quốc dễ thỏa hiệp với nhau hơn, so với các vấn đề gai góc khác trong quan hệ Trung-Mỹ như tỷ giá đồng Nhân dân tệ, hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan, vấn đề Tây Tạng vv... là các vấn đề động chạm lớn tới chính sách nội trị của hai siêu cường. Nếu thỏa hiệp các chủ đề đó, dễ ảnh hưởng tới vị thế chính trị của Tổng thống Obama cũng như chủ nghĩa dân tộc từ phía lãnh đạo Trung Quốc. Trong khi đó, các lãnh đạo Asean cũng đang hướng tới việc mở rộng tiếng nói của mình trong các vấn đề khu vực, nhất là khi cho tới nay các cuộc họp của họ vẫn bị chê là làm ngoại giao salon, hay né tránh, không mang lại kết quả gì. Hội nghị lần này, nếu có gia giảm liều lượng trong cách tiếp cận hai vấn đề Biển Đông và Miến Điện, thì tôi nghĩ do thỏa hiệp Trung-Mỹ là chính. Trung-Mỹ thỏa hiệp được, thì cũng có thỏa hiệp trong Asean. Tất nhiên cũng phải chờ xem tài năng của nước chủ nhà đến đâu trong ván bài không phải dễ chơi này. BBC: Thưa ông, Việt Nam đã không che dấu ý định quốc tế hóa, đa phương hóa và nhân bản hóa chủ đề Biển Đông, đưa nó ra bàn quốc tế. Liệu ý nguyện này có khả thi hay không tại hội nghị Asean lần này, vì tới nay nó vẫn gặp phải sự lúng túng chần chừ của các nước Asean và ngược lại, sự mạnh bạo quyết liệt của Trung Quốc? TS Đinh Hoàng Thắng: Vâng, như tôi đã nói, đây là ván bài không dễ chơi. Nói tới thái độ và nguyện vọng của Việt Nam trong hội nghị lần này, chúng ta phải chú ý hai điểm mới so với các hội nghị Asean trước. Một tiếng nói phản ánh được quan ngại chung, nỗ lực chung quốc tế hóa và nhân bản hóa vấn đề Biển Đông sẽ là thắng lợi của đa số, là điều tốt cho cả Việt Nam và cả hội nghị. Bất cứ ai ở vị trí của Việt Nam thì chắc đều thấy nguyện vọng và hành động của Việt Nam là theo lý trí và lẽ phải chứ không có lựa chọn nào khác vì trong cuộc đọ sức không cân xứng ở Biển Đông, nếu mình càng nhân nhượng thì đối tượng sẽ càng lấn tới. Là nước chủ nhà, Việt Nam cần phản ánh điều mà các khách mời cùng mong muốn chứ không thể chỉ đề cập tới chuyện sát sườn của mình. Trước chính sách chia để trị và tằm ăn dâu của Trung Quốc thì không chỉ Việt Nam mà các nước Asean khác đều sợ. Tuy nhiên, sợ tốt hơn là giật mình. Vì vậy một tiếng nói phản ánh được quan ngại chung, nỗ lực chung quốc tế hóa và nhân bản hóa vấn đề Biển Đông sẽ là thắng lợi của đa số. Đó sẽ là điều tốt cho cả Việt Nam và cả hội nghị.
Posted by BBC on March 23, 2010 at 11:17:34:
|